BUers cùng chung tay bài trừ tội phạm trộm cắp
BUERS CÙNG CHUNG TAY BÀI TRỪ TỘI PHẠM TRỘM CẮP
Trong những ngày qua, chắc hẳn BUers chúng ta cũng đã nghe nhiều về các vụ trộm cắp, mất tài sản trong lúc diễn ra kỳ thi Học kì, điều đó thật đáng báo động. Có thể thấy, từ trước đến nay, công tác an ninh tại trường ĐH Ngân Hàng TPHCM luôn được Đảng Ủy, Ban Giám Hiệu và các phòng ban chức năng đặc biệt lưu tâm nhằm đảm bảo cho BUers một môi trường học tập, sinh hoạt an toàn. Thế nhưng trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ mất trộm đáng tiếc với giá trị tài sản bị chiếm đoạt cao, thủ thuật và hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, thậm chí có cả đường dây khép kín từ gây án đến tiêu thụ tài sản. Chính vì thế đòi hỏi không chỉ Ban lãnh đạo nhà trường có những biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng trộm cắp xảy ra mà còn đòi hỏi BUers phải có tinh thần, ý thức cảnh giác cao độ trước nạn mất cắp này.
Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự lơ là, mất cảnh giác trong việc quản lý tài sản như: để tài sản không kín đáo, không trông coi tài sản, để khuất tầm nhìn; không khóa hộc tủ hoặc cửa phòng cẩn thận,…
1. Một số trường hợp mất cắp xảy ra trong thời gian vừa qua:
TH1: Trong buổi thi đầu tiên sau ngày Nhà Giáo Việt Nam, tại phòng A103, một sinh viên (SV) mang ba-lô (trong đó có 1 laptop mới giá 15 triệu và 1 điện thoại Iphone giá khoảng 14 triệu) vào phòng thi và để trên bục giảng. Khi gần hết giờ thi, có khoảng 10 sinh viên lên nộp bài trước và ra về. sau đó, SV này lên nộp bài (khi thời gian làm bài chưa kết thúc và vẫn còn 30 bạn trong phòng thi) và lấy lại ba-lô của mình thì phát hiện mất ba-lô cùng với toàn bộ tài sản trong đó. Vụ việc ngay lập tức được báo lên Phòng CTCT – SV.
TH2: Vào lúc 13h15p ngày 21/11/2013 tại phòng thi A004, một bạn SV tên V.N.H cũng bị mất một ba-lô (bên trong có giấy tờ tùy thân cùng 2 triệu 5 trăm ngàn đồng). Sau giờ thi, V.N.H phát hiện bị mất ba-lô và đồng thời trong phòng thi còn lại 1 ba-lô lạ. Nghĩ rằng có bạn lấy nhầm và sẽ quay trở lại đổi, SV này đợi và phát hiện chủ của chiếc ba-lô ấy cũng đang tìm kiếm. Điều đáng nói là chủ nhân của chiếc ba-lô ấy là P.T.H – một SV thi ở phòng A103, cũng bị mất ba-lô nên đi tìm. Khi mở ba-lô ra xem, P.T.H phát hiện mình bị mất điện thoại di động nhưng vẫn còn 250 ngàn đồng cất trong tập. Tiếp sau đó, V.N.H đã đi khắp nơi tìm ba-lô và phát hiện ra ở một góc tủ thư viện, khi kiểm tra thấy mất 300 ngàn đồng và một tai nghe điện thoại.
TH3: SV L.T.P thi kết thúc học phần lúc 13h tại phòng A103. Sau khi nộp bài, L.T.P phát hiện ba-lô (bên trong có điện thoại Samsung Galaxy Y, 1 triệu đồng, thẻ ATM, biên lai đóng tiền học phí cùng 1 số giấy tờ tùy thân) “không cánh mà bay”. Ngay lập tức, SV đã báo với phòng CTCT – SV và khoảng 15h40 cùng ngày, tại phòng A101, L.T.P đã tìm thấy ba-lô nhưng toàn bộ tài sản có giá trị bên trong đã bị mất cắp.
TH4: Tại phòng thi A101, lúc 13h ngày 25/11/2013, trong khi thi kết thúc học phần môn Thuế, SV N.L.H.V đã phát hiện bị mất ba-lô (trong đó gồm điện thoại di động, áo khoác, máy tính Casio FX570 MS cùng một số các tài liệu học tập). Sau đó, SV này vẫn không tìm thấy ba-lô của mình.
TH5: Một trường hợp khác là SV N.T.P sau khi thi môn Thẩm định dự án lúc 15h30 ngày 26/11/2013 tại phòng A108 thì phát hiện ba-lô của mình (bên trong có 1 điện thoại Samsung Galaxy Y, 1 điện thoại Nokia C503 cùng 100.000 đồng) biến mất, và trong phòng lúc này chỉ còn một ba-lô của bạn N.Q.P. Điều đáng nói là N.Q.P thi ở phòng A102. Ba-lô của N.Q.P bị tráo từ A102 sang phòng A108, và tại phòng A102 còn lại 1 ba-lô khác của một bạn tên T. Sau đó, T tìm lại được ba-lô của mình, còn N.T.P là người tìm được ba-lô sau cùng, nhưng toàn bộ tài sản đã biết mất.
TH6: Sau những vụ mất cắp xảy ra tại các phòng thi thì vào lúc 15h ngày 26/11/2013, trong lúc học Giáo dục thể chất, SV P.T.T giật mình vì không thấy ba-lô của mình ở vị trí ban đầu. Sau 20 phút tìm kiếm, P.T.T phát hiện ba-lô mình ở góc phòng y tế trong tình trạng bị mở tung. Toàn bộ : 1 điện thoại di đọng Nokia 1280, 1 máy tính Casio FX 570 ES, 1 kính cận cùng 40.000 đồng “không cánh mà bay”. Ngay lập tức, P.T.T báo với Giảng viên và Phòng CT-CT SV.
2. Thủ đoạn gây án của đối tượng trộm tài sản:
Đối tượng gây án chủ yếu nhắm vào các bạn SV có tài sản lớn trong ba-lô. Điều này chứng tỏ các đối tượng đã có quá trình quan sát kỹ SV, biết được thói quen cũng như điều kiện của SV, lợi dụng lúc SV lơ là, mất cảnh giác để trà trộn và ra tay. Có thể nhận thấy, hầu hết các vụ trộm cắp xảy ra trong thời gian vừa qua đều tập trung vào các phòng thi, đặc biệt là phòng A103 hoặc tại các sân học Giáo dục thẻ chất (nơi sinh viên ít lưu ý) với các thủ đoạn cực kì tinh vi, nhanh nhạy, qua mặt được không chỉ Cán bộ coi thi mà còn cả các bạn SV. Từ việc lấy ba-lô rồi mang sang phòng khác để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đến việc các đối tượng này đã lợi dụng lúc vừa thi xong các SV thường chia sẻ, thảo luận với nhau, trong lúc hỗn loạn ấy đã tập trung ra tay, tráo đổi tài sản trong ba-lô (TH1), hay thậm chí còn móc nối cả đường dây mang ba-lô đổi lên các phòng thi, thư viện (TH2, TH3). Rõ ràng, lợi dụng lúc các bạn SV không tập trung nhất, các đối tượng đã ra tay một cách nhanh chóng, tinh vi và dường như rất nhẹ nhàng, tự nhiên. Lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với các đơn vị chức năng: CA Phường Linh Chiểu và Quận Thủ Đức tiến hành điều tra, khoanh vùng đối tượng và có những biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an ninh trong nhà trường.
3. Để đề phòng và ngăn chặn nạn mất cắp xảy ra trong khuôn viên trường ĐH Ngân Hàng TPHCM, khuyến cáo BUers nên tuân thủ theo một số các đề nghị sau đây:
- Khi đi thi hay đi học, SV hạn chế mang theo các tài sản có giá trị lớn và dễ dàng nhận diện (như Laptop; điện thoại đắt tiền, máy tính bảng,…). Trường hợp do không thể để ở nhà hay vì một lí do nào khác, SV nên tự chủ động liên hệ với các bạn quen thân tại các khu KTX để nhờ giữ giùm.
- Phải cất giữ tài sản có giá trị ở nơi an toàn, có ý thức tự bảo vệ tài sản của mình và nhắc nhở, cảnh báo mọi người có trách nhiệm trông coi, bảo quản tài sản của họ.
- Khi đi thi, SV nên để ba-lô ngay gần tầm mắt nhất có thể, trong tầm kiểm soát và lưu ý trong lúc làm bài cũng phải để ý xem có ai mang ba-lô ra – vào phòng thi hay không.
- SV mang theo và xuất trình thẻ Sinh viên, CMND hay giấy tờ tùy thân có dán ảnh (tốt nhất là thẻ sinh viên) đầy đủ để Cán bộ coi thi đối chiếu. Đồng thời, tự bản thân SV phải có cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau, xem có SV nào lạ mặt hay khả nghi thì báo ngay với cán bộ coi thi để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
- Sau khi nộp bài thi, việc quan trọng hàng đầu là phải lên lấy lại ba-lô, kiểm tra lại tài sản. Nếu có mất mát gì thì liên hệ ngay với cán bộ coi thi để dừng toàn bộ sinh viên lại.
- Bên cạnh đó, không chỉ là lúc thi, trong quá trình học tập tại trường, trong giờ học chính quy trên lớp cũng như giờ học giáo dục thể chất, SV cần lưu ý tự bảo quản tài sản cá nhân, tránh để hớ hênh hoặc khuất tầm kiểm soát, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu có thể ra tay. Luôn đề cao cảnh giác, không lơ là và tự có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình và mọi người xung quanh: không chỉ của riêng cá nhân SV mà còn của Nhà trường.
- Khi ở nhà hoặc KTX, SV cần hết sức lưu ý với các tài sản có giá trị cao như Laptop, điện thoại, xe máy, máy tính bảng,… bằng việc khóa cửa, khóa tủ cẩn thận, không nên vắng nhà (nơi ở) nhiều ngày liên tục, đồng thời tạo mối quan hệ thân thiện, tốt với mọi người sống xung quanh để mọi người có ý thức trông chừng và bảo quản tài sản của nhau khi vắng nhà.
- Đặc biệt, SV không nên mang theo tài sản có giá trị lớn đi một mình trên các tuyến đường vắng, tối vào đêm khuya hay kể cả ban ngày (đối với nơi vắng vẻ và không quen thuộc).
- Khi phát hiện có đối tượng khả nghi hoặc có dấu hiệu phạm tội, SV cần báo ngay cho: Phòng Công tác chính trị – sinh viên (SĐT: (08). 38.971.636) hoặc Bảo vệ (SĐT: (08) 38.966.657).
Ban Thông Tin Truyền Thông
B4T_ Thanh Huy
BUERS CÙNG CHUNG TAY BÀI TRỪ TỘI PHẠM TRỘM CẮP