[HỘI SINH VIÊN TRƯỜNG ĐH NGÂN HÀNG TP. HCM] – VIỆC CẤP BÁCH NHẤT ĐỐI VỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY LÀ CHẤN CHỈNH LẠI VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG
Nói về vấn đề cấp bách đối với giáo dục hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, trước hết cần phải có đánh giá một cách toàn diện, có tính hệ thống lại toàn bộ các cấp học, bậc học hiện nay trong đối chiếu với nhu cầu và đòi hỏi mới của đất nước và thế giới.
“Việc đánh giá phải dựa trên khung các tiêu chí, tiêu chuẩn của một số nền giáo dục tiến bộ có xuất phát lịch sử và đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng Việt Nam từ đó có một cái nhìn chính xác về thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay đang yếu và thiếu những mặt nào.
Có như vậy chúng ta mới có cơ sở để xây dựng và đề ra những giải pháp có tính khoa học phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Nếu không tất cả những giải pháp đưa ra chỉ mang tính chắp vá nửa vời”, vị này nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Sóng Hiền, mỗi giải pháp hay cải cách phải đảm bảo tính kế thừa. Tức là chúng ta cần phải dựa trên những mặt thành tựu của những mô hình giáo dục trước. Để làm được vậy cần phải có một nghiên cứu khoa học đánh giá lại toàn bộ các mô hình giáo dục mà chúng ta đã trải qua kể từ khi lập nước.
Chúng ta sẽ không bao giờ thúc đẩy một nền giáo dục phát huy bản sắc dân tộc mà không có tính kế thừa. Học được những bài học thành công hay thất bại những mô hình giáo dục trong quá khứ có thể mang lại nhiều bài học giá trị cho mô hình giáo dục của chúng ta hiện nay. Đáng tiếc hiện nay những nghiền cứu mang tính khách quan về những mô hình giáo dục quá khứ chúng ta lại rất ít quan tâm.
Ông Hiền cho rằng, vấn đề cấp bách nhất đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay đó là sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức học đường. Bất kỳ nền giáo dục tiến bộ ưu tiên và mối quan tâm trước hết là giáo dục nhân cách. Hay nói cách khác giá trị nhân văn, nhân bản phải là ưu tiên số 1 trong bất kỳ nền giáo dục tiến bộ nào.
Tuy nhiên,chúng ta có thể vỗ ngực tự hào về các học sinh giành được huy chương thế giới nhưng lại không biết giật mình khi thấy các bạn trẻ không nhường chỗ ngồi cho một người già yếu.
Nếu nhân cách của một cá nhân được đo bằng điểm số thì ắt hẳn chúng ta không phải chứng kiến, đọc những thông tin thầy “quan hệ” với trò, trò đánh thầy, cô đánh trò ….
“Cho nên, cá nhân tôi cho rằng việc cấp bách nhất và có tính khả thi nhất trước hết là chấn chỉnh lại văn hoá học đường. Cần xây dựng lại bộ giá trị văn hoá học đường phù hợp với tình hình mới.
Nó phải trở thành các chuẩn mực đạo đức trong nhà trường và giúp hình thành nên những phẩm cách cần có của một công dân trong xã hội văn minh”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền khuyến cáo.
Nguồn: giaoduc.net.vn
Hội Sinh viên trường Đại học Ngân hàng TP. HCM