BUN2

Cách đây chừng 2 năm, nội mình, ba mẹ mình, 2 đứa em ngây ngốc của mình, cả mình nữa, đều trong tâm thế hệt như bây giờ. Cả nhà mình, dù lớn dù nhỏ ai cũng rối rít, cũng xuýt xoa, cũng tìm cũng đọc không biết bao nhiêu là cẩm nang, cũng hỏi bác “Gồ” đến chóng cả mặt chỉ để trả lời cho một câu hỏi: tương lai mình sẽ trở thành ai?

“Sài Gòn vào mùa này – đi cà phê – thường làm gì ? Hẳn là ở mỗi độ tuổi, mỗi giới tính, mỗi công việc thì tách cà phê sẽ đi cùng những câu chuyện khác nhau. Còn với mình, một sinh viên năm 2 BUH – Sài Gòn độ này đi cà phê – điều quan tâm duy nhất chỉ là chọn ngành. Chính vì vậy, đây không phải là bài viết chia sẻ kinh nghiệm dành cho những bạn đang loay hoay với trang web đăng kí chuyên ngành của trường, mà đây chỉ là những dòng tâm sự “nguệch ngoach”, mình viết về câu chuyện chọn ngành của riêng mình, của tuổi 20 xin phép được gửi nhờ ở Cà phê cùng B4T…”

Bạn, mình, chúng ta, đang ở những ngày thanh xuân đẹp đẽ nhất, vẫn đang bỡ ngỡ trong một số niềm vui xen lẫn lo lắng, hồi hộp từ đợt xét chuyên ngành. Để đi đến quyết định chọn ngành gì, đặt ở ưu tiên nào, chúng mình đã trải qua không ít sự chọn lựa, không ít tác động từ gia đình, bè bạn. Đó là định hướng của ba mẹ, đôi khi là “ô dù” sẵn có của họ hàng hay đơn giản là sự lôi kéo từ đám bạn thân. Đó còn là điều kiện xã hội, là nhu cầu thị trường trong rất rất nhiều những bản tin kinh tế mà ta đọc được. Đó cũng có thể là khả năng, sự yêu thích, sự phù hợp của ngành nghề với chính mình. Tất cả đều gợi ra những hướng đi, những con đường. Nhưng bạn biết đấy, ta chỉ có một đôi chân để đi trên một con đường theo một phương hướng nhất định. Với mình việc chọn ngành chính là bước đầu tiên quyết định hướng đi của bản thân và nếu nỗ lực hoàn thành, nó sẽ mở ra con đường của riêng mình…

Khi đưa ra quyết định, chính ta là người phải sống với quyết định của mình. Mỗi ngày, bước chân lên giảng đường, là người sẽ học, sẽ làm thứ mình chọn và cũng chính ta chịu trách nhiệm với sự lựa chọn ấy. Một chọn lựa được xem là đúng đắn khi nó mang lại sự phù hợp, và chỉ sau khi chọn ngành, cụm từ “giá mà” không len lỏi trong tâm trí ta thì ta đã bước đầu đi đúng hướng. Mình chắc chắn, mỗi chúng ta ai cũng có ít nhất một lần suy nghĩ về câu hỏi “Mình sẽ học ngành gì đây?…” Hiển nhiên, ai cũng có câu trả lời riêng! Với mình, công việc là một dòng sông, đam mê chính là dòng chảy. Thật sự, chỉ có dòng chảy đam mê mới đủ mạnh mẽ vượt qua đầy ắp khó khăn từ dòng sông công việc để con thuyền ta xuôi đúng hướng đổ ra biển cả mênh mông. Thế nhưng, bản thân mình đã không ít lần được nghe một số anh chị, cô chú chia sẻ rằng họ thực sự dành cả thanh xuân chỉ để tìm ra đam mê, chỉ để được lắng nghe tiếng nói từ trái tim. Để sau cùng mình nhận ra: xác định sở thích, xác định cái mình mê, mình yêu chẳng phải dễ dàng. Có những lúc thật sự mệt mỏi, thật sự mông lung không biết mình thích cái gì. Có những lúc bối rối vô cùng vì xung quanh chẳng có ai chung tâm trạng. Có những lúc muốn giữa guồng quay cuộc sống được bước chậm lại, được ai đó sẻ chia, đồng cảm, dù chỉ trong chốc lát. Có những lúc tự nhiên nhớ ngày xưa, cái ngày tạm biệt cấp III chuẩn bị bước chân vào cổng trường Đại học, cũng tâm trạng như thế! Lo lắng, bối rối, mọi thứ dường như là đống tơ vò không biết làm gì để tháo gỡ thật nhanh…

Sau những khoảnh khắc ấy, mình được khuyên rằng có nhiều phương tiện trên một số diễn đàn phần đã đưa mình ra khỏi sự rối ren. Có thể là những bài trắc nghiệm, có thể là những blog chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước,… Tuy không đúng tuyệt đối nhưng theo mình cảm nhận, đó là những thứ giúp mình hiểu bản thân hơn. Ngoài ra, chẳng có lý thuyết nào chân thật bằng thực tế cả. Cho nên, để hiểu hơn về ngành, chúng mình có thể quan sát, lắng nghe, tham khảo ý kiến của những người đã và đang làm việc trong ngành ấy. Cũng vì thế, đam mê, sở thích chỉ là một yếu tố then chốt, nó chưa là tất cả để chúng mình đưa ra quyết định. Sau khi hiểu rõ bản thân thì nhu cầu thị trường và hoàn cảnh gia đình cũng là điều quan trọng giúp mình đưa ra lựa chọn phù hợp. Không cần quá vội vã để vấp phải mệt nhoài, khẽ lặng yên, có lẽ chúng mình sẽ tìm ra lối…

Trong thời gian chuẩn bị phân ngành, mình nghe được câu nói, rằng là: thành công không phải việc ta trở thành một người bình thường ngụp lặn, chật vật trong cái nghề hot; thành công chính là trở thành một người đủ hot trong cái nghề bình thường. Vì vậy, nếu ta đã lỡ chọn hướng đi chưa phù hợp với mình, đừng chỉ biết dừng lại và đứng bơ vơ. Thay vào đó, chúng mình hãy dừng lại, chậm lại và suy nghĩ, việc nỗ lực bước tiếp hay thay đổi hướng đi mới sẽ đem ta đến những nấc thang thành công. “Vì cuộc đời là những chuyến đi” và tuổi trẻ là những trải nghiệm nên một vài điều nhỏ xíu thế này chẳng thể làm chúng mình nản lòng đâu!

B4T_Bún