7.9

“…chỉ khi những cá thể có cùng tần số trong suy nghĩ, lối sống thì mới có thể đến và gặp gỡ nhau giữa cuộc sống bộn bề và tấp nập này..”  

Liệu trong mỗi chúng ta, có ai đã từng nảy sinh ý nghĩ này trong đầu? “Bạn bè”, cụm từ này đối với tôi cũng không có ý nghĩa sâu xa gì cho lắm, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng họ là những người mà tôi có thể chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống mà không phải là gia đình hay người thân. Cho đến khi tôi tình cờ nhận được một câu nói “Cần bạn chứ không cần bè”, lúc ấy trong đầu tôi bất giác hiểu rằng “À thì ra bạn bè còn có thể phân chia ra như vậy”. Lướt khắp các trang web, tôi đọc được vô vàn các định nghĩa như thế nào là “bạn”, như thế nào là “bè” cùng với hàng tá những cách hay ho để tìm bạn tốt;. Khi ấy tôi chợt bật cười vì không nghĩ rằng điều mình tự cho là đơn giản thực ra cũng phức tạp và sâu sắc đến thế.

Hồi bé, tôi từng nghĩ rằng bạn bè sẽ mãi mãi luôn ở bên cạnh mình. Nhưng dần lớn lên, chứng kiến những người đến rồi lại đi, tôi đã không còn chấp niệm về cái suy nghĩ trẻ con ấy nữa. Tôi lại nhớ đến khoảng thời gian mà áp lực học tập, gia đình đè nặng lên cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng khiến một đứa học sinh chỉ mới mười bảy tuổi như tôi trở nên lầm lì và ít nói. Những năm tháng ấy tôi sống và sinh hoạt như một cái máy được thiết lập sẵn, đi học lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc 9 giờ tối. Tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, không ai nhận ra được điểm bất thường trong tôi, Nhiều lúc bâng quơ trải lòng về những áp lực của mình cái tôi nhận lại được lại là câu nói “mày suy nghĩ nhiều quá rồi”.Cứ tưởng chừng tôi có thể tự an ủi mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này mà không cần lấy một ai, cho đến khi tôi nhận được dòng tin nhắn: “Có ổn không?” từ một người mà tôi chẳng hề mấy thân thiết, chỉ là một câu hỏi đơn thuần nhưng nó khiến tôi như được “xả” hết những nỗi uất ức đè nén bấy lâu nay. Tôi chẳng thể nào ngờ được rằng người mà tôi và bạn bè xung quanh đã gắn cho cái mác “xấu tính” và “không thể chơi chung” lại chính là người đã cầm tay tôi vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng đó. Năm mười bảy tuổi ấy, tôi đã hiểu được rằng, bạn bè không cần phải có nhiều,chỉ cần chân thành với nhau là đủ. 

Có một câu nói như thế này: “Cuộc đời như một chuyến xe mà chúng ta là người lái, mỗi khi dừng ở một bến, sẽ có người lên và người xuống. Những người lên xe cùng chúng ta lúc khởi hành phần nhiều sẽ rời đi giữa đường, còn người đồng hành cùng chúng ta đến cuối hành trình lại rất ít. Thậm chí chẳng có một ai.”. Đối với tôi, cho dù là ‘bạn” hay “bè” thì họ đều là những người đã có mặt trong cuộc đời tôi, tạo ra những kỉ niệm và cho tôi thấy được nhiều giá trị của cuộc sống. Tôi nhận ra rằng “bè”, tưởng chừng như chỉ là những mối quan hệ xã giao, ấy vậy mà khi nhận được những lời thăm hỏi từ họ tôi vẫn cảm thấy một chút ấm áp len lỏi vào trong từng mạch máu, từng nhịp đập nơi trái tim mình. Có lẽ là vì cả tôi và họ đã từng dành cho nhau một chút gì đó gọi là tình cảm chân thành. Vậy nên thay vì  “không cần” thì tôi sẽ lựa chọn dừng lại khi cảm thấy những mối quan hệ xung quanh mình đã đủ.

Thật vậy, Mỗi người, mỗi cuộc sống, mỗi quan niệm khác nhau. “Là bạn hay là bè?”, đôi khi ta sẽ tự đặt câu hỏi cho mình như thế, nhưng đối với tôi dẫu là “bạn’” hay “bè” thì họ cũng là những người mà cuộc sống này đã mang đến cho tôi, chính họ đã cho tôi sự yêu thương, sự tín nhiệm, sự quan tâm và hơn hết là những bài học đắt giá. Song điều quan trọng là chính bản thân cảm thấy như thế nào, cảm nhận ra sao, cần gì hay không cần gì chỉ riêng mình biết, là được.

B4T – Asolus