GS. TS. HOÀNG CHÍ BẢO 1

1. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân – một di huấn tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ đề đạo đức cách mạng. Tác phẩm này được viết và công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-1969). Bài viết của Bác khi đăng trên báo Đảng chưa đầy 700 chữ, là một trong những tác phẩm vào loại ngắn nhất, xét về mặt dung lượng ngôn từ nhưng lại chứa đựng những tư tưởng lớn, đề cập tới vấn đề quan trọng nhất đối với người cách mạng là đảng cách mạng, nhất là khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Đó là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân. Thời gian càng lùi xa, thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử, chẳng những của cách mạng Việt Nam mà còn của cách mạng thế giới, càng cho thấy tính thời sự và hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Rõ ràng, học thuyết cách mạng không chỉ là tư tưởng, lý luận và phương pháp cách mạng mà còn là đạo đức và văn hóa. Đây là bảo đảm không thể thiếu để đảng cách mạng và người cách mạng đi đến cùng sự nghiệp phụng sự giai cấp và dân tộc Tổ quốc, nhân dân và nhân loại giữ trọn vẹn và toàn vẹn lòng trung thành với lý tưởng và mục tiêu đã lựa chọn. Không có sự trong sạch về đạo đức thì không thể có sức mạnh vượt qua mọi sự tha hóa ở đời mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Không vượt qua sự tha hóa thì Đảng không còn là Đảng chân chính cách mạng nữa, nhất là khi đã cầm quyền và phong trào cách mạng khó tránh khỏi thất bại bởi tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ và cơ sở xã hội là quần chúng nhân dân. Không được nhân dân tin cậy và ủng hộ thì không một lực lượng nào, một đảng nào có sức sống để tồn tại và phát triển. Tác phẩm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì vậy là một tổng kết lý luận – thực tiễn sâu sắc, có giá trị và ý nghĩa về nhiều phương diện. Có thể nói, đây là di huấn tư tưởng và đạo đức mà Bác Hồ để lại cho Đảng và nhân dân ta cho một thế hệ cách mạng – không chỉ đương thời mà còn mai sau, mãi mãi về sau.

Từ lúc vạch đề cương và tổ chức chỉ đạo viết văn kiện lịch sử này cho đến khi tác phẩm được hoàn thành với sự sửa chữa, hoàn thiện công phu, trực tiếp của Bác, thời gian vẻn vẹn chỉ có một tuần lễ; và lúc ấy Bác Hồ đã tuổi cao, sức yếu, phong trào cách mạng ở miền Nam và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc lại đang quyết liệt, khẩn trương, với biết bao thử thách và hy sinh to lớn. Tác phẩm giúp chúng ta thấu hiểu thêm tầm nhìn chiến lược, tầm tư tưởng, trí tuệ và nhân cách Hồ Chí Minh.

Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Mmh” ở thời điểm hiện nay, việc nghiên cứu và vận dụng tác phẩm này trong đời sống hằng ngày của mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước và các đoàn thể cũng như trong toàn dân trở nên hết sức cần thiết. Điều ấy được tỏ rõ qua những căn cứ sau đây: Càng phát triển kinh tế thị trường, càng tiến tới xã hội giàu có, văn minh, hiện đại càng phải chú trọng tới đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng, trước hết là trong Đảng và xây dựng Đảng. Đó là xét về mặt lâu dài, xu hướng và triển vọng phát triển. Mặt khác khi tình trạng đạo đức xã hội, kể cả đạo đức trong Đảng bị suy giảm nghiêm trọng như hiện nay thì việc ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân càng trở nên cấp thiết bức xúc hơn bao giờ hết.

Dù 40 năm đã trôi qua, song tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi là sách gối đầu giường của những người cách mạng.

2. Một vài nhận xét khái quát về giá trị và ý nghĩa của tác phẩm – nhìn từ thực tế hiện nay

a) Những giá trị cốt yếu, nổi bật trong tác phẩm

– Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là sự phát triển nhất quán dòng tư tưởng đạo đức học mácxít của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Mmh về đạo đức cách mạng, là một bộ phận không thể tách rời hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, hơn nữa, những chỉ dẫn của Người về đạo đức và đạo đức cách mạng làm cho tư tưởng của Người không chỉ là tư tưởng lý luận chính trị, là triết học và triết lý chính trị mà còn là đạo đức và văn hóa. Nhờ đó chính trị Hồ Chí Minh, theo chủ kiến của Người là chính trị nhân sinh và hành động, một nền chính trị đạo đức nhân nghĩa và nhân văn. Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã nâng chính trị lên tầm đạo đức học chính trị, làm cho hoạt động chính trị của con người và tổ chức được đảm bảo bởi văn hóa chính trị với cái cốt lõi của nó là đạo đức, là thực hành văn hóa đạo đức trong chính trị.

Chính trị là khoa học, do đó hoạt động chính trị tự giác đòi hỏi phải giác ngộ chân lý khoa học, nắm vững lý luận, không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ tư tưởng lý luận, tức là nắm vững quy luật giác ngộ chân lý.

Khoa học phải được đảm bảo bởi đạo đức. Khoa học chính trị liên quan trực tiếp tới cuộc sống, số phận con người nên càng phải chú trọng tới cơ sở đạo đức của nó. Bởi thế mà Hồ Chí Minh phát hiện ra điều cực kỳ sâu sắc này:Người có đạo đức dễ tiếp thu chân lý hơn. Vậy là Thiện là đảm bảo của Chân, là sự định hướng, dẫn dắt và là động lực thúc đẩy con người nhận thức chân lý.

Chính trị như một khoa học thực hành, là chính trị hành động vì giải phóng con người, phục vụ nhân dân và dân tộc nên càng có đạo đức bao nhiêu thế càng dễ thực hành chính trị nhân nghĩa, thân dân và dân chủ bấy nhiêu.

Người định nghĩa chính trị một cách mới mẻ, hiện đại khác hẳn nhiều người, kể cả các tác gia kinh điển, bởi Người thấu hiểu chính trị từ cảm quan đạo đức kể cả chính trị trong chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, chính trị là đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn. Chỉ trong một luận điểm này, một nền chính trị trong sạch phải thống nhất khoa học với đạo đức. Chính trị đạo đức là chính trị khoa học nhất, nhờ đó chính trị là văn hóa chính trị. Nói nhiều tới đạo đức cách mạng trong chính trị bởi hơn ai hết, Người thấu hiểu, đạo đức như cái đập chắn sóng ngăn ngừa mọi thoái hóa, tha hóa chính trị. Chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tẩy sạch quan liêu, tham nhũng là vì thế. Người nói tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng chủ nghĩa cá nhân. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân.

Chính trị không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây là phép xử thế, là cách ứng xử, là thuật dùng người, nó phải thấu lý đạt tình, có tình có nghĩa, bao dung, độ lượng, vị tha, nhân ái, làm nảy nở cái tốt, ngăn ngừa, hạn chế, xóa bỏ dần dần rồi làm mất hẳn cái xấu, cái ác.

Nhân tính là vấn đề của con người, là cái mà chính trị lành mạnh, tốt đẹp phải theo đuổi. Không có ai kiên quyết đấu tranh diệt trừ ác quỷ đế quốc thực dân phi nhân mà lại nói được điều thấm thía như Hồ Chí Minh: Con người ta, dù xấu hay tốt, văn minh hay dã man thì xét ra đều có tình. Đó là tình người. Phải nỗ lực làm cho cái tình người ấy nảy nở. Đổ máu là điều không tránh khỏi trong chiến tranh, nhưng đã đổ máu thì máu nào cũng là máu đỏ. Có hiểu chiểu sân nhân bản nhân văn ấy mới thấy hết tầm cao tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Nếu làm một thống kê về văn bản và tần số ngôn ngữ thì trong văn phẩm Hồ Chí Minh, Người nói và viết nhiều nhất về dân, nhân dân, dân chủ và quyền làm chủ của dân. Người cũng nói và viết rất nhiều về đạo đức và đạo đức cách mạng. Năm 1927, Đường cách mệnh đặt lên hàng đầu “Tư cách của người cách mệnh”; năm 1947, Sửa đổi lối làm việc, nói kỹ lưỡng về đạo đức và thực hành đạo đức; năm 1948, Người viết về chủ nghĩa cá nhân – một thứ giặc ở trong lòng; năm 1949, Người viết tác phẩm Cần kiệm liêm chính, đó là bốn đức để làm người; tháng 1-1955, Người viết về đạo đức công dân; tháng 6-1955 và năm 1958, Người viết về đạo đức cách mạng. Những năm 60 cho đến tận cuối đời, không một lúc nào Người không nói tới rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho dân. Đặc biệt gây xúc động lòng người là bản Di chúc được Người viết và sửa liên tục trong suốt 4 năm liền (1965-1969). Sau khi viết bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,Người dành tâm sức sửa chữa lần cuối cùng bản Di chúc lịch sử, trong đó âm hưởng nổi bật là đạo đức cách mạng mà  Người đã thực hành suốt đời. Chỉ riêng đoạn nói về Đảng, bốn lần Người nói tới chữ “Thật”, căn dặn toàn Đảng phải đoàn kết, giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con người của mắt mình, phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau. Đó là giá trị đạo đức cách mạng mà Người là một minh chứng sống động về thực hành đạo đức ấy.

– Như đã nói, giá trị của tác phẩm là ở chỗ đã tổng kết lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng, trong đó sức sống của nó là sự gương mẫu thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, nó là một giá trị làm nên sự vĩ đại và cao thượng của một đảng cách mạng của giai cấp công nhân và của nhân dân anh hùng của chúng ta . Người chỉ rõ, thắng lợi của cách mạng là nhờ ở sức mạnh đạo đức ấy trong chiến đấu, trong sản xuất, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng hăng hái, dũng cảm, họ là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng và của nhân dân. Tổng kết này là sự khẳng định giá trị bản chất và truyền thống của Đảng.

– Tác phẩm dành một phần lớn để vạch rõ thực trạng về một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém, do họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Với tính phê phán nghiêm khắc, Người vạch rõ những biểu hiện những hậu quả của chủ nghĩa cá nhân: không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Người còn vạch rõ, do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm…, mắc nhiều sai lầm .

Đoạn phê phán chủ nghĩa cá nhân trong bài báo này là một thâu tóm đầy đủ nhất những gì gọi là phản đạo đức, xa lạ với cách mạng và đạo đức cách mạng. Đúng như Người nói, phải quét sạch những rác rưởi bẩn thỉu này để làm trong sạch Đảng.

– Sau khi vạch rõ những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà một số cán bộ, đảng viên đã mắc phải, Người chỉ racách sửa chữa hết sức cụ thể, rõ ràng, mà ngày nay ta thường gọi là giải pháp. Với toàn Đảng, phải hết sức coi trọng việc tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối, chính sách của Đảng về nhiệm vụ và đạo đức đảng viên. Người lưu ý mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh. Người đặc biệt chú trọng việc quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Đảng phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng làm việc đó. Ở đây nổi lên một tư tưởng lớn mà Người đề ra từ rất sớm: dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Người cũng nêu rõ yêu cầu: giữ nghiêm chế độ sinh hoạt đảng, tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, đòi hỏi công tác này phải thường xuyên, chặt chẽ. Lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân phải đặt lên trên hết, trước hết, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Muốn vậy phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, tôn trọng quần chúng, gần gũi quần chúng, sát thực tế, gắng sức học tập rèn luyện về mọi mặt. Theo Hồ Chí Minh, đó là cách thiết thực nhất để kỷ niệm ngày thành lập Đảng và là một việc làm cần thiết giúp tất cả cán bộ, đảng viên tiến bộ, góp sức cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công . Tác phẩm này cũng như nhiều tác phẩm khác của Hồ Chí Minh mang một đặc điểm là tính hướng dẫn tư tưởng đi liền với sự thúc đẩy hành động. Đặc điểm ấy lại thể hiện sinh động qua một hình thức biểu đạt rất đúng với phong cách của Người: chữ ít nhất mà nghĩa nhiều nhất, đem cái tối thiểu của ngôn từ để tải cái tối đa tư tưởng.

Giá trị và bài học ấy qua 40 năm vẫn còn nguyên vẹn tính mới mẻ, tính thời sự, tính hiện đại cho ngày hôm nay, khi Đảng ta đã có lịch sử 79 năm, khi Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng Đảng, coi đó là khâu then chốt, và trong tình hình hiện nay, xây đựng Đảng không chỉ là xây dựng về chính trị – tư tưởng – tổ chức mà còn là xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống. Đảng trong sạch, vững mạnh phải là một đảng đạo đức, văn minh.

b) Ý nghĩa thức tỉnh và cảnh báo trước hiện tình của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhắc nhở chúng ta rằng một đảng, ngày hôm qua là vĩ đại và anh hùng, thì ngày hôm nay không nhất định và mãi mãi là như vậy nếu không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được những yếu kém, sai lầm và thoái hóa. Leo dốc, lên đỉnh núi thì khó nhọc mà tụt xuống dốc thì dễ thôi, không ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, khi lòng dạ không còn trong sáng nữa, thì tụt xuống hố sâu, vực thẳm, nghĩa là cơ đồ đổ vỡ, thất bại là điều khó tránh khỏi.

Cách mạng là một sự nghiệp vẻ vang, vĩ đại nhưng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi nhiều sự hy sinh. Không có đạo đức cách mạng thì không thể làm nổi và theo đuổi đến cùng sự nghiệp ấy. Thời cuộc hiện nay 40 năm sau khi Bác viết tác phẩm này cùng với Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân rồi vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người hiền, đã có biết bao đổi thay. Nhiều tình huống mới lạ, nhiều thử thách mới, nghiệt ngã không kém gì trong chiến tranh vào sinh ra tử trước đây đã và đang đặt ra với chúng ta.

Chủ nghĩa cá nhân trong thời buổi kinh tế thị trường không chỉ xuất hiện thậm chí gay gắt trong xã hội mà còn nảy sinh, lây lan, thẩm thấu vào trong Đảng, từ con người đảng viên đến tổ chức đảng ở các cấp. Mầm bệnh lúc nào cũng có và bao giờ cũng là nguy hại đối với sự sống, sức khỏe của cơ thể con người, ở đây lại là cơ thể sống của Đảng và sự an nguy của chế độ mà trọng trách lại thuộc về Đảng. Mọi thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà Bác đã nêu ngày nay vẫn đang còn tồn tại, thậm chí còn tinh vi, phức tạp hơn. Cơ hội chính trị và thoái hóa đạo đức đi sóng đôi nhau, vừa là nguy cơ phải phòng tránh, vượt qua, lại vừa là một hiện trạng đã bộc lộ với tất cả sự nguy hiểm của nó. Chúng ta đang phải đối mặt với những biểu hiện giả cách mạng, giả chính trị, giả khoa học và giả đạo đức mà cho dù là số ít nhưng không thể xem thường, càng không thể lảng tránh.

Chỉ có làm theo đúng di huấn tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, bằng hành động thực tế, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nâng cao đạo đức cách mạng mới giúp chúng ta tự vượt lên, tự chiến thắng bằng sức mạnh mang tính quy luật của muôn đời “Cách mạng phải có sức mạnh tự bảo vệ”. Một trong những sức mạnh tự bảo vệ ấy là đạo đức cách mạng, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

___________

1. Hội đồng lý luận Trung ương

2, 3. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 438 – 439.

4. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 439

 

Nguồn: http://hochiminh.vn/news/Pages/news.aspx?ItemID=593&Pre=1&CateID=28