[MHX2014] Địa đạo Củ Chi – Ngàn năm ghi khắc nghĩa tình
[ĐHNH_BTTTT]
“Tam giác sắt của một thời
Mưa bom bão đạn vẫn ngời niềm tin
Đất chở che, đất giữ gìn
Mấy tầng địa đạo muôn nghìn chiến công”
(Về Củ Chi – Đỗ Xuân Thu)
Lịch sử đã qua đi lâu lắm rồi nhưng những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi trong những vần thơ và câu hát như cái cách mà sự thiêng liêng của mảnh đất địa đạo Củ Chi – nơi được mệnh danh là “đất thép thành đồng” để lại trong trái tim của biết bao thế hệ, trong đó có chúng tôi – 38 chiến sĩ MHX.
Chúng tôi có dịp ghé thăm địa đạo vào một buổi sáng trong trẻo và mát lành. Trên chiếc xe chở chúng tôi về với miền địa đạo, những câu hát như “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” được cất lên từ 38 chiến sĩ chúng tôi mang đậm chất “huyền thoại” của một chuyến đi trong hành trình “Về nguồn” do Nhà trường và Địa phương thị trấn Củ Chi tổ chức. Qua ô kính cửa sổ, chúng tôi chỉ thấy những cánh rừng cao su âm u, bạt ngàn chạy dài bất tận và những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, ngoằn nghèo dẫn lối vào địa đạo.
Xe bắt đầu chuyển bánh chậm dần và dừng hẳn trước cổng vào khu di tích. Những nén hương bắt đầu được thắp lên ở đền Bến Dược. Ở nơi linh thiêng nhất ấy, chúng tôi – 38 chiến sĩ kính cẩn cúi đầu tri ân trước sự hi sinh thầm lặng mà vô cùng lớn lao của một thế hệ đã qua ấy. Những cảm xúc xen lẫn trong chúng tôi, tự hào có, ngưỡng mộ có, biết ơn có. Tự hỏi bản thân đã làm được gì cho quê hương Tổ quốc? Phải chăng đó không chỉ là cảm xúc của riêng chúng tôi mà là của tất cả những người con nay được trở về viếng thăm nơi đất mẹ
Niềm tự hào ấy càng dâng lên mãnh liệt khi chúng tôi được tận mắt xem những thước phim tư liệu về một thời oanh liệt của vùng “đất thép” nơi đây. Dưới sự hướng dẫn của thuyết minh viên, chúng tôi nhanh chân di chuyển vào sâu bên trong khu di tích. Trước mắt chúng tôi, một khu địa đạo hoang sơ, âm u dần hiện ra được dẫn lối bởi những con đường đất nhỏ hẹp, xung quanh là những bụi tre đâm thẳng lên bầu trời để đón lấy ánh sáng. Những trận chiến ác liệt năm xưa bất chợt được tái hiện lại và hiện lên trước mắt. Chưa có một sự quan sát trực diện và trực tiếp nào lại sống động đến thế. Những đường hầm dài hun hút được đào sâu trong lòng đất không chỉ thể hiện cái tài, cái khôn, cái khéo của thế hệ cha ông ta mà còn thể hiện nghị lực phi thường, ý chí kiên cường chiến đấu, quả cảm đến không ngừng trước tội ác của kẻ thù đang ngày đêm dày xéo trện quê hương, đất nước. Cuộc sống hơn 40 năm về trước được tái hiện lại một cách rõ rệt nhất. Có niềm tự hào nào lớn lao hơn khi bằng chính những vũ khí thô sơ tự chế này, chúng ta đã chiến đấu với hàng tá xe tăng, đại bác của kẻ thù. Có niềm anh dũng nào rực rỡ hơn khi ở chính nơi hiểm hóc này chúng ta đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên bao chiến công hiển hách.
Mồ hôi, máu và nước mắt đã thấm đẫm miền đất nhỏ bé mà oai hùng này. Súng, đạn, đại bác đã đi qua cùng sự hi sinh của biết bao thế hệ. Ánh lửa đỏ của bão đạn có lẽ cũng không thể sáng bằng ánh lửa rực rỡ, chói lòa của bếp Hoàng Cầm. Chỉ một nhóm lửa được thắp lên từ căn bếp nhỏ hẹp và chật chội ấy cũng đủ để làm ấm lòng người chiến sĩ trong những đêm đông dài giá rét. Trong mưa bom của bão đạn, cái tình người, tình quân dân diệu kì lại ngời lên hơn bao giờ hết, nhen lên trong tim chúng tôi ngọn lửa hồng để cùng thổn thức, cùng hòa chung nhịp đập với cả một thế hệ hào hùng.
Địa đạo Củ Chi – nơi đất thép thành đồng không chỉ đi vào những vần thơ, câu ca, lời hát của những năm tháng lịch sử hào hùng mà còn đi vào trái tim của những người con nơi đây với niềm tự hào hân hoan khó tả. Và chúng tôi – 38 chiến sĩ MHX lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của hai chữ “về nguồn” trong chuyến hành trình “Uống nước nhớ nguồn” mà chiến dịch MHX đã đem lại.
“Đất thép thành đồng” ngàn năm ghi khắc
Địa đạo Củ Chi vẫn đó oai hùng
Truyền thống Ông Chamuôn đời sáng mãi
Con cháu Tiên Rồng tiếp nối giang san
Sức trẻ Ngân Hàng hòa chung dòng chảy
Chung tay xây dựng Đất Nước đẹp giàu…
Mỹ Hạnh – Bích Vân