Mùa hè này, 33 con người tuổi vừa đôi mươi, 33 tính cách khác nhau nhưng cùng một cơ duyên, chúng tôi đã về chung một nhà, cùng sống, cùng làm, cùng sinh hoạt. Nắng Tây Ninh đã làm làn da chúng tôi đen sạm, mưa dầm dề làm não cả lòng người. Nhưng có sao đâu khi ngọn lửa tuổi trẻ mỗi người vẫn đang thắp sáng từng con ngõ nhỏ.

Từ những ngày đầu khi mới đặt chân đến xã Tân Phú, đội chúng tôi đã nhận được sự tiếp đón vô cùng nồng hậu từ phía chính quyền địa phương và sự giúp đỡ tận tình của bà con lối xóm xung quanh. Mọi người phụ giúp đội dọn dẹp nơi ở, cho đồ gia dụng, tặng gạo, dầu ăn, rau củ trái cây,… Và có lẽ, không một ngôn từ nào có thể lột tả hết tình người giản dị mà thân thiết, ấm nồng ấy.

Sáng ngày thứ hai đội chúng tôi bắt tay vào việc dọn dẹp, phát quang các tuyến đường trong ấp Tân Tiến. Không khí làm việc khẩn trương nhưng cũng không hề thiếu tiếng nói cười hay âm thanh hát hò rộn rã của cả đội. Gặp các cô chú đi ngang qua, ai cũng vui vẻ chào hỏi làm cho con đường thường ngày vắng lặng trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.

Chúng tôi dọn dẹp đến giữa trưa, một bác trai đạp chiếc xe đạp cũ kỹ từ đâu đến tiến về phía chúng tôi rồi ân cần hỏi thăm. Bác tên là Khương. Bác hỏi chúng tôi đủ thứ chuyện, nào là tụi con đang làm gì, sinh viên trường nào về đây… Chúng tôi ai cũng cởi mở chuyện trò. Tiếng cười nói râm ran xoá tan cái nóng oi ả ngày hè. Chợt bác nhỏ nhẹ: “Đợi bác mười lăm phút nhé”. Một lát sau, bác chở về một thùng nước ngọt và gọi chúng tôi vào nhà ngồi nghỉ tay. Tới lúc này tôi mới biết bác là một Việt kiều Pháp đã về nước hơn hai mươi hai năm nay. Ngày trước bác là kỹ sư điện. Không chỉ vậy, bác còn là một tay chơi ghita rất cừ nhưng giờ đã nghỉ hưu và đang ở nhà chăm sóc cây kiểng. Bác cười hiền, rồi chia sẻ với chúng tôi rất nhiều. Từ chuyện ngày xưa khi ở trên đất Pháp đến chuyện bác thương mến mấy đưa sinh viên thành phố như chúng tôi về quê hoạt động tình nguyện.

Hình 1

 

Tôi hỏi bác: “Bác thấy tụi con có dễ thương không ạ?”. Bác cười “haha” bảo: “Bác thương mấy đứa chịu khó từ thành phố về đây dọn đường mệt vậy mà hát hò cũng vui dữ. Mấy đứa sinh viên nên năng động như vầy. Dù sức mấy đứa góp cũng chỉ là cát giữa sa mạc chủ yếu từ ý thức người dân và nhà nước mình. Sinh viên mà học hành không cũng khó trưởng thành, trải nghiệm thực tế nữa mới tốt”. Bác say sưa kể chuyện thuở thiếu thời của mình ở Pháp, từ việc học tới việc chơi, việc làm. Bác cũng chân thành chia sẻ những thất bại mà bác đã trải qua và dành cho chúng tôi nhiều lời khuyên bổ ích. Bác bảo: “Nuối tiếc lớn nhất của bác đó là thời trẻ còn trí sức nhưng không cống hiến cho quê hương mình vì điều kiện khó khăn. Nên giờ thấy mấy đứa về bác cũng muốn góp chút ít”. Những ngày sau, bác thường ghé thăm nhà chúng tôi. Có hôm bác cho trứng, có hôm lại cho bánh mì…

Hình 2

 

Không chỉ có bác Khương mà còn rất nhiều, rất nhiều những người dân chân chất mà hiếu khách chăm lo chúng tôi như người thân mình như gia đình thầy Tiến, thầy Bình… Những hành động tuy nhỏ thôi nhưng chứa đựng biết bao yêu thương tình cảm mà không có thứ gì có thể so sánh. Những ngày ở ấp Tân Tiến là những ngày chúng tôi như được trở về với vòng tay mẹ cha yêu thương trên mảnh đất quê hương ấm nồng tình người mãi chẳng rụi tắt. Những con người chân chất tốt bụng ấy như những “hạt bụi vàng” lấp lánh theo gió mà bay lên giữa nơi biên giới Tổ quốc.

 Chiến sĩ thông tin MT Tân Phú – Hồng Nhung