ĐIỀU LỆ

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

(Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đoàn thông qua ngày 19 tháng 12 năm 2007)

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đoàn tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của mình, kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng; tổ chức động viên đoàn viên, thanh niên cả nước đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn phối hợp với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các tập thể lao động và gia đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đoàn kết, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với các tổ chức thanh niên tiến bộ, thanh niên và nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì tương lai và hạnh phúc của tuổi trẻ.

CHƯƠNG I

ÐOÀN VIÊN

Điều 1:

1. Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thanh niên Việt Nam tiên tiến, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực; tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết với thanh niên; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn.

2. Điều kiện xét kết nạp đoàn viên:

Thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.

3. Thủ tục kết nạp đoàn viên:

– Thanh niên vào Đoàn tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch và được một đoàn viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng giới thiệu và bảo đảm. Nếu là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thì do tập thể chi đội giới thiệu. Nếu là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam thì do tập thể chi hội giới thiệu.

– Được hội nghị chi đoàn xét đồng ý kết nạp với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai tổng số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được Đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định chuẩn y. Trường hợp xét kết nạp nhiều người thì phải xét và quyết định chuẩn y kết nạp từng người một.

– Ở nơi chưa có tổ chức Đoàn và đoàn viên, hoặc chưa có tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam thì Đoàn cấp trên cử cán bộ, đoàn viên về làm công tác phát triển đoàn viên, hoặc do một đảng viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng ở nơi đó giới thiệu và bảo đảm; Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định kết nạp.

Điều 2:

Nhiệm vụ của đoàn viên:

1. Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Gương mẫu chấp hành và vận động thanh, thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt đoàn và đóng đoàn phí đúng qui định.

3. Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên.

Điều 3:

Quyền của đoàn viên:

1. Yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.

2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.

3. Được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của Đoàn.

Điều 4:

1. Đoàn viên quá 30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.

2. Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.

3. Đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng Đoàn phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì hội nghị chi đoàn xem xét, quyết định xoá tên trong danh sách đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.

4. Đoàn viên được trao thẻ đoàn viên. Việc trao, quản lý, sử dụng thẻ đoàn viên; quản lý hồ sơ đoàn viên và thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

5. Việc quản lý đoàn viên đi lao động ở xa, thời gian không ổn định thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

6. Đoàn viên danh dự là những người thực sự tiêu biểu, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh thiếu niên noi theo, có tâm huyết và có nhiều đóng góp với Đoàn, có uy tín trong thanh thiếu niên và xã hội.

Việc kết nạp đoàn viên danh dự thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

CHƯƠNG II

NGUYÊN TẮC, CƠ CẤU TỔ CHỨC

VÀ HOẠT ÐỘNG CỦA ÐOÀN

Điều 5:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản nguyên tắc đó là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn do bầu cử lập ra, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở cấp ấy. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra. Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường vụ do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra.

3. Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.

4. Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của Đoàn, các thành viên đều được cung cấp thông tin và phát biểu ý kiến của mình, ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành.

Điều 6:

1. Hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp:

Cấp cơ sở (gồm Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở).

– Cấp huyện và tương đương.

– Cấp tỉnh và tương đương.

– Cấp Trung ương.

2. Việc thành lập hoặc giải thể một tổ chức Đoàn do Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định.

Điều 7:

1. Nhiệm vụ của đại hội Đoàn các cấp:

Thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; bầu Ban Chấp hành mới; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).

2. Nhiệm kỳ đại hội là thời gian giữa hai kỳ đại hội:

Đại hội chi đoàn, Đoàn Trường trung học phổ thông, Đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Đoàn Trường dạy nghề là một năm một lần.

Đại hội chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, Đoàn các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 5 năm 2 lần.

Đại hội Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn; đại hội đại biểu từ cấp huyện trở lên là 5 năm 1 lần.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn được quyết định điều chỉnh thời gian giữa hai kỳ đại hội Đoàn cơ sở Phường khi cần.

3. Đại hội đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó triệu tập. Số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định. Thành phần đại biểu gồm các uỷ viên Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội, đại biểu do đại hội Đoàn hoặc hội nghị đại biểu cấp dưới bầu lên và đại biểu chỉ định. Đại biểu chỉ định không quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu được triệu tập.

4. Những cán bộ, đoàn viên sau khi được bầu làm đại biểu nếu thôi công tác Đoàn, hoặc chuyển sang công tác, sinh hoạt Đoàn ở địa phương, đơn vị khác không thuộc Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội thì cho rút tên khỏi danh sách đoàn đại biểu.

Việc cho rút tên và bổ sung đại biểu của đoàn đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ cấp triệu tập đại hội quyết định.

5. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội biểu quyết công nhận về tư cách đại biểu. Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên mà chưa được quyết định công nhận tiến bộ.

6. Ban Chấp hành Đoàn các cấp có thể triệu tập hội nghị đại biểu để kiện toàn Ban Chấp hành, thảo luận văn kiện đại hội cấp trên, bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.

Thành phần hội nghị đại biểu gồm các uỷ viên Ban Chấp hành cấp triệu tập hội nghị và các đại biểu do Ban Chấp hành cấp dưới cử lên, số lượng đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập hội nghị quyết định.

Điều 8:

1. Danh sách bầu cử phải được đại hội, hội nghị đại biểu thảo luận và thông qua bằng biểu quyết.

2. Việc bầu cử của Đoàn được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết. Riêng bầu các thành viên cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín.

3. Nếu bầu cử không đúng nguyên tắc, thủ tục quy định thì phải tổ chức bầu lại.

Điều 9:

1. Đại hội, hội nghị đại biểu và các hội nghị của Đoàn chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu được triệu tập thay mặt cho ít nhất hai phần ba số đơn vị trực thuộc tham dự.

2. Khi bầu cử hoặc biểu quyết phải có trên một phần hai số người có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử và nghị quyết mới có giá trị. Trường hợp số người có số phiếu trên một phần hai nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy những người có số phiếu cao hơn. Nếu kết quả bầu cử có nhiều người có số phiếu trên một phần hai và bằng phiếu nhau nhưng nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại trong số người bằng phiếu đó; người trúng cử là người có số phiếu cao hơn, không cần phải trên một phần hai. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu nữa hay không do đại hội hoặc hội nghị quyết định.

3. Đại hội, hội nghị của Đoàn bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Chủ toạ để điều hành công việc của đại hội, hội nghị. Đoàn Chủ tịch hoặc Chủ toạ có quyền xem xét, kết luận cuối cùng về việc cho rút tên hay không cho rút têntrong danh sách bầu cử hoặc công việc của đại hội, hội nghị.

Điều 10:

1. Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đoàn các cấp:

– Lãnh đạo công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội.

– Tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đoàn cấp mình và chỉ đạo hướng dẫn cấp dưới thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của Đoàn cấp trên.

– Báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị đại biểu cùng cấp, với Ban Chấp hành Đoàn cấp trên, với cấp uỷ Đảng cùng cấp và thông báo cho Ban Chấp hành Đoàn cấp dưới.

– Kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế – xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành cấp nào do đại hội Đoàn cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Ban Chấp hành do đại hội bầu ra phải được Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định công nhận.

3. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp khi khuyết thì do Ban Chấp hành cấp đó thảo luận, thống nhất lựa chọn, đề nghị Ban Chấp hành cấp trên xét công nhận bổ sung. Số lượng bổ sung trong cả nhiệm kỳ không quá hai phần ba số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định, trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Khi cần thiết, Đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định tăng thêm một số Uỷ viên Ban Chấp hành cấp dưới theo  quy định của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

– Nếu khuyết Bí thư, Phó Bí thư thì sau khi có ý kiến thống nhất của cấp uỷ cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp hội nghị Ban Chấp hành bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành và Đoàn cấp trên trực tiếp chuẩn y. Trường hợp cần thiết, Đoàn cấp trên có quyền chỉ định bổ sung sau khi thống nhất với cấp uỷ cùng cấp.

– Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi khuyết thì hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bầu bổ sung nhưng không quá một phần hai số lượng uỷ viên Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định.

4. Ban Chấp hành Đoàn khoá mới và người được bầu vào các chức danh điều hành công việc ngay sau khi được đại hội, hội nghị bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp.

5. Nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đoàn các cấp là thời gian giữa hai kỳ đại hội của từng cấp.

6. Đối với tổ chức Đoàn mới thành lập, Đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời. Không quá sáu tháng kể từ khi có quyết định thành lập phải tổ chức đại hội để bầu Ban Chấp hành chính thức. Nếu kéo dài thời gian lâm thời phải được Đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 11:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh một năm họp ít nhất hai kỳ. Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện một năm họp ít nhất bốn kỳ. Ban Chấp hành chi đoàn và Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất một kỳ, ở những nơi đặc thù do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn.

2. Uỷ viên Ban Chấp hành không tham gia họp Ban Chấp hành 3 kỳ liên tục trong nhiệm kỳ mà không có lý do chính đáng thì xoá tên trong Ban Chấp hành. Việc xoá tên do Ban Chấp hành cùng cấp xem xét quyết định và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.

3. Uỷ viên Ban Chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì thôi tham gia Ban Chấp hành Đoàn và cho rút tên khỏi danh sách Ban Chấp hành. Việc cho rút tên được thực hiện trong kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất. Đối với Bí thư, trước khi cho rút tên phải có sự thống nhất của cấp uỷ Đảng và Đoàn cấp trên trực tiếp. Đối với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn xem xét quyết định.

Trong cùng một kỳ họp, các Uỷ viên Ban Chấp hành rút tên khỏi danh sách Ban Chấp hành vẫn có quyền bầu cử và biểu quyết hoặc chủ trì phiên họp bầu bổ sung Ban Chấp hành, các chức danh.

4. Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp nếu trong độ tuổi đoàn viên phải tham gia sinh hoạt với một chi đoàn, nếu không trong độ tuổi đoàn viên thì có chế độ định kỳ tham gia sinh hoạt, hoạt động với cơ sở Đoàn.

Điều 12:

1. Đại hội đại biểu toàn quốc bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bầu Ban Thường vụ, Bí thư thứ nhất và các Bí thư trong số Uỷ viên Ban Thường vụ; bầu Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đoàn và Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên Uỷ ban kiểm tra.

2. Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện bầu Ban Thường vụ; bầu Bí thư, các Phó Bí thư trong số Uỷ viên Ban Thường vụ; bầu Uỷ ban kiểm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên Uỷ ban kiểm tra của cấp mình.

3. Đại hội đoàn viên hoặc Đại hội đại biểu đoàn viên ở chi đoàn và Đoàn cơ sở bầu Ban Chấp hành. Ban Chấp hành bầu Bí thư, Phó Bí thư, các Uỷ viên Thường vụ (nếu có).

4. Việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội Đoàn các cấp thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 13:

1. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn gồm Bí thư thứ nhất, các Bí thư, các Uỷ viên Thường vụ.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo các cấp bộ Đoàn trong việc thực hiện nghị quyết đại hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Số lượng Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định.

2. Ban Bí thư Trung ương Đoàn là cơ quan thường trực của Ban Thường vụ gồm Bí thư thứ nhất và các Bí thư, thay mặt Ban Thường vụ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đoàn; chuẩn bị các vấn đề trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và giải quyết các công việc hằng ngày của Đoàn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Số lượng Bí thư Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định với tỷ lệ không quá một phần ba số lượng Uỷ viên Ban Thường vụ.

3. Ban Thường vụ Đoàn từ cấp tỉnh trở xuống gồm Bí thư, các Phó Bí thư và các Uỷ viên Thường vụ. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo mọi mặt công tác của Đoàn giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành.

Số lượng Uỷ viên Ban Thường vụ ở các cấp không quá một phần ba số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp.

Điều 14:

1. Đoàn từ cấp huyện trở lên được lập cơ quan chuyên trách để giúp việc.

2. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách cấp huyện và cấp tỉnh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn.

Quy chế làm việc của cơ quan chuyên trách cấp nào do thủ trưởng cơ quan cấp đó quyết định.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC CƠ SỞ CỦA ÐOÀN

Điều 15:

1. Tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức cơ sở Đoàn có thể trực thuộc huyện Đoàn, tỉnh Đoàn, hoặc Đoàn khối, Đoàn ngành tuỳ thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

3. Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi.

Đơn vị có ít nhất ba đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu chưa đủ ba đoàn viên thì Đoàn cấp trên giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn sinh hoạt định kỳ một tháng một lần, đối với các đơn vị đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập Đoàn cơ sở.

Trong một địa bàn, lĩnh vực hoạt động có nhiều chi đoàn, có nhu cầu liên kết phối hợp thì có thể hình thành liên chi đoàn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của liên chi đoàn do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn.

Trong các đội thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, các đội hình lao động trẻ, các địa bàn tập trung đông đoàn viên được thành lập tổ chức đoàn theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 16:

Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đoàn.

1. Đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

2. Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.

3. Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế – xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.

Điều 17:

Quyền hạn của tổ chức cơ sở Đoàn.

1. Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế – xã hội.

2. Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.

3. Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp.

CHƯƠNG IV

ĐOÀN KHỐI, ĐOÀN NGÀNH, ĐOÀN Ở NGOÀI NƯỚC

Điều 18:

1. Đoàn khối được thành lập từ cấp huyện trở lên tương ứng với cơ cấu tổ chức của Đảng.

Đoàn ngành được thành lập ở cấp tỉnh và Trung ương khi tổ chức Đảng, chính quyền của các ngành đó lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ trên xuống đến cơ sở.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Đoàn khối, Đoàn ngành do Đoàn cấp trên và cấp uỷ cùng cấp quyết định.

3. Ban cán sự Đoàn được thành lập theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 19:

Tổ chức Đoàn khối, Đoàn ngành liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động với tổ chức Đoàn ở các địa phương.

Điều 20:

Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đoàn ở ngoài nước do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC ÐOÀN TRONG QUÂN DỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 21:

1. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam là bộ phận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn cùng với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam quy định.

Điều 22:

1. Tổ chức Đoàn trong Quân đội và Công an liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động với tổ chức Đoàn địa phương nơi đóng quân.

2. Tổ chức Đoàn trong Quân đội và Công an được giới thiệu người tham gia vào Ban Chấp hành Đoàn ở địa phương.

CHƯƠNG VI

CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN VÀ UỶ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

Điều 23:

1. Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đoàn. Tổ chức Đoàn phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đoàn, đoàn viên và cán bộ Đoàn chịu sự kiểm tra, giám sát của Đoàn.

2. Các cấp bộ Đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức Đoàn và Đoàn viên chấp hành điều lệ Đoàn, nghị quyết của Đoàn.

Điều 24:

1. Uỷ ban kiểm tra của Đoàn được thành lập từ Trung ương đến cấp huyện do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra. Nhiệm kỳ của Uỷ ban kiểm tra mỗi cấp theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng cấp. Uỷ ban kiểm tra có một số Uỷ viên Ban Chấp hành, song không quá một phần hai số lượng Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra. Số lượng Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra mỗi cấp theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

2. Việc công nhận Uỷ ban kiểm tra do Ban Chấp hành cùng cấp đề nghị, Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định. Việc cho rút tên trong danh sách Uỷ ban kiểm tra do Ban Chấp hành cùng cấp quyết định và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp. Việc bổ sung và cho rút tên uỷ viên Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn xem xét, quyết định.

3. Tổ chức Đoàn cơ sở và chi đoàn cử một Uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách công tác kiểm tra.

Điều 25:

Nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm tra các cấp:

1. Tham mưu cho các cấp bộ Đoàn kiểm tra việc thi hành Điều lệ, nghị quyết, chủ trương của Đoàn.

2. Kiểm tra cán bộ, đoàn viên ( kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ của Đoàn.

3. Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn cấp dưới.

4. Giám sát Uỷ viên Ban Chấp hành, cán bộ cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định của Đoàn theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đoàn viên và nhân dân liên quan đến cán bộ, đoàn viên; tham mưu cho cấp bộ Đoàn về việc thi hành kỷ luật Đoàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, thanh niên.

6. Kiểm tra công tác Đoàn phí, việc sử dụng các nguồn quỹ khác của các đơn vị trực thuộc Ban Chấp hành cùng cấp và cấp dưới.

Điều 26:

Uỷ Ban kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp và sự chỉ đạo của Uỷ ban kiểm tra cấp trên.

Uỷ ban kiểm tra cấp trên được yêu cầu tổ chức Đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn viên báo cáo những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra; tham mưu cho Ban Chấp hành cùng cấp chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ các quyết định về kỷ luật của cấp bộ Đoàn cấp dưới; kiểm tra hoạt động của Uỷ ban kiểm tra cấp dưới.

CHƯƠNG VII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT CỦA ÐOÀN

Điều 27: Về khen thưởng

1. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi, tổ chức Đoàn, Hội, Đội và những tập thể, cá nhân có công trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi đều được Đoàn xem xét khen thưởng hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng.

2. Các hình thức khen thưởng của Đoàn do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.

Điều 28: Về kỷ luật

1. Việc thi hành kỷ luật của Đoàn nhằm thống nhất ý chí và hành động, bảo đảm kỷ cương của Đoàn và giáo dục cán bộ, đoàn viên.

Tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên khi vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời và được thông báo công khai.

2. Hình thức kỷ luật:

Tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn mà áp dụng một trong những hình thức kỷ luật sau:

– Đối với cán bộ, đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

– Đối với tổ chức Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Điều 29: Thẩm quyền thi hành kỷ luật

Những tổ chức có thẩm quyền quyết định gồm:

– Chi đoàn và chi Đoàn cơ sở.

– Ban Chấp hành từ Đoàn cơ sở trở lên.

1. Đối với đoàn viên: Khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị chi đoàn thảo luận và biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số đoàn viên có mặt tại hội nghị. Từ hình thức cảnh cáo trở lên do Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định.

2. Đối với cán bộ: Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị. Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Đối với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị.

3. Đối với cán bộ không phải là Uỷ viên Ban Chấp hành, khi vi phạm kỷ luật thì cấp quản lý và quyết định bổ nhiệm ra quyết định kỷ luật.

4. Đối với tổ chức Đoàn: Thi hành kỷ luật giải tán một tổ chức hay một cấp bộ Đoàn phải do hội nghị Ban Chấp hành cấp trên trực tiếp quyết định với sự đồng ý của trên một phần hai số uỷ viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị. Chỉ giải tán tổ chức hay một cấp bộ Đoàn khi có hai phần ba số đoàn viên hay hai phần ba số Uỷ viên Ban Chấp hành vi phạm đến mức phải khai trừ hay cách chức.

5. Những cán bộ, đoàn viên ở cơ sở bị giải tán nếu không bị khai trừ khỏi Đoàn thì được giới thiệu đến sinh hoạt ở cơ sở Đoàn khác hoặc ở cơ sở mới thành lập.

Điều 30:

1. Trước khi quyết định kỷ luật, tổ chức Đoàn có trách nhiệm nghe cán bộ, đoàn viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn bị xem xét kỷ luật trình bày ý kiến.

2. Mọi hình thức kỷ luật chỉ được công bố và thi hành khi có quyết định chính thức.

3. Sau khi công bố quyết định kỷ luật, nếu người bị kỷ luật không tán thành thì trong vòng một tháng có quyền khiếu nại lên Ban Chấp hành Đoàn cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và phải được trả lời. Trong thời gian chờ đợi trả lời phải chấp hành quyết định kỷ luật.

Điều 31:

Kể từ khi cán bộ, đoàn viên có quyết định kỷ luật, ít nhất ba tháng một lần, Ban Chấp hành nơi trực tiếp quản lý cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật nhận xét về việc sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đoàn viên đó. Nếu đã sửa chữa khuyết điểm thì đề nghị cấp ra quyết định kỷ luật công nhận tiến bộ.

CHƯƠNG VIII

ÐOÀN VỚI CÁC TỔ CHỨC HỘI CỦA THANH NIÊN

Điều 32:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội.

Điều 33:

Ban Chấp hành Đoàn các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ theo Điều lệ Hội.

CHƯƠNG IX

ÐOÀN PHỤ TRÁCH ÐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH

Điều 34:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy và phấn đấu trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người công dân tốt của đất nước.

Điều 35:

1. Tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh theo Điều lệ của Đội do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quy định.

2. Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở cấp nào do Ban Chấp hành Đoàn cấp đó lập ra và lãnh đạo.

3. Ban Chấp hành Đoàn các cấp có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế – xã hội chăm lo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tài chính cho hoạt động của Đội.

CHƯƠNG X

TÀI CHÍNH CỦA ÐOÀN

Điều 36:

Tài chính của Đoàn bao gồm ngân sách Nhà nước cấp, Đoàn phí và các khoản thu hợp pháp khác.

Việc quản lý, sử dụng tài chính của Đoàn phải tuân thủ theo nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước.

Điều 37:

Việc thu nộp Đoàn phí do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định. Các cấp bộ Đoàn có trách nhiệm trích nộp Đoàn phí lên Đoàn cấp trên.

CHƯƠNG XI

CHẤP HÀNH ÐIỀU LỆ ÐOÀN

Điều 38:

1. Mọi cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đoàn.

2. Chỉ có đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc của Đoàn mới có quyền sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Đoàn.

3. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.