[CÀ PHÊ CÙNG B4T] CHÚNG TA ĐỀU CÓ NHỮNG VẾT SẸO
“Nhà là nơi để về, là nơi để yêu thương… Thế nhưng tại sao em lại không được như họ?”
Đó chính xác là câu nói của Lan đã nói với tôi, một cô bé đáng yêu với đôi mắt to tròn nhưng luôn toát lên một nét thoáng buồn.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp em, đó là một ngày nắng gắt khi tôi phải về quê mình ăn giỗ cùng ông bà. Ở một nơi xa lạ, cảm giác trong tôi vô cùng lạc lõng khi chẳng quen biết ai ở nơi đây. Ở một nơi “đồng không mông quạnh” – toàn là những cánh đồng lúa rộng lớn và những vườn trái cây sai trĩu quả. Tôi cô đơn ngồi ngoài bờ sông cạnh nhà, tránh xa tiếng ồn của đám đông đang ca hát phát ra từ đó. Bỗng cánh tay em khẽ chạm vào vai tôi và dúi vào tay tôi một trái quýt nhỏ “Sao chị không vào nhà chơi cùng mọi người?”. Tôi ngước nhìn em, cô bé tầm 10 tuổi, trạc tuổi em gái tôi với làn da đen nhẻm, đôi mắt long lanh to tròn vô cùng đáng yêu.
“Chị không quen ai cả,…” – Tôi khẽ nói.
“Thế thì chơi cùng em nhé”. Thế rồi tôi và em đã làm bạn từ đấy.
Ấy vậy mà khi tôi về quê gặp lại Lan một lần nữa, em trong ký ức của tôi luôn hồn nhiên, vui vẻ, lúc nào cũng cười nói với tôi, giờ đây lại trở thành một cô bé rụt rè, sợ sệt, luôn mang một vẻ đượm buồn. Lại là con sông năm ấy, em ngồi dựa vào tôi khóc thút thít, nhìn vào cơ thể gầy còm chằng chịt những vết thương của em, tôi đoán rằng đã có chuyện xảy ra. Phải, em đang phải chịu cảnh bạo lực từ chính gia đình của mình. Em kể rằng, mẹ phải đi làm xa, em ở nhà làm lụng cùng ba và anh chị. Em rất khát khao được đi học cùng bạn bè nhưng nhà quá khó khăn, ngày ngày ba em đều sống trong men rượu, trong cơn say ấy, ông đã tàn nhẫn đánh đập em và chị mình rất nhiều. “Bọn vịt trời như chúng mày đẻ ra thật xui xẻo”, “Chúng mày không nên tồn tại” đó chính xác là những lời nói của “người cha” ấy đối với con gái của mình. Những trận đòn roi ấy đã để lại cho em những tổn thương sâu sắc, những vết sẹo từ cơ thể đến trong tâm hồn đã biến một cô bé 12 tuổi hồn nhiên, cười nói ngày nào trở thành một người trầm lặng đến đáng sợ. Em rưng rưng đôi mắt nhìn tôi rồi nói “Mọi người thường nói nhà là nơi để về, là nơi để yêu thương… Vậy sao em lại không được như họ, có phải là em chưa đủ ngoan hay không?”.
Câu hỏi hồn nhiên từ một đứa bé đã khiến trái tim tôi phải thắt lại. Thật đau đớn khi một đứa trẻ như em phải gánh chịu những nỗi đau đang dằn xé em từng ngày, mà còn gì đau bằng khi chính người đã sinh ra em đem lại cho em nỗi đau ấy. Nếu đối với mọi người “Gia đình là nơi thiêng liêng, một nơi để chúng ta trở về, là nơi để yêu thương..” thì đối với em, nơi ấy như một địa ngục – một địa ngục trần gian, khi chẳng có bữa ăn nào được no ấm, ngày ngày phải đi rong ruổi khắp nơi bán từng tờ vé số, là những ngày bị đánh đến bầm dập khắp người bởi người cha tàn ác,… Tôi cảm thấy bất bình vì sao chẳng có ai giúp em thoát khỏi cuộc sống này thì Lan chỉ mỉm cười nhìn tôi đầy đau đớn “Bọn trẻ tụi em ở đây có ai mà không như vậy nên em cũng quen rồi chị ạ…” Tôi nắm chặt tay em rồi nói “Hay để chị nói với người lớn, chị tin mọi người sẽ giúp em”. Nhìn những vết thương đang chất chồng từng ngày tạo nên những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể và cả trong trái tim nhỏ bé ấy, lòng tôi bỗng đau thắt lại từng cơn. Qua buổi nói chuyện cùng em tôi có kể lại sự việc Lan đang gặp phải cho mọi người. Thế nhưng, khi mọi người đến nhà em thì đều bị đuổi về với lý do từ cha em rằng “Do bé Lan tuổi nhỏ còn nghịch ngợm nên đôi khi tôi có la rầy cháu nó,… mấy đứa trẻ ấy mà phải dạy dỗ mới biết nghe lời…”. Cho đến khi các cô chú trên xã đòi gặp Lan thì cũng chỉ nhận được lời từ chối vì Lan đã theo mẹ lên thành phố.
Cũng từ dạo ấy, tôi đã mất liên lạc hoàn toàn với em, tôi không dám nghĩ đến cảnh cha em sẽ “ra tay” tàn nhẫn với em thế nào, khi tôi đem chuyện ấy kể cho mọi người nghe. Câu chuyện này cũng đem lại cho bản thân tôi một nỗi day dứt không nguôi. Tôi thật sự hi vọng rằng Lan và anh chị của em thật sự đã thoát khỏi sự giày vò đầy bạo lực từ người cha tàn độc, nhưng những vết thương của nạn bạo lực ấy vẫn luôn nằm ở đâu đó trong em. Bởi tôi biết rằng, những vết thương dù nhỏ hay lớn, dù nông hay sâu, nhưng chắc chắn nó luôn nằm ở đấy, bất kể khi nào chỉ cần “chạm” đến đều sẽ rỉ máu và nhói đau. Cũng như câu nói: “Một đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, một đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”, những đứa trẻ tội nghiệp ấy vẫn sẽ ôm trong mình những “vết sẹo” về một cuộc sống tồi tệ ấy đến suốt cuộc đời. Và cả cuộc đời còn lại của chúng cũng sẽ chẳng còn hạnh phúc trọn vẹn nữa khi chúng là một chuỗi ngày dằn vặt và chữa lành tuổi thơ của chính bản thân mình.
(B4T – Shngc)