[MHX2016] Viết về những Chiến sĩ thầm lặng
Tính đến hôm nay là ngày thứ 6 đội tôi có mặt tại mảnh đất Củ Chi. Xem ra thì 6 ngày cũng chả là nhiều, nhưng có lẽ khoảng thời gian đó đủ để mỗi người chúng tôi đọng lại những cảm xúc khó tả. Tôi đã quen dần với cái nắng nóng hanh khô nơi mảnh đất nhỏ bé đầy tình thương này. Và tôi cũng dần cảm thấy thân làm sao, quý làm sao những con người mộc mạc dễ thương trên vùng đất Củ Chi. Trái tim đúng thật là nơi kì diệu. Nó giúp mỗi người trong chúng tôi cất giữ những mảnh tình yêu chân thành đối với những nơi đã đi qua, những điều đã trải nghiệm, những con người được gặp gỡ. Để rồi những chiến sĩ Mùa hè xanh chúng tôi, dù mới trải qua 6 ngày ngắn ngủi nhưng tưởng chừng như đã sống ở đây suốt một quãng thời gian dài…
Sáu ngày vừa qua nếu nói không vất vả thì chính là nói dối. Nhưng sự vất vả đó đã được bù đắp bằng những món quà tinh thần của đội quân âm thầm đằng sau. Đội quân ấy chính là những “anh nuôi, chị nuôi” không chuyên của chiến sĩ chúng tôi. Đó là những con người chưa-từng-nấu-bữa-cơm-cho-hơn-mười-người-ăn nhưng hôm nay lại phải phục vụ cho khoảng 30 chiến sĩ. Chà, nghe thật khó khăn phải không? Thế nhưng, chỉ trong vòng mấy ngày, những chiến sĩ thầm lặng này đã hô biến đội quân chúng tôi thành những chú Trâu năng động, tràn trề sức lực nhất quả đất. Đội quân đặc biệt này có gì? Và đội quân đã dùng phép màu gì? Đây chắc chắn là câu hỏi sẽ được đặt ra nhiều nhất cho các chiến sĩ thầm lặng trên vùng đất Củ…
Đội quân “anh nuôi, chị nuôi” được tuyển chọn mỗi ngày với tiêu chí vô cùng đơn giản: Thích nấu ăn và… thích nấu ăn. Những bạn được chọn vào nhiệm vụ đặc biệt này sẽ phải lên thực đơn cho đội và tính toán chi phí kĩ càng cho mỗi bữa ăn. Với tinh thần tíết kiệm nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, các chiến sĩ đã phải rất kĩ càng trong việc đặt ra các câu hỏi: Hôm nay đi chợ mua những gì, nấu thành món gì, và… tốn hết bao nhiêu trong chi phí cỏn con của đội… Chà, đừng cười chứ, công việc nghe vậy thôi chứ chả đơn giản tí nào đâu! Thế rồi mỗi ngày trôi qua, chỉ với những nguyên liệu đơn giản gồm chút rau và thịt, nhưng những món ăn ngon và lạ lần lượt được trình làng trước những con mắt trầm trồ của đội Củ Chi chúng tôi. Thương lắm những con người tiếp sức một cách thầm lặng như thế. Và tình yêu này, chắc chắn sẽ tạo nên kí ức thật đẹp cho những “chú Trâu” nhà Củ Chi.
Trâu nhà Củ Chi chúng tôi đã quen dần với câu nói “Nghỉ tay vô ăn cơm mấy đứa ơi!!!”. Thân thương làm sao! Chúng tôi không chắc mình đã trở thành một gia đình từ lúc nào, nhưng có một điều chúng tôi có thể chắc chắn, đó chính là tình cảm này sẽ không dễ phai nhoà mãi về sau. Nhìn những bát canh nóng hổi thơm lừng được bày ra trước mặt, bao mệt mỏi của một ngày làm việc bỗng dưng tan biến đâu mất. Tôi biết bát canh này chắc chắn sẽ không đầy đủ bằng khi các bạn ăn ở nhà, nhưng ở đây, bát canh tự dưng ấm tình thương đến lạ. Tôi nghe vị cay cay từ những giọt mồ hôi của những người “anh nuôi, chị nuôi”, vừa làm công việc của các chiến sĩ vừa vào bếp nấu ăn cho đại gia đình. Tôi nghe vị nồng ấm của tình cảm mà các chiến sĩ thầm lặng đã thêm vào bát canh mỗi khi nghe “có đứa bị bệnh”. Và tôi cũng cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ khi nghe những câu nói quan tâm từ những con người chưa biết nhau đến khi cùng đăng kí Mùa hè xanh: “Đừng thêm nhiều ớt, đội mình có đứa không ăn được cay”… Biết nói sao cho hết tình yêu dành cho những con người tuyệt vời này đây. Có lẽ, sau chuyến đi Mùa hè xanh lần này, nếu có ai hỏi người nào đã tiếp sức về tinh thần cho chúng tôi trong một tháng qua, thì câu trả lời không ai khác hơn, đó chính là những “anh nuôi chị nuôi” của đội.
Thật sự Mùa hè xanh đã cho tôi rất nhiều thứ đáng trân trọng. Tuy mới chỉ qua một thời gian ngắn ngủi thôi, nhưng một con bé như tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Sự trưởng thành ấy, một phần cũng nhờ sự tiếp sức của những “anh nuôi chị nuôi”. Đó là những con người tuyệt vời và thật sự quan trọng ở mỗi mặt trận. Mọi người cứ nghĩ phải chống chọi với nắng gió, với mưa giông mới là khó khăn. Nhưng không, ở một mặt trận khác, những chiến sĩ chiến đấu nơi căn bếp tự dựng khó khăn cũng chả ít đâu. Lan tỏa hơi ấm, gắn kết trái tim, đó là những điều mà căn bếp nhỏ bé ấy đã và đang làm cho những chiến sĩ nơi mặt trận nắng gió…
Vì chỉ có cho đi, thì yêu thương nhận lại mới vĩnh cữu…
Chiến sĩ thường trực mặt trận Củ Chi – Mai Trâm