Ngày 26-2, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) có cuộc hội thảo và khai mạc triển lãm về tranh dân gian Việt Nam và tranh Lục Vân Tiên. Mức độ quý hiếm và đa dạng của những tư liệu này có thể khiến những người quan tâm phải kinh ngạc.

Ngoài tranh dân gian của Henri Oger vốn từng công bố rộng rãi, từ tranh dân gian của Maurice Durand đến tranh Lục Vân Tiên đều được xem là lần đầu công bố tại Việt Nam. Những tư liệu quý hiếm này đều đang được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris (Pháp). Sách về tranh dân gian của Maurice Durand chỉ đem qua Việt Nam được năm quyển. Còn bộ tranh Lục Vân Tiên hoàn toàn là một phát hiện mới, chưa từng có một nghiên cứu nào.

Cầm trên tay quyển sách tranh dân gian của Maurice Durand, GS Phillippe Papin của Trường cao học Thực hành Paris – một cựu chuyên viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ trước đây – tự tin nói: “Xưa nay nói đến tranh dân gian là người ta nói đến tranh Đông Hồ, nhưng thật ra tranh Đông Hồ chỉ chiếm 1% tranh dân gian Việt Nam. Người ta cũng đề cập đến tranh Hàng Trống và các loại tranh khác, tất cả nay đã thất truyền. Nhưng trong quyển sách này vẫn lưu giữ những thể loại tranh đó…”.

Các bạn trẻ xem tranh minh họa cho bộ truyện thơ Lục Vân Tiên tại triển lãm ở IDECAF TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Tranh dân gian xưa trong bộ sưu tập đã in sách của Maurice Durand  – Ảnh: T.T.D.

GS Philippe Papin giới thiệu sách tranh do Maurice Durand sưu tập – Ảnh: T.T.D.

Đa dạng và điêu luyện

“Tôi thích tranh dân gian Việt Nam, thích còn hơn tranh dân gian của Trung Quốc. Các họa sĩ Việt Nam ngày xưa rất điêu luyện” – GS Phillippe Papin

Năm 1960, bộ sưu tập này của ông Maurice Durand lần đầu xuất bản thành sách tại Pháp. Nhưng theo nhận xét của GS Phillippe Papin thì bản in lúc đó còn chưa chất lượng lắm. Dựa trên bản cũ, ông Phillippe Papin đã chỉnh lý những chi tiết để phần nội dung hợp lý và sáng sủa hơn với các ngôn ngữ Việt – Pháp – Hán – Nôm. Đó là một công việc khó khăn được GS Papin chia sẻ bằng sự khôi hài: “Hãy tưởng tượng xem những bức tranh có chữ Nôm, trong khi bàn phím máy tính chỉ có font chữ Hán. Làm sao gõ chữ Hán ra thành chữ Nôm đây? Nhiều lúc bế tắc tôi chỉ muốn… tự tử!”. Maurice Durand nguyên là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội trước đây. Ông có thú vui là sưu tầm tranh dân gian của Việt Nam. Năm 1956 khi rời nhiệm sở, ông mang theo cả bộ sưu tập cá nhân này về Pháp. Khi ông mất, vợ ông hiến tặng bộ sưu tập cho Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Công việc thì công phu mệt nhọc, nhưng thành quả thì thật lý thú. Quyển sách về tranh dân gian Maurice Durand này gồm những nội dung như: Cuộc sống hằng ngày và thiên nhiên, Tôn giáo và tín ngưỡng, Văn học Việt Nam (Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công – Cúc Hoa…), Văn học Trung Quốc (Tây du ký, Tam quốc chí…). Phillippe Papin không giấu được sự khâm phục khi nhận xét: “Tôi thích tranh dân gian Việt Nam, thích còn hơn tranh dân gian của Trung Quốc. Các họa sĩ Việt Nam ngày xưa rất điêu luyện. Tôi phát hiện có những màu xanh, màu hồng… rất mềm, rất nhẹ mà ở các họa sĩ dân gian Việt Nam mới có. Cả tính đa dạng nữa, tranh dân gian Việt Nam mà ông Maurice Durand sưu tầm có tranh sang trọng, có tranh bình dân, có tranh đề tài xưa mà cũng có tranh Việt Nam thời Âu hóa, thời xây dựng xã hội chủ nghĩa (1956)…”.

Tranh Lục Vân Tiên: bất ngờ tìm thấy sau gần 120 năm

Về bộ tranh Lục Vân Tiên, GS Pascal Bourdeaux – trưởng đại diện văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại TP.HCM – cho biết trong thời kỳ Pháp thuộc, một người Pháp tên là Eugene Gibert rất thích thú với truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ông đặt hàng một họa sĩ Huế tên là Lê Đúi Trạch vẽ lại bộ truyện này. Bộ sách dày gần 300 trang, hoàn thành năm 1895 – 1897, với phần minh họa sinh động như một bộ truyện tranh thật sự. Năm 1899 ông Eugene Gibert tặng quyển sách cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Nó nằm trong kho lưu trữ và không ai để ý.

Mãi đến cách đây hai năm, nhân một dịp giáo sư Phan Huy Lê qua Pháp, người của Viện Viễn Đông Bác Cổ giới thiệu một tài liệu “không biết là cái gì, nhưng có liên quan đến Việt Nam”. Bộ truyện tranh Lục Vân Tiên được phát hiện như vậy.

Đứng trước bộ tranh Lục Vân Tiên, GS Phillippe Papin lại xuýt xoa: “Những người Pháp ngày xưa như Henri Oger, Eugene Gibert thích thật, có tiền là có thể thuê họa sĩ Việt Nam vẽ luôn cho mình một bộ tranh. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ dịch ngay bộ sách của ông Maurice Durand ra tiếng Việt!”.

Còn GS Pascal Bourdeaux thì cho biết: “Bộ tranh Lục Vân Tiên này hoàn toàn là tác phẩm vừa phát hiện mà chưa có nghiên cứu nào. Chúng tôi mong muốn người Việt hãy cùng giúp chúng tôi. Tất nhiên đây là công việc của người Pháp, nhưng cũng là di sản của Việt Nam, nên chúng tôi hi vọng có những cộng sự Việt Nam cùng làm”.

Triển lãm Tranh dân gian Việt Nam – tranh bộ ba của Henri Oger, Maurice Durand và tranh Lục Vân Tiên được trưng bày tại IDECAF, TP.HCM cho đến ngày 6-4. Ông Phillippe Papin giải thích sở dĩ các loại tranh trên đều được gọi là dòng tranh dân gian bởi vì tranh được sáng tác bằng kỹ thuật in bản gỗ thủ công dân gian, sau đó họa sĩ mới tiếp tục gia giặm thêm màu sắc dựa trên bản in gỗ đó.

Cuộc hội thảo ngày 26-2 cũng đã diễn ra với sự tham dự của giáo sư Phan Huy Lê, GS Phillippe Papin (Trường cao học Thực hành Paris), GS Pascal Bourdeaux (trưởng đại diện EFEO tại TP.HCM), ông Marcus Durand (con trai ông Maurice Durand)…

Quang Thi (Theo TTO)