Tham vấn phân ngành – giải đáp những dấu hỏi
THAM VẤN PHÂN NGÀNH – GIẢI ĐÁP NHỮNG DẤU HỎI
[ĐHNH_BTTTT] Trong thời gian vừa qua tiếp thu ý kiến của các bạn sinh viên khóa 27 về những thắc mắc phân khoa trong chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, vào lúc 17h30 ngày 12/3 tại hội trường lớn trường Đại học Ngân Hàng đã diễn ra chương trình tham vấn phân ngành cho sinh viên khoá 27 ngành Tài chính- Ngân hàng.
Nhằm giải đáp thắc mắc cho các bạn sinh viên về các môn học, nội dung học, định hướng của các khoa để giúp cho các bạn sinh viên Khóa 27 dễ dàng xác định đúng hướng đi của mình khi chọn khoa chuyên ngành. Đến dự với chương trình có TS Phan Ngọc Minh trưởng phòng đào tạo, các thầy cô đại diện các khoa: tín dụng, ngân hàng quốc tế và thị trường chứng khoán cùng đông đảo các bạn sinh viên khoá 27 ngành Tài chính- Ngân hàng.
Mở đầu chương trình, TS Phan Ngọc Minh trưởng phòng đào tạo giải thích thêm về việc phân chuyên nghành và các nguyên tắc phân khoa. Theo đó, ngành Tài chính- Ngân hàng được phân theo 3 chuyên ngành: tín dụng, ngân hàng quốc tế và thị trường chứng khoán.
Theo TS Phan Ngọc Minh, nguyên tắc phân khoa là tôn trọng quyền tự chọn của sinh viên nhưng thực tế thể hiện không đồng đều số lượng sinh viên đăng kí giữa các chuyên ngành nên phải cân đối số lượng sinh viên theo chỉ tiêu quy định. Số lượng sinh viên dự định 50% tín dụng, 30% ngân hàng quốc tế và 20% sinh viên vào khoa thị trường chứng khoán.
Thông qua phần chia sẻ của thầy Minh, sinh viên đã có những hiểu biết cơ bản về việc phân khoa, bên cạnh đó, các thầy cô đại diện của 3 khoa cũng chia sẽ các thông tin và chương trình đào tạo cũng như cơ hội nghề nghiệp của 3 chuyên ngành sau khi ra trường. khoa tín dụng với 2 bộ môn: tín dụng và soạn thảo, thẩm định, tài trợ dự án; khoa thị trường chứng khoán với 3 bộ môn: tiền tệ, tài chính và thị trường chứng khoán; khoa ngân hàng quốc tế có 2 bộ môn tài chính quốc tế và ngân hàng quốc tế.
Giải đáp thắc mắc cho sinh viên:
Hỏi: “Có ý kiến cho rằng em bị rớt môn thì không được lựa chọn chuyên ngành mà chỉ được xếp vào chuyên ngành, điều này có đúng không”.
Đáp: “Nguyên tắc số 1 là sở thích, và cân đối sinh viên giữa 3 khoa cho phù hợp”.
Hỏi: “Chương trình học của khoa thị trường chứng khoán có khó không, cản trở lớn nhất của khoa là gì?”
Đáp: “Muốn hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán thì phải nắm vững các kiến thức tài chính, tiền tệ, phân tích ảnh hưởng của rủi ro thị trường đến các hoạt động đầu tư chứng khoán, phân tích chuyên xâu các hoạt động của doanh nghiệp. Khó khăn đó là phải có kỹ năng, công cụ mới nhất, hiện đại nhất để áp dụng phân tích thị trường”.
Hỏi: “Em muốn chọn công việc ít rủi ro, em có nên chọn khoa tín dụng hay không”.
Đáp: “Có nhiều loại rủi ro khác nhau trong công việc làm tín dụng, đòi hỏi phải có sự đam mê mà một kiến thức cứng thật vững vàng để phòng ngừa và giải quyết rủi ro”.
Một phần không kém thú vị và bổ ích là giao lưu với của các sinh viên tiêu biểu tại 3 khoa. Các bạn chia sẻ: “Dù học ngành nào thì cơ hội nghề nghiệp như nhau, quan trọng là kiến thức mà bạn trang bị cho mình ở trường lớp và kỷ năng mềm bạn tích luỹ dần cộng thêm niềm đam mê và nhiệt huyết thì nhất định bạn sẽ thành công”.
Thông qua buổi tham vấn phân ngành hôm nay, các bạn sinh viên khoá 27 ngành tài chính ngân hàng đã có thêm những hiểu biết cơ bản về 3 chuyên ngành đào tạo và cũng đã có thể lựa chọn cho mình một quyết định riêng, hãy lựa chọn niềm đam mê và cho mình một phương tiện để vào đời nhé! Hy vọng các bạn sẽ có một lựa chọn thật đúng đắn.
B4T_ Văn Hậu