huonggiang
Nhật kí của những người con sinh viên…
Đường phố vẫn nhộn nịp hơn bao giờ hết, những âm thanh ồn ã từ đầu ngày đã inh ỏi khắp cái Sài Gòn này. Mọi người vẫn cố đưa mình chạy đua với dòng chảy của thời gian. Họ mệt mỏi nhưng vẫn gắng gượng vì nhịp sống đang hối thúc họ. Và tôi cũng vậy, tôi dường như đang dần quên đi cái nhịp sống nơi quê hương, quên đi cái cảm giác đón bình minh mỗi ngày. Sinh viên – đưa tôi đến một ngưỡng cửa của tương lai, nhưng vô tình đẩy tôi ra xa cuộc sống thân thuộc. Bỗng chốc những tiếng véo von đầu ngày biến mất, chỉ còn lại những âm thành ồn ã của thành thị xa xỉ. Sài Gòn, những ngày cuối năm… có lẽ mọi thứ vẫn như bao ngày, chỉ khác là đường xá thêm đông, dòng người thêm vội vã…
Tôi không biết được từ khi nào, Sài Gòn trong tôi vào những ngày này lại chán ngán và tẻ nhạt đến lạ. Sắc vàng của mai, sắc hồng của đào, bánh mứt các loại có đủ… Ấy vậy mà cái cảm giác này xa lạ quá, nó chẳng giống là cái xuân năm nào bên gia đình… Bỗng chốc tôi thèm…
Sáng hôm nay, tôi vẫn đón ngày mới bằng một bát mì nóng ven đường cùng dăm ba cái ánh sáng yếu ớt cuối năm. Sinh viên là khoảng thời gian mà tôi có thể kiếm thêm thu nhập cho sinh hoạt hằng tháng, phụ bán ở một tiệm giày, tôi vẫn đang hoàn thành công việc. Hôm nay, tôi chẳng còn cảm giác hứng khởi để bắt đầu công việc của mình, lòng tôi trở nên nặng nề quá. Nắng bắt đầu có chút tươi vui nô đùa trên các vòm cây, chim cũng hót nhưng cũng chẳng thể nào đấu lại tiếng còi to vang, mây bắt đầu gợn xanh – hôm nay nắng đẹp. Đẹp hơn mọi ngày rất nhiều nhưng cũng chẳng thể dẹp nổi cái lo lắng của tôi. Vì là cuối năm nên lượng khách cũng khá đông, đến tận lúc này tôi dường như đã quên bén đi cái nỗi khó chịu trong lòng. Tôi làm việc với tất cả những gì mà độ tuổi này có thể làm và còn hơn thế nữa. Màn đêm đang ôm lấy Sài Gòn, lại một lần nữa, Sài Gòn như một tổ ong đang bị ai chọc phá… ồn ào, nặng nhọc vị âm thanh. Trời bắt đầu có những vì sao đầu tiên, thoắt sáng rồi lại tắt như lòng tôi đang chộn rộn. Công việc của tôi kết thúc lúc 21h, lúc mà Sài Gòn trở nên nhộn nhịp bởi những tiếng cười của dăm đôi cô bạn trẻ, vài cặp tình nhân, lời rao vang vọng của cô hàng rong – tôi đang về.
Có lẽ, sinh viên là khoảng thời gian mà ít ai được ăn cơm mà đặc biệt là bữa cơm của gia đình. Cũng chính vì thế mà tôi lại đang phải lang thang ngoài phố để tìm ít gì đó trả công cho cái dạ dày từ trưa đến giờ vẫn chưa được hoạt động. Sài Gòn sáng rực như một vì sao tinh tú nhưng tôi bất giác nghĩ nó không phải là một vì sao nào nữa? Vì có thứ còn sáng hơn cái mà Sài Gòn đang chứa – là ánh mắt. Tôi tìm được nổi buồn của mình, tôi đã thấy được tại sao hôm nay lòng tôi nặng nề đến bất thường. Toa xe – tôi đã thấy những ánh mắt sáng ngời trên những toa xe đang chuẩn bị rời bến. Dường như họ không thể giấu được niềm vui khao khát trở về nhà được nữa, nụ cười của họ, ánh mắt và cả những cử chỉ nó như đang thể hiện rất rõ một niềm vui cháy bỏng. Tôi cũng thèm cảm giác này, tôi ghé vào một quán ven đường, lại gọi một bát hủ tiếu, tôi cố tình ngồi lại mặc dù chẳng thể ăn nổi, vì tôi đã ăn nó suốt hai tuần liền. Nhưng có thứ khiến tôi phải ngồi xuống, đó là niềm vui trên những toa xe. Họ bồn chồn đến độ lên xe và nghe một cuộc điện thoại, vẻ mặt rất phấn khởi – có lẽ cuộc điện thoại đó xuất phát từ người mẹ già kính yêu hay là giọng cha ấm áp. Có lẽ tôi cũng mong mỏi điều đó…
Rồi tôi cũng nhấc điện thoại, đã bao lâu tôi quên mất nụ cười mẹ, tôi quên đi lời cằn nhằn hằng ngày của cha, quên đi tiếng cãi nhau ì xèo của em gái. Chuông bắt đầu đổ, tay tôi hơi run… đã có tín hiệu bên kia… là giọng ấm áp của cha, tôi lặng người chết điếng, giọng cha nghe vẫn như ngày nào: “Mày gọi cho mẹ à?” –“Gọi về thăm nhà mà” –“Xùy…!Con bé nó gọi về này”… Không biết mẹ tôi đi với tốc độ gì mà sau tiếng gọi là nghe thấy giọng mẹ ngay mặc dù mẹ đang ngoài vườn sau nhà –“Khi nào con về, đã mua vé được chưa? Mua vé có đúng về quê không đó?” –“Con mua vé rồi! 28, 28 âm lich con mới về?” Tuy không thấy mẹ lúc đó nhưng tôi có thể cảm nhận được nét buồn đang hằn rõ trên đôi mắt mẹ. Không khí trở nên nặng nề hơn rồi bỗng chợt vui hẳn khi tôi nghe:
–“Sài Gòn vui lắm à!! Ở chi mà lắm thế, về mà lau kính, vẫn phân chia như mọi khi đấy nhé??” Cái giọng chát chúa của cô em gái đỏng đảnh vẫn khá là cay cú vì tận đêm 28 âm lịch tôi mới về. Nó ấm ức vì phải lau dọn nhà một mình. Bỗng dưng bát hủ tiếu hôm nay tôi ăn lại ngon đến vậy, tôi thấy có vị của gia đình, tôi thấy nó ngon đến nứt lòng. Cuộc điện thoại dứt, toa xe cũng dần chuyển mình, bánh xe dường như cũng náo nức đưa những người con xa quê về với gia đình. Tôi chỉ muốn bỏ lại công việc, leo lên một chuyến xe nào đó và trở về tổ ấm nhỏ nơi quê nhà. Tôi đã nghe thấy không khí Tết nơi Sài Gòn chật chội từ nụ cười thân thuộc của cô hàng rong. Nhìn xung quanh, mọi người đều có chung một ánh mắt – ánh mắt sáng ngời nơi quê hương của họ. Sao tự dưng tôi thấy lòng mình thắt lại, tôi thèm được về nhà và chắc chắn những dòng người xô bồ ngoài kia cũng đang chạy đua với công việc để về với quê hương. Cho đến lúc này, cái gọi là gia đình sao mà thiêng liêng đến vậy. Để rồi trong lòng tôi là cả một trời hoài niệm…
Đêm đã bắt đầu vắng. Hôm nay tôi về muộn, cả con phố nơi tôi ở thường yên ắng nhưng hôm nay cũng vui vẻ bất thường. Nhành mai nhấp nháy ánh trắng vành tím của đền màu, em bé tung tăng thử bộ đồ mới, ông bố tấm tắc khen tách trà thơm, người mẹ hì hục dưới bếp tỏa mùi măng kho. Những năm tôi chưa đi học xa nhà, năm nào cũng vậy, cũng rộn rã tiếng cười bên gia đình. Tôi vừa thấy ghét mà cũng vừa thấy yêu Sài Gòn. Sài Gòn đưa tôi xa gia đình, nhưng Sài Gòn lại chưa đựng những điều làm tôi có thể hoài niệm về quê hương – đó là bầu không khí này đây.
Thưa thớt người đi bộ, hẻm vào căn trọ hơi tối nhưng trăng hôm nay rất sáng, sáng như ánh mắt mẹ mong mỏi con về. Căn trọ quá vắng, tôi bước lên gác, mở cửa sổ và lại mơ màng đi đâu. Tôi lấy cuốn nhật kí hằng ngày tôi vẫn viết vào đó những buồn vui và cũng để tiếp tục câu chuyện ngày hôm nay. Tay bắt đầu mỏi, mắt cũng híp lại, ngày hôm nay bận rộn quá. Đêm về Sài Gòn không còn cái nóng đốt da đốt thịt mà lại mát lạnh như bát chè hạt sen mẹ vẫn nấu, thoang thoảng hương vị mùa xuân, như nồi măng kho đầy gia vị… Xuân đang về rồi, thực sự đã về đến lòng của tôi, tôi háo hức đến ngày được ngồi trên toa xe như bao người tối nay, tay cầm một nhành mai trở về với sự mong chờ của người nhà. Tôi như có thể cảm nhận được không khí trên toa xe, chắc là những câu chuyện về quê hương của những con người xa lạ cùng hàng ghế, những tiếng cười rộn rã, dăm ba lời nói về bánh mứt, mấy bộ quần áo đẹp. Tuy không yên ắng như cái không khí mà tôi thích trên mỗi toa xe nhưng tôi lại rất thích nó, vì nó là âm thanh của quê nhà.
Hôm nay, tôi gác bút khi trời đã chạng vạng 2 giờ sáng. Khi điện đường đã tắt, khi dòng người không còn xô bổ, khi Sài Gòn yên ắng nhất. Tôi biết sau ngày hôm nay, khoảng thời gian trở về quê sẽ được rút ngắn thêm một đoạn nữa… Tôi sắp được làm đứa bé trong căn nhà nhỏ của mình nơi quê hương êm ả mùi khói tỏa của những nồi bánh. Có nhiều người nghĩ tại sao có những dịp lễ lại không về? Không phải không muốn về, mà là vì họ tiếc những giọt mồ hôi lam lũ của cha mẹ đang ngày đêm ngoài đồng. Họ là người mong mỏi được đặt tay ôm lấy người cha gầy gò, hôn lên đôi gò má hốc hác của mẹ, họ chỉ thấy tiếc khi bữa cơm chỉ còn rau mắm khi chiếc vé kia được đặt. Có những nổi buồn của những đứa con sinh viên mà chẳng ai có thể thấu, đó là một khao khát – niềm khao khát có được sự ấm cúng của gia đình.
Sài Gòn của những người con sinh viên, xa lạ, chất đầy hoài niệm…
B4T_NHG