[Cà phê cùng B4T] Một ngày có nên dài hơn 24 giờ?
“Giá mà một ngày có thể dài thêm vài giờ nhỉ?”, “Ước gì một ngày của mình không chỉ gói gọn trong vòng 24 tiếng đồng hồ.”, “Một ngày sao trôi qua nhanh quá.”,… Đó là những lời thì thầm, than thở mà thi thoảng tôi được nghe.
Để điền tiếp vào vế còn lại của câu nói “Nếu một ngày dài hơn 24 giờ…”, trước hết, tôi tự nhận mình là người có thói quen trì hoãn. “Trì hoãn là từ dùng để chỉ một thói quen hoặc một xu hướng tâm lý không muốn bắt tay vào làm một công việc cần làm ngay mà muốn kéo dài, hoãn lại đến một khoảng thời gian sau mới thực hiện.”
Chẳng hạn như khi viết nên những dòng này, tôi đã dành ra nhiều thời gian hơn so với tôi tưởng và đôi lần tôi thấy khó khăn để viết tiếp. Mọi người thường khuyên tôi rằng: “Đừng trì hoãn nữa!?”. Nhưng trì hoãn đối với tôi nó không phải là sự chọn lựa giữa muốn hay không, mà đơn giản là tôi chưa biết cách để từ bỏ nó hay có thể nói nó là một thói quen khó bỏ.
Đặc biệt là ở Đại học, sự tự do khiến “thói quen trì hoãn” của tôi có cơ hội để phát triển hơn. Tôi thường để bản thân rơi vào tình trạng “nước tới chân mới nhảy” và thường đến sát “deadline” tôi mới bắt tay vào làm. Thật may mắn cho tôi, kết quả của những trải nghiệm “nghẹt thở” ấy vẫn tốt như tôi mong đợi.
Quay lại với đáp án của tôi cho câu hỏi trên sẽ là: “Tôi sẽ dành thêm nhiều thời gian hơn cho những người tôi thương yêu”. Có đôi lúc tôi chợt nghĩ, nếu một ngày có thể kéo dài đến 30 giờ, việc tôi bên cạnh những người tôi yêu quý, và để thói quen trì hoãn kiểm soát tôi trong công việc và học tập, thì liệu rằng lúc đó mỗi một ngày trôi qua như vậy có còn ý nghĩa và thiêng liêng nữa hay không? Nếu mỗi ngày đều dài như thế, tôi sẽ quen với sự thoải mái an nhàn khi thời gian cứ chậm rãi trôi đi. Việc trì hoãn theo thói quen chỉ đủ xoay quanh những việc không thay đổi rồi một lúc nào đó cảm giác buồn chán, ngột ngạt đến bức bối bủa vây lấy tôi và bấy giờ có lẽ khoảng thời gian tôi trân quý dành cho cho việc học, thư giãn và những người thân yêu của mình sẽ trở nên mất cân đối, tầm thường và tẻ nhạt.
Người ta thường nói: “Có thời gian bạn có thể làm ra tiền bạc nhưng khi có nhiều tiền bạc, giàu có tới mức nào bạn cũng không thể mua được dù chỉ 1 giây thời gian.” Vậy nên, mỗi ngày chỉ nên có 24 giờ để ta biết rằng cuộc sống này hối hả, để ta biết rằng thời gian bên cạnh những người thân thường là ngắn ngủi, và từ đó học được cách sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian hiện có một cách khoa học và trân trọng thời gian hơn…
Sau cùng, tôi có đôi lời muốn nhắn gửi rằng các bạn hãy đừng thụ động chờ đợi từng phút giây ngắn ngủi của mình trôi qua trong vô ích và than thở tại sao một ngày không thể dài hơn 24 tiếng đồng hồ, thay vào đó bạn hãy thay đổi cách nhìn nhận vốn thời gian bản thân hiện có, bạn sẽ biết cách điều phối và sử dụng nó hợp lý mà thôi.
B4T – Chang