ĐẶNG TRẦN ANH: “mọi sự thành công đều là sự kết hợp giữa Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.”

[ĐHNN_BTTTT] để đạt được những thành công như hiện tại, chắc hẳn Trần Anh cũng đã trải qua không ít những khó khăn, thử thách trong công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống, ­­công việc học tập ở trường. Cùng phóng viên B4T có 1 buổi trò chuyện thân mật với chàng trai có thu nhập “khủng” từ nghề tay trái này nhé!­­­­

B4T: Nhắc đến Trần Anh là nhắc đến câu chuyện về “cậu học sinh lớp 12 đánh liều mượn gia đình 1 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản. Sau 3 năm, sở hữu khối tài sản gần 5,5 tỷ đồng, cùng mức thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng”. Bạn có suy nghĩ như thế nào về kết quả này?

Đ.T.A: Theo mình mọi sự thành công đều là sự kết hợp giữa Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Mình cảm thấy may mắn khi được sinh ra trong một gia đình trí thức, được chăm lo giáo dục, dạy dỗ tử tế từ nhỏ. Vì vậy có được kết quả này thì mình chỉ cảm thấy mình là 1 người may mắn thôi, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

B4T: Đạt được kết quả như ngày hôm nay, người đầu tiên mà bạn nghĩ tới là ai?

Đ.T.A: Đạt được kết quả này mình nghĩ đến ba mẹ đầu tiên. Nếu như không có sự tận tình chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn pháp lý cùng với sự hỗ trợ khoản tiền vay từ ba mẹ thì mọi ý tưởng của mình cũng chỉ là ý tưởng nằm trong đầu cho vui mà thôi.*cười*

B4T: Kết quả này có ảnh hưởng gì tới cuộc sống và việc học của bạn không?

Đ.T.A: Có ảnh hưởng chứ. Kinh doanh luôn phải có va chạm, ảnh hưởng đến suy nghĩ khác nhau về các khía cạnh cuộc sống không màu hồng và công bằng như trong sách vở nhà trường. Còn việc học thì mình cố gắng sắp xếp, vì là nghề tay trái nên không bị cứng nhắc về thời gian biểu. Có điều nghề môi giới thì có những lúc đi lại nhiều nên ảnh hưởng đến sức khỏe, vào lớp học có khi gục lên gục xuống, tiếp thu bài không được tốt, nên mình cũng cố gắng hạn chế.

B4T: Điều gì đã mang đến cho bạn niềm đam mê “mạo hiểm” với bất động sản như vậy?

Đ.T.A: Cái này chắc là do gen di truyền quá. (Cười). Nhưng mà tính mình bạn bè hay chọc Bê-li-cốp – Người trong bao. Cái gì cũng cẩn thận hơi thái quá, thành ra ở ngoài nhìn có vẻ mạo hiểm thế thôi, nhưng mà mọi nhất cử nhất động trong buôn bán mình đều xem xét rất kỹ lưỡng, có gì thắc mắc là mình đều tham khảo ý kiến ba mẹ hoặc luật sư tư vấn kỹ càng rồi mới quyết định. Không phải kiểu làm ăn liều mạng, có gan làm giàu đâu.

B4T: Được biết thị trường bất động sản hiện nay đang trong thời kì khó khăn, bạn sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này chứ?

Đ.T.A: Thực sự thì bất động sản hiện tại chỉ khó khăn, bão hòa ở phân khúc căn hộ cao cấp thôi, nhu cầu mua bán nhà ở phân khúc bình dân ( nhà ở xã hội)  vẫn còn. Vấn đề là thiếu vốn cho phân khúc này. Công nhân, viên chức rất cần mua nhà, nhưng khó vay được tiền. Nếu nhận thấy có cơ hội thì chắc chắn mình vẫn tiếp tục chứ.

B4T: Bạn có thể chia sẻ tới B4T về 1 kỉ niệm trong quá trình hình thành và thực hiện “ý tưởng” đầu tư bất động sản không?

Đ.T.A: Kỷ niệm và cũng là khó khăn đầu tiên mình phải vượt qua là cho dù có ý tưởng nhưng phải thuyết phục ba mẹ suốt cả tháng ròng rã mới được đồng ý. Lúc bán được căn nhà và cầm những đồng tiền lời đầu tiên thấy trong lòng vui sướng và tự hào, chứng tỏ được với ba mẹ quyết định tin tưởng và đồng ý với mình là 1 quyết định đúng đắn. Lúc đó vui lắm luôn, không diễn tả được bằng lời. (Cười to).

B4T: Mặc dù được hướng thi Bách Khoa nhưng điều gì đã khiến bạn chọn ĐH Ngân Hàng và nhất là ngành Marketing?

Đ.T.A: Vô thương bất phú mà, mình chọn ĐH Ngân hàng là do ngày trước theo ba mẹ, tiếp xúc nhiều với nhân viên ngân hàng, thích kỹ năng và phong cách làm việc của họ nên chọn ĐH Ngân hàng, mà mình chọn Quản Trị Kinh Doanh cơ, sau phân ngành thì nhận thấy trong quá trình kinh doanh thì khâu Marketing là quan trọng nhất, quyết định thành bại của việc kinh doanh nên mình chọn theo Marketing để lấy kiến thức mà sử dụng.

B4T: Chuyên ngành Marketing được học tại trường có mang lại cho bạn lợi ích gì trong việc kinh doanh không?

Đ.T.A: Có chứ. Kiến thức chuyên môn thì hiện tại mình chỉ mới dùng nhiều về môn Quan hệ khách hàng thôi, bên cạnh đó thì lời giảng của giảng viên các môn Marketing khác cũng giúp mình rút ra được nhiều kinh nghiệm khi giao tiếp và tính toán khi kinh doanh. Nói nhỏ nè, cái “mác” Sinh viên ngân hàng cũng giúp mình ít nhiều trong việc tạo uy tín và thiện cảm đối với khách hàng đấy. (Cười).

B4T: Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên có suy nghĩ không cần trau dồi những kiến thức ở giảng đường Đại học vì đa phần các bạn ấy cho rằng những kiến thức đó xa rời thực tế và khó có thể áp dụng vào trong thời đại hiện nay. Với những trải nghiệm của bản thân, bạn có thể chia sẻ đến Buers của chúng ta về vấn đề này không?

Đ.T.A: Chúng ta từ lâu đã quen với châm ngôn Tri thức là sức mạnh”, học ở trường là tốt nhất với dễ nhất rồi, ở ngoài xã hội cũng dạy mình những thứ tương tự nhưng với cái giá đắt hơn nhiều, mình thấy kiến thức trong sách vở, giáo trình Đại học khá bao quát và hoàn hảo đấy chứ, tạo nền tảng giúp mình kỹ năng tư duy, phân tích trong quá trình mua bán. Bên cạnh những kinh nghiệm được chỉ dạy, mình cũng sử dụng được nhiều kiến thức trong trường. Nhất là môn Kỹ năng giao tiếp và Tài chính. Các bạn cần chú ý 2 môn này sẽ dùng nhiều khi ra kinh doanh.Tuy học bây giờ mình chưa dùng tới nhưng khi ra làm việc sẽ rất hữu ích đấy. Kiến thức chẳng bao giờ là thừa cả. Theo mình thì chất lượng đội ngũ giảng viên của trường là rất tốt rồi, còn lại là phụ thuộc vào sinh viên trường mình có sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi hay không thôi.

B4T: Để có được kết quả như thế là cả một quá trình trau dồi kiến thức và kĩ năng. Bạn có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên được biết làm thế nào giúp bạn cân bằng giữa việc học ở trường với thời gian nghỉ ngơi và thời gian dành cho  “nghề tay trái” của mình?

Đ.T.A: Học ở trường chỉ có 1 buổi. Thứ bảy, chủ nhật lại được nghỉ, thành ra việc sắp xếp thời gian cũng khá dễ dàng. Tự mình làm nên chủ động thời gian hơn. Sau khi dành 1 khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để xem lại bài đã học thì mình làm việc cho đến khi thấy mệt thì nghỉ ngơi, giải trí cho khỏe rồi lại làm tiếp. Mà làm vì đam mê, cảm thấy vui thú nên ít khi cảm thấy kiệt sức lắm. Còn thứ bảy, chủ nhật thì mình thường theo gia đình tham gia những hoạt động từ thiện để trau dồi kỹ năng mềm và thư giãn sau 1 tuần làm việc.

B4T: Bạn hãy dành vài dòng chia sẻ ngắn gửi tới các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên trường “Đại học Ngân Hàng”  về những định hướng của bạn trong bước đường chinh phục những thử thách sắp tới.

Đ.T.A: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, tài sản vật chất chỉ có giá trị hữu hạn, tri thức thì vô hạn, có thể được sử dụng dài lâu. Mình vẫn dự định vừa tiếp tục học lên bậc cao hơn sau tốt nghiệp để trao dồi kiến thức vừa đi làm trong lĩnh vực Marketing để có được kinh nghiệm chuyên môn. Tri thức càng cao càng rộng, khi gặp khó khăn thử thách sẽ dễ dàng hóa giải để vượt qua hơn.

Cám ơn Trần Anh về buổi trò chuyện này và chúc bạn ngày một thành công với con đường mà mình đã lựa chọn.

BTTTT_Nguyễn Trần Như Ngọc-Tâm Bình