Đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là những nhân tố quyết định thắng lợi của Hiệp định Paris
(ĐCSVN) – Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973 – 27/1/2013), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, vào thời điểm đó là người đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký vào văn kiện lịch sử này.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
(Ảnh: Khánh Lan)
Phóng viên (PV): Quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam là sự kiện tâm điểm của thế giới trong giai đoạn từ 1968 – 1972. Vậy, với tư cách là Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất tham gia vào sự kiện quan trọng này, bà có thể chia sẻ cảm xúc của bà tại thời điểm đặt bút ký vào Hiệp định Paris?
Bà Nguyễn Thị Bình: Năm 1960, khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập thì tôi được cử làm Uỷ viên Trung ương Mặt trận phụ trách về đối ngoại. Trong giai đoạn từ 1962 đến 1967, tôi cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại. Các đồng chí lãnh đạo đã quyết định cử tôi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris với tư cách là Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi nhận được quyết định này, tôi cảm thấy rất vinh dự, song cũng rất lo lắng vì đây là một nhiệm vụ, trọng trách nặng nề. Song với quyết tâm, tôi nghĩ mình có thể làm và phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, tôi – đại diện đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông Nguyễn Duy Trinh, đại diện cho đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH); ông Williams Rogers, đại diện cho Hoa Kỳ và ông Trần Văn Lắm, đại diện cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chính thức ký Hiệp định Paris và các Nghị định thư liên quan về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam sau gần 5 năm đàm phán. Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy rất xúc động vì đã được thay mặt cho nhân dân miền Nam Việt Nam ký vào một văn kiện lịch sử.
Để có được kết quả trên là có sự đóng góp xương máu của đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc kéo dài gần 20 năm; có sự ủng hộ của hàng triệu bạn bè quốc tế… Tất cả những điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và có lẽ cảm xúc này sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời mình.
PV: Cuộc đàm phán Hiệp định Paris là một cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử và có những lúc tưởng chừng như dậm chân tại chỗ. Bà có thể chia sẻ một vài thông tin về cuộc đàm phán và những suy nghĩ của mình trong quá trình tham gia đàm phán?
Bà Nguyễn Thị Bình: Chính xác cuộc đàm phán Hiệp định Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 16 ngày là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp công khai diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber từ ngày 13/5/1968 đến ngày 27/1/1973, và 36 phiên gặp riêng cấp cao tại nhiều địa điểm khác nhau ở Paris. Cuộc đàm phán chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ ngày 13/5/1968 đến hết tháng 10/1968, giai đoạn thứ hai từ ngày 25/1/1969 đến ngày 27/1/1973.
Cuộc đàm phán diễn ra gần 5 năm, cũng có lúc tưởng chừng như dậm chân tại chỗ và có những lúc báo chí đã nói, đây là “cuộc đàm phán giữa những người điếc” vì mỗi bên đều thể hiện lập trường của mình và không ai nghe ai hết. Mặc khác, trên chiến trường, tương quan lực lượng chưa có quyết định gì cho ai mạnh hơn ai, hai bên giằng co. Cứ vào thứ 5 hàng tuần, tại Trung tâm Kléber, các cuộc họp cứ lặp đi lặp lại. Nhiều lúc các đại biểu cảm thấy chán ngán và không biết đến khi nào cuộc đàm phán sẽ kết thúc.
PV: Được biết, về nội dung của Hiệp định Paris đã được ký kết cơ bản giống bản dự thảo Hiệp định Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” của đoàn Chính phủ VNDCCH đưa ra tháng 10/1972. Vậy, bà có thể chia sẻ một số nội dung của Hiệp định này?
Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại
hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973 (Ảnh tư liệu)
Theo tôi, đợt đàm phán có ý nghĩa quyết định nhất diễn ra vào tháng 10/1972. Khi đó phía Mỹ, chính quyền Nixon nghĩ không thể đánh bại chúng ta bằng quân sự. Vì vậy, họ chấp nhận dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra, trong đó chấp nhận rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và để vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam cho các bên của Việt Nam tự giải quyết. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền Nixon đã lật lọng, ngừng đàm phán và tìm mọi cách để không chấp nhận những yêu cầu của Việt Nam. Mỹ muốn thực hiện các ý đồ bằng chiến dịch “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng vũ khí Mỹ nhưng dùng quân đội miền Nam Việt Nam thay thế quân đội Mỹ để thực hiện thôn tính Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ đã dùng B52 để không kích, tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc suốt 12 ngày đêm. Cuộc không kích của Mỹ thất bại nặng nề không những về mặt quân sự mà còn về chính trị. Chưa chấm dứt ném bom, Mỹ đặt vấn đề nối lại cuộc đàm phán. Sau thất bại đó, Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris đã được ký kết cơ bản về nội dung giống như bản Hiệp định đã được dự thảo trước đó.
Hiệp định Paris là một tổng thể bao gồm Hiệp định, 4 Nghị định thư, 8 bản Hiểu biết (Understanding), Định ước quốc tế, Tuyên bố chung và các văn thư trao đổi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hiệp định Paris đã ghi nhận cam kết của Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Quy định việc Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam và Đông Dương trong khi quân đội của miền Bắc Việt Nam tiếp tục ở lại miền Nam Việt Nam; Công nhận ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, có hai lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát hai vùng lãnh thổ khác nhau ở miền Nam Việt Nam. Việc thi hành Hiệp định Paris 1973 làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam Việt Nam có lợi cho cách mạng, củng cố lực lượng của cách mạng, làm cho chính quyền thân Mỹ ở miền Nam mất chỗ dựa, suy yếu về chính trị, vì trên thực tế, Mỹ không còn công nhận ngụy quyền là chính quyền duy nhất đại diện cho Nam Việt Nam.
PV: Bà đánh giá thế nào về vai trò, thế của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris?
Bà Nguyễn Thị Bình: Phải nói là khi bắt đầu đàm phán, một trong những vấn đề giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và phía Mỹ phải đấu tranh rất quyết liệt bởi sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên. Mỹ hoàn toàn không muốn sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng tình thế buộc Mỹ chấp nhận. Việc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một thắng lợi chính trị – ngoại giao bước đầu, một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của chúng ta trên bàn Hội nghị. Mỹ vô hình chung đã phải thừa nhận ở miền Nam Việt Nam có một phong trào yêu nước, có một cuộc chiến đấu của nhân dân chống lại sự xâm lược của Mỹ và chính quyền thân Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền
Nam Việt Nam (ở giữa) ký vào Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh,
lập lại hòa bình tại Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Trong 4 đoàn, đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đại diện cho cuộc chiến đấu trực tiếp với Mỹ. Do đó theo tôi, chú ý của thế giới tập trung vào đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; và hơn nữa, như chúng ta biết, hai đoàn này là một, mục tiêu là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, tất cả những đề nghị giải pháp đưa ra đều do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ủng hộ. Vì thế, vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là rất quan trọng trong đàm phán Hiệp định Paris. Bên cạnh đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam còn có vị trí quan trọng, bởi là người trực tiếp chiến đấu, với đường lối độc lập hòa bình trung lập, nhấn mạnh đến đường lối hòa bình, mềm dẻo đối ngoại trong đàm phán.
PV: Bà đánh giá thế nào về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, một trong những yếu tố quan trọng, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris nói riêng ,cũng như thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước?
Bà Nguyễn Thị Bình: Trước hết, tôi nhấn mạnh rằng, Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam, tiến hành trên 3 mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Và đây cũng là thắng lợi của tất cả những ai trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Để có được thắng lợi trên là do những đóng góp tích cực không mệt mỏi của các đồng chí đã tham gia hai đoàn Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, những người đã trực tiếp tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris lâu dài và hết sức khó khăn; sự hy sinh của các đồng chí, đồng bào ta trong suốt 20 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc… Nếu không có chiến thắng Mậu Thân 1968, không có những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị, không có chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, không có sự hỗ trợ chi viện của miền Bắc thì không có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam. Và đương nhiên, nếu không có Hiệp định Paris năm 1973 thì sẽ không có Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tại cuộc đàm phán, hai đoàn Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên cương vị và nhiệm vụ của mình, khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Với những lý lẽ đanh thép nhưng có tình có lý, đã ảnh hưởng đến các quốc gia, ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận quốc tế, khơi dậy được tình cảm mến phục của bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của chúng ta.
Như tôi đã nói, hai đoàn Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuy hai mà một, nên sự tranh thủ vận động bạn bè quốc tế có khác nhau về đối tượng. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với đường lối rộng rãi, có thể tranh thủ các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý, những người có chính kiến khác nhau, các tôn giáo… Đoàn VNDCCH đã thu hút sự ủng hộ của các nước XHCN và các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ và lực lượng cánh tả. Vì vậy, đoàn kết quốc tế do hai đoàn chúng ta triển khai tạo thành mặt trận đoàn kết quốc tế rất lớn, chưa từng có trong lịch sử, một mặt có tác động đến chính phủ Mỹ, tạo thuận lợi cho cuộc chiến tranh.
Chúng ta không thể không kể đến đông đảo người dân trên thế giới đã tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ngoài ra, phong trào đoàn kết với Việt Nam của nhân dân Pháp, với sự tham gia nhiệt tình, mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Pháp, nhiều đảng phái chính trị, các đoàn thế và nhân dân Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hai đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
PV: Bà có thể chia sẻ kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris?
Bà Nguyễn Thị Bình: Đối với tôi, trong gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris có nhiều kỷ niệm sâu sắc, song có một câu chuyện mà mỗi khi nhớ đến tôi lại rất xúc động. Trong giai đoạn 1968 đến 1973, cuộc đàm phán Paris trở thành sự kiện tâm điểm, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Họ theo dõi xem bao giờ chiến tranh ở Việt Nam có thể chấm dứt vì nó đã kéo dài gần 20 năm. Sự kiện này thu hút được sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn quốc tế. Riêng trên cột 1 của Tờ New York Time (Mỹ) đã tổng kết, trong 10 năm liền chỉ nói về Việt Nam; các kênh truyền hình của thế giới đã ghi hình và phát rộng rãi trong vòng gần 5 năm các cuộc đàm phán diễn ra vào thứ 5 hàng tuần. Tôi và các thành viên tham gia đàm phán đã trở thành những khuôn mặt quen thuộc với bạn bè quốc tế.
Có một lần, trong chuyến đi từ Paris đến một quốc gia ở châu Phi, đi qua sân bay Ai Cập, có một số phụ nữ đã đến gặp tôi, tay bắt mặt mừng như những người bạn thân lâu ngày gặp lại, mặc dù tôi không hề quen biết họ. Họ nói đã rất quen với tôi qua các chương trình truyền hình phát về cuộc đàm phán Hiệp định vào thứ 5 hàng tuần. Điều đó khiến tôi rất xúc động và nó cũng thể hiện được sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Thị Bình!