Chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tự do cá nhân, hướng tới thỏa mãn những nhu cầu bản năng; đề cao những mục đích vụ lợi, hưởng lạc, hạ thấp hoặc hy sinh lợi ích tập thể, cộng đồng và xã hội để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ. 
Chủ nghĩa cá nhân có nhiều biểu hiện khác nhau từ việc chỉ biết mình, lợi ích của mình mà không quan tâm, vô cảm, bàng quan trước những mất mát, khó khăn của đồng loại, trước lợi ích của người, của tập thể ngại làm việc khó, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, “dĩ hòa vi qu‎ý”… đến kéo bè kéo cánh, cục bộ, tùy tiện, vô nguyên tắc… 

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân vô cùng lớn, là nguyên nhân sinh ra đủ thứ bệnh nguy hiểm. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống, đó là các chứng bệnh: Quan liêu; tham lam; lười biếng; kiêu ngạo; hiếu danh; “hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Hồ Chí Minh khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội, là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong, là thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh khác. Và như vậy, suy cho cùng khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân đồng nghĩa với sự suy thoái về tư tưởng chính trị và cả về đạo đức, lối sống, sẽ làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng. 

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân vô cùng to lớn, hiện nay trong Đảng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa thấy hết được tác hại của chủ nghĩa cá nhân, của lối sống cá nhân chủ nghĩa và như vậy chừng nào chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên thì khi đó sẽ còn là một trở ngại lớn đối với tổ chức đảng và ngay chính bản thân của người cán bộ, đảng viên trong quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc. 

Vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình hiện nay vừa được xem là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của toàn Đảng. Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả cần chú trọng những giải pháp cơ bản sau: 

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ Đảng, trong nhân dân về tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để từ đó nhận diện rõ và có biện pháp ngăn chặn kịp thời; qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, thường xuyên thực hành dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu mở rộng dân chủi, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao, hạn chế được chủ nghĩa cá nhân. Hơn nữa, thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn xã hội, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. 

Thứ ba, thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, trở thành nền nếp trong sinh hoạt của các cấp uỷ, tổ chức đảng, xem đây là một công cụ sắc bén trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Phải lôi cuốn, hoan nghênh, khuyến khích nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải lắng nghe, thật thà tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân, tích cực, nghiêm túc tự khắc phục, sửa chữa những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm. Định kỳ lấy ‎ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Xử l‎ý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên. 

Thứ tư, coi trọng xây dựng quy chế làm việc và thực hiện đúng quy chế, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức, nhất là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về hành vi đạo đức, lối sống, giữa nói và làm.

Thứ năm, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng để kiên quyết trong đấu tranh với mọi biệu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh thường xuyên và lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả mất mát, hy sinh, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều giải pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục. Thực hiện tốt những giải pháp này kết hợp tốt với đề cao kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và thực thi luật pháp sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân nảy sinh trong cán bộ, đảng viên.

THÁI BẢO
Văn phòng Tỉnh uỷ Đồng Nai

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng