Kỳ 2: Chàng trai sở hữu trên 50 sáng chế tí hon

Ngày nào cũng vậy, cứ vào tầm 5 giờ sáng, Dũng lọ mọ ra trạm xe buýt trên đường Hậu Giang (quận 6, TP.HCM) đón xe tới trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Trên hành trình gần hai giờ đồng hồ xuống Thủ Đức, Dũng tha hồ ngắm sự nhộn nhịp của cuộc sống qua cửa xe. Từ những hiện tượng trong cuộc sống đập vào mắt, bao nhiêu ý tưởng cứ nhảy tưng tưng trong đầu rồi “thai nghén” thành những sáng chế khoa học sau này.

Thích mơ mộng trên xe buýt

Có lần nhìn qua cửa kính xe buýt, Dũng phát hiện nhiều người có mũ bảo hiểm treo ở xe nhưng không đội. Họ quên hay cố tình không chịu đội? Tại sao không thiết kế một chiếc mũ bảo hiểm có chức năng nhắc nhở chủ nhân phải chấp hành luật giao thông? Ấp ủ ý tưởng vào thời điểm cuối năm 2007, sau hơn một năm mày mò nghiên cứu, Dũng cho ra đời chiếc mũ bảo hiểm thông minh. Sáng chế này đạt giải nhì cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động năm 2009. Ngoài chức năng bảo vệ đầu, mũ được gắn thêm thiết bị điện tử có chức năng phát ra âm thanh báo hiệu. Khi xe nổ máy sẽ phát ra sóng điện từ, kích hoạt thiết bị điện tử gắn trên mũ, phát tín hiệu âm thanh cảnh báo. Khi đội mũ lên đầu, tín hiệu này sẽ tự động tắt. Ngoài ra, mũ còn được trang bị đèn pin để người sử dụng có thể rọi đường trong đêm tối, tai nghe bluetooth để nghe điện thoại lúc chạy xe. Các thiết bị này chạy bằng pin mặt trời gắn trên đỉnh mũ.

Sử dụng xe buýt làm phương tiện chính từ nhà đến trường, nhiều lần bị trễ học bởi mắt cận thị, không kịp nhìn số hiệu xe, Dũng nhận ra những bất cập trong cách quản lý hành khách bằng xé vé hiện nay. Từ đó Dũng nảy ra ý tưởng mới: mua vé xe bằng cách nhắn tin qua kết nối GPRS. Ngoài ra, Dũng còn đề xuất mã hoá thông tin trên xe buýt bằng các dãy số và gửi về trạm xe buýt. Nhìn vào màn hình gắn ở trạm, hành khách dễ dàng chọn xe, đặc biệt lúc trời tối hay đối với người già, người mắt kém. Lúc đó, họ chỉ cần bấm vào bàn phím số xe đó trên màn hình. Nhận được tín hiệu, tài xế sẽ biết trạm sắp tới có người cần đi hay không, tránh được tình trạng ghé vào nhưng không ai đi. Dũng thật thà: “Cứ ngồi lên xe buýt là đầu cứ mông lung nghĩ đến ý tưởng này, sáng tạo nọ. Vì vậy, nhiều lần đến gần trường, xe chạy qua trạm, vào trong bến thì em mới giật mình tất tả đón xe ôm trở lại trường”. Cũng nhờ đi xe buýt “chuyên nghiệp” như vậy mà Dũng còn nảy ra nhiều ý tưởng khác như dụng cụ quản lý điện thoại khi đang chạy xe, máy phát điện mini cho những hành khách đi xe đường dài khi điện thoại hết pin…

Những sáng chế đi ra từ cuộc sống

Huỳnh Khải Dũng và chiếc nón bảo hiểm thông minh do mình sáng chế

Thực ra, Dũng bắt đầu mày mò nghiên cứu từ hồi còn học lớp ba. Hồi đó nhà nghèo, không có đồ chơi như bạn bè, cậu bạn lục lọi từ đống ve chai tìm nguyên liệu để làm mô hình lân tí hon. Càng học lên, sự yêu thích công việc chế tạo, lắp ráp cũng lớn dần. Lớp sáu, anh chàng đã sáng chế ra máy phát điện dùng năng lượng gió nhờ tận dụng phụ tùng phế liệu từ chiếc radio hỏng của gia đình. Đặc biệt, lên cấp ba, niềm say mê công việc nghiên cứu mới bắt đầu chín muồi khi Dũng cho ra đời hàng loạt sáng chế như: máy phát điện cầm tay mini, tàu canô mô hình, máy làm kem, đèn khẩn cấp mini, máy thí nghiệm giao thoa sóng nước…

Mỗi sản phẩm định làm ra, Dũng luôn tìm cho được mối liên hệ từ cuộc sống. Chẳng hạn máy báo vấp ngã dành cho người già ra đời từ tình thương dành cho bà nội năm nay đã 92 tuổi. “Người già thường ở nhà một mình, do sức khoẻ yếu nên dễ bị vấp ngã. Nếu không phát hiện sớm để giúp đỡ thì rất nguy hiểm”, Dũng kể. Máy gồm hai phần, một phần đeo trên tay người sử dụng, phần kia là hệ thống báo động và bộ phận điều khiển bằng điện thoại di động được lắp một vị trí thuận tiện để nhiều người biết đến. Khi xảy ra vấp ngã sẽ kích hoạt thiết bị đeo ở tay hoạt động, truyền sóng tới bộ phận báo động phát ra tiếng kêu cấp cứu. Hệ thống máy báo vấp ngã còn được cài mặc định một số điện thoại, cú ngã sẽ kích hoạt máy tự động gọi tới số điện thoại này để báo hiệu. Ngoài ra, nhà sáng chế trẻ còn mày mò tạo ra máy báo mưa để cảnh báo người trong nhà biết để cất quần áo, đồ đạc khi đang ngủ quên hay bận làm việc gì đó. Còn đèn khẩn cấp mini ra đời từ việc gia đình hay bị cúp điện, đặc biệt là lúc đang ăn tối…

Máy báo vấp ngã dành cho người già ra đời từ tình thương Dũng dành cho bà nội năm nay đã 92 tuổi. Còn đèn khẩn cấp mini ra đời từ việc gia đình Dũng hay bị cúp điện”

Nhà nghèo, để có tiền đầu tư vào sáng chế khoa học, Dũng tích góp từ tiền đi dạy thêm hay bớt bữa ăn sáng, ly càphê… Cứ mỗi lần nghĩ ra một ý tưởng là anh chàng chạy ra chợ Nhật Tảo, chợ Tân Thành, chợ Kim Biên lùng sục mua đồ dùng, vật liệu. Tư liệu, sách vở thì mò lên mạng kiếm hoặc rảnh là vào nhà sách đọc ké. “Có lần tìm pin mặt trời để làm máy MP3 chạy bằng năng lượng mặt trời, lùng sục khắp nơi nhưng không thấy. Phải mất một năm mới tìm ra”, Dũng cười nhớ lại. Chỉ mới là sinh viên năm thứ hai khoa cơ khí chế tạo máy, thế nhưng Dũng đã có hơn 50 sáng chế mini. Anh chàng từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ chế tạo robot của nhà văn hoá Thanh niên, hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tạo Bình Phú (trường THPT Bình Phú, quận 6). Dũng đặt mục tiêu sau này sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất đồ chơi và các sản phẩm ứng dụng phục vụ nhu cầu con người. Ngoài đam mê sáng chế, Dũng còn có một sở thích khác là chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho những bạn trẻ đi sau. “Nếu chịu khó quan sát, suy nghĩ thì cuộc sống sẽ trả lời được rất nhiều điều. Là người có chút ít kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, em muốn chia sẻ với những bạn trẻ sau em để cùng nhau nghĩ ra những sản phẩm thiết thực hơn nữa cho cuộc sống”, Dũng bảo.

Ông Lê Tấn Cường, cố vấn phòng nghiên cứu khoa học trẻ, trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Sản phẩm nhỏ nhưng ứng dụng cao

Những ý tưởng, sáng chế khoa học của Dũng được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá rất cao. Những sáng chế do em làm ra tuy nhỏ, nhìn đơn giản nhưng tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống. Dũng luôn để ý những chuyển biến của cuộc sống xung quanh mình, suy ngẫm rồi đưa ra những cách giải quyết rất đơn giản, tạo ra những sản phẩm có thể thương mại hoá được, đặc biệt là rất dễ sử dụng như mũ bảo hiểm thông minh, mua vé xe buýt bằng tin nhắn…

Cái khó của sinh viên khi nghiên cứu khoa học là kinh phí và thời gian, bởi lịch học tương đối dày nên phải kiên trì thì mới đeo bám việc nghiên cứu được. Tuy là sinh viên chưa vào chuyên ngành, nhưng Dũng không chỉ có niềm say mê nghiên cứu mà quan trọng là tính táo bạo, đeo bám ý tưởng của mình đến cùng để làm ra sản phẩm khoa học. Trường sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho những đề tài có ý nghĩa khoa học, đồng thời tạo điều kiện cho các em thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ các phát minh, sáng chế của mình.

Theo SGGP