NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH “Sửa đổi lối làm việc”
Mục đích của tác phẩm là: nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng.
A- Hoàn cảnh ra đời và mục đích của tác phẩm
Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để Đảng được vững mạnh, Nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, ngày 17-10-1945, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, luyện và làng, Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm.
Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Quý I năm 1947, Người lại gửi hai bức thư: Gửi các đồng chí Bắc Bộ và Gửi các đồng chí Trung Bộ, nội dung hai bức thư đó phê bình nghiêm khắc một số cơ quan Đảng, Nhà nước mắc bệnh: làm trái phép nước, cậy thế hủ hóa, tư túng chia rẽ, kiêu ngạo…
Tháng 10-1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc.
Mục đích của tác phẩm là: nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán “chủ nghĩa cá nhân” vì đó là một thứ “vi trùng rất độc” nó sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị không biết nhìn xa, trông rộng… Đồng thời, Hồ Chí Minh vạch ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc không chỉ nhằm phê phán mà chủ yếu là cách mạng. Bởi vì, cách mạng mới là động lực của lịch sử. Đảng là lực lượng tiên phong, ưu tú nhất của xã hội, là đầu tàu của lịch sử.
B- Tóm tắt tác phẩm
Tác phẩm có sáu phần chính sau:
I- Phê bình và sửa chữa
Trong mục này, tác phẩm nêu rõ cán bộ, đảng viên cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm để công việc ngày càng tiến bộ . Muốn vậy, mỗi cơ quan phải tổ chức ủy ban học tập, đề ra kế hoạch nghiên cứu, thảo luận, kiểm tra và thực hành, xác định thời gian tài liệu và cách thức học tập. Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng nhằm khắc phục bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, hẹp hòi, bệnh ba hoa.
II- Mấy điều kinh nghiệm
Mục này của tác phẩm trình bày và phân tích mấy điểm căn bản sau đây:
1. Có cán bộ tốt việc gì cũng xong.
2. Chính sách khẩu hiệu thì đúng, nhưng cách làm, thực hành chưa đúng vì thế kết quả chưa đạt được mỹ mãn.
3. Phải biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc. Bất kỳ công việc gì thành công hoặc thất bại cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. “Đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.
4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái : “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái”, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Sáng kiến được khen ngợi thì người thêm hăng hái, bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho dân chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng hiệu quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, có điều là sáng kiến”.
5. Bất cứ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm với nhân dân.
6. Cần khắc phục hai chứng bệnh ở cán bộ là:
– Bệnh khai hội: khai hội không có kế hoạch, không chuẩn bị kỹ lưỡng, không thiết thực, khai hội lâu, khai hội nhiều mà không có hiệu quả thiết thực;
– Bệnh nể nang không thiết thực phê bình, sợ mất lòng.
III- Tư cách và đạo đức cách mạng
Mục này gồm có các vấn đề sau:
1. Phân tích 12 điều thuộc về tư cách của Đảng chân chính cách mạng.
2. Nêu rõ phận sự của đảng viên và cán bộ:
Một là, trong lợi ích của Đảng hơn hết.
Hai là, coi trọng đạo đức các mạng: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Ba là, phải giữ kỷ luật: “bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật”.
Bốn là, đối với các hạng đảng viên thì số đông là vì dân, vì nước mà vào Đảng, nhưng có một số vì lẽ khác mà vào Đảng, vì thế phải cảm hóa họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ. “Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng”… “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu hết, đã tình nguyện vào Đảng vì dân, vì nước, đã là người cách mạng thì phải cổ gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ không tính xấu”.
Năm là, trong Đảng vì có những người chưa học được, làm được bốn chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng “Chủ nghĩa cá nhân”. Đó là thứ vi trùng rất độc gây ra các bệnh: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu bí mật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ v.v, bệnh hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân (trong sách còn riêu rõ lo biểu hiện căn bệnh này), bệnh lười biếng.
Sáu là, Đảng ta không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng ở trong xã hội mà ra. Nói chung, đảng viên phần nhiều là tốt, nhưng vẫn còn một số chưa bỏ hết thói xấu mang từ xã hội vào Đảng. Đảng phải làm công việc giải phóng dân tộc to lớn, phức tạp, vì vậy, phải cố sức sửa chữa, cho tiệt nọc các chứng bệnh để cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an.
Bảy là, những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến? Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa “Thang thuốc hay nhất “là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Tám là, đối với các khuyết điểm cần phân tích rõ ràng, cái gì đúng, các gì sai; ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm; khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa chữa những lỗi lầm; đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.
3. Tư cách và bổn phận đảng viên Hồ Chí Minh viết mục này căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương.
4. Phải rèn luyện tính Đảng
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có tính Đảng
– Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
– Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.
– Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau.
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, kém tính Đảng dẫn đến 12 căn bệnh: ba hoa, địa phương, danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng.
Muốn khắc phục các căn bệnh cần phải thực hành những điều sau:
Kiểm tra nghiêm ngặt, kiên quyết thực hành nghị quyết có hiệu quả.
– Phê bình rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, chân thành cốt để sửa chữa chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, không làm đồng chí nản lòng, khó chịu.
– Kiên quyết thi hành kỷ luật.
– Thực hiện khẩu hiệu: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
IV- Vấn đề cán bộ
Mục này phân tích khá sâu sắc các vấn đề cơ bản sau:
1. Cần phải: Huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ.
2. Biết dạy cán bộ và dùng cán bộ: Phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ gìn cán bộ.
3. Lựa chọn cán bộ: Phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn luôn quan hệ mật thiết với dân chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ đúng kỷ luật.
4. Có năm cách đối với cán bộ: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ.
5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ.
V- Cách lãnh đạo
1. Lãnh đạo và kiểm soát
Lãnh đạo đúng là: quyết định mọi vấn đề cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng, tổ chức kiểm soát cho đúng.
Muốn lãnh đạo đúng, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ với các tầng lớp dân chúng.
2. Lãnh đạo thế nào?
Bất kỳ công việc gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo; một là, liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng; hai là, liên minh người lãnh đạo với quần chúng.
Sự lãnh đạo thiết thực trong mọi công việc của Đảng là: Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
3. Học hỏi quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng, muốn vậy thì phải kiên quyết thực hành các nguyên tắc sau:
– Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.
– Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
– Khéo tập trung ý kiến của quần chúng, biến nó thành đường lối lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng..
– “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Kết hợp hai cách chỉ đạo là từ trên xuống và phản ánh kịp thời thông tin từ dưới lên.
VI- Chống thói ba hoa
Mục này phân tích các vấn đề:
1. Thói ba hoa biểu hiện nhiều vẻ: dài dòng, rỗng tuếch, thói “cầu kỳ, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, lụp chụp, cẩu thả, “sáo cũ”, nói không ai hiểu. Thói ba hoa gắn với bệnh chủ quan và hẹp hòi.
2. Cách chữa thói ba hoa
Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
– Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
– Khi viết, khi nói, phải cố gắng làm cho ai cũng hiểu được.
– Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chưa nói, chưa viết.
Trước khi nói phải nghĩ cho chắc, phải sắp đặt ý cẩn thận sau khi viết phải xem đi, xem lại ba bốn lần, nếu là tài liệu quan trọng, phải xem đi, xem lại chín, mười lần:
C-Ý nghĩa của tác phẩm
Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Đây là một tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Mặc dù tác phẩm Sửa đổi lối làm việc không dài lắm nhưng đã bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên mà trung tâm là mối quan hệ giữa người với người. Người cán bộ, đảng viên được coi như là khâu trung tâm của các mối quan hệ ấy. Đảng viên, cán bộ là những chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Sửa đổi lối làm việc là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ.
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ra đời cách đây đã hơn 10 năm nhưng những luận điểm nêu trong tác phẩm còn nguyên giá trị nóng hổi đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay, đặc biệt với quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới.
Theo Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb CTQG, H, 1999
Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/doc-310720155015856.html