“Tháng 3 biên giới” 2014: Nhìn rõ hơn trách nhiệm của mình
Một lần nữa, “Tháng 3 biên giới” lại gợi nhắc mỗi chúng ta về câu chuyện lịch sử không thể và không được phép quên trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay.
Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (bìa phải) và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải (bìa trái) trao học bổng Vừ A Dính cho các học sinh vượt khó ở Điện Biên – Ảnh: Việt Dũng
Trên chuyến bay đến với vùng đất làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 60 năm trước, Tuổi Trẻ ghi lại cảm xúc của một số đại biểu tham gia hành trình.
* Nhạc sĩ THẾ HIỂN:
Tôi sẽ có sáng tác về Điện Biên
Tôi nhớ mãi hình ảnh chiến sĩ Điện Biên tiến công về phía trước, leo lên cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries mà từ bé đã được xem phim, hình ảnh trong sách sử. Dù đã đi qua nhiều nơi, biểu diễn khắp mọi miền đất nước, đến với chiến sĩ Trường Sa nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ và đấy sẽ là kỷ niệm đẹp trong đời.
Tôi tự hào khi được bạn bè gọi là nhạc sĩ ghi chép nhật ký những chuyến đi. Nên chuyến đi này tôi sẽ cố gắng ghi nhận lại đầy đủ hình ảnh những di tích nơi tôi đi qua và chắc chắn tôi sẽ phải có ít nhất một tác phẩm về Điện Biên, là cách để tôi góp thêm vào truyền thống âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Cảm ơn chương trình đã giúp tôi hiểu hơn sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ biên phòng, ngày đêm bám trụ biên cương để giữ gìn sự toàn vẹn bờ cõi. Cùng với chuyến đi đến Pò Hèn năm trước, tôi nghĩ chuyến đi này sẽ giúp tôi hiểu nhiều hơn cuộc sống của các gia đình cựu chiến binh, của người dân nơi biên giới. Cái đẹp của chương trình “Tháng 3 biên giới” chính là đã làm được những điều mà nhiều người dân ở những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đang rất cần. Tuổi Trẻ đã làm rất tốt để nối tình cảm người dân cả nước lại gần nhau.
* Chị ÔNG THỊ NGỌC LINH (bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM):
Đến để được tiếp thêm nội lực
Mỗi vùng đất đều có giá trị lịch sử riêng mà với Điện Biên thì giá trị ấy quá đặc biệt bởi gắn liền với chiến thắng vẻ vang của cả dân tộc. Với tôi, chuyến đi này không chỉ là sự háo hức mà còn có cả sự tự hào và tôi tin rằng mình sẽ được tiếp thêm nội lực để làm việc. Tôi muốn được đến những nơi đã đi vào lịch sử của dân tộc và sẽ cố gắng ghi chép, ghi nhận hình ảnh để làm tư liệu phục vụ cho việc tuyên truyền lịch sử, truyền thống sau này. Đó cũng là dịp để tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay trong đời sống của người dân, vùng đất đã viết nên huyền thoại.
Từ chuyến đi này, tôi nghĩ đến phẩm chất yêu nước – khát vọng mà tổ chức Đoàn tại TP.HCM đang hướng đến khi xây dựng giá trị mẫu hình người thanh niên hiện nay. Yêu nước lúc này không chỉ là nói chung chung mà phải cụ thể hóa bằng nhiều cách, trước tiên phải là hiểu các giá trị của lịch sử dân tộc và kiên trì với khát vọng cuộc đời mỗi người đã đặt ra.
* Đại úy NGUYỄN THANH TÀI (Vùng 3 hải quân):
Thấu cảm và chia sẻ cùng đồng đội
Là một chiến sĩ hải quân, từng làm nhiệm vụ gần năm năm trên đảo Trường Sa Lớn, tôi thấu cảm và có thể chia sẻ được với những khó khăn của các đồng đội tôi – những người lính biên phòng. Dù làm nhiệm vụ ở đảo xa hay biên cương, chúng tôi đều chung nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và tôi tin bất kỳ người lính nào cũng sẽ cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chuyến đi sẽ là hành trang quý báu cho tôi trong công tác chỉ huy, quản lý bộ đội hiện nay. Tôi mong được gặp những chiến sĩ biên phòng để hiểu hơn về cuộc sống, công việc và được chia sẻ với các anh. Và tôi cũng mong rằng mỗi bạn trẻ Việt Nam dù làm gì, ở đâu cũng hãy sống hết mình, có hoài bão, niềm tin và sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc, bắt đầu từ những việc làm cụ thể.
QUỐC LINH ghi
Về với quê hương anh hùng Vừ A Dính
Ngay sau khi đến Điện Biên, chiều 13-3 các đại biểu tham gia chương trình “Ngày hội tháng 3 biên giới” 2014 đã về thăm quê hương anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính tại xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo. Các đại biểu đã đến thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ của xã, nhà tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính, đến tận nhà hỏi thăm, trò chuyện và trao tặng ông Vừ Gà Lử – anh ruột anh hùng Vừ A Dính – sổ tiết kiệm 5 triệu đồng. Tại Trường tiểu học xã Pú Nhung, Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải đã đại diện chương trình trao tặng 50 suất học bổng Vừ A Dính cho các bạn học giỏi vượt khó. Trò chuyện với các học sinh, tổng biên tập báoTuổi Trẻ Phạm Đức Hải mong mỗi bạn nhỏ hãy luôn chăm ngoan, học giỏi và lúc nào cũng đẹp, cũng rạng rỡ như hoa ban – loài hoa biểu tượng của Điện Biên. Dịp này, Nhà xuất bản Trẻ tặng một tủ sách pháp luật, khoa học kỹ thuật cho UBND xã Pú Nhung trị giá 10 triệu đồng. Chương trình “Tháng 3 biên giới” của Tuổi Trẻ cũng tặng Xã đoàn Phú Nhung một bộ máy tính trị giá 10 triệu đồng để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động Đoàn tại đây. 1.000 tập trắng cũng được các đơn vị tặng học sinh xã Pú Nhung. Hôm nay 14-3, chương trình “Ngày hội tháng 3 biên giới” đưa các đại biểu đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, tìm về các địa chỉ trong khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng lúc đó, tại đồn biên phòng Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), chương trình “Tháng 3 biên giới” sẽ tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho một số gia đình chính sách, già làng tại đây. Chiều cùng ngày là tọa đàm “Tinh thần Điện Biên với tuổi trẻ hôm nay” và tối cùng ngày sẽ là chương trình giao lưu nghệ thuật Ngọn lửa tuổi trẻ tại di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng. Q.NGUYÊN |
Theo Tuổi trẻ Online (tuoitre.vn)