Cội nguồn hiếu thảo
Suốt buổi lễ, không gian khán phòng là sự xúc động lan tỏa. Đó là những câu chuyện về đạo làm con trong cảnh nghèo và lúc ấm no, là tình nghĩa ở những con người không phải là ruột thịt… Nhiều người không ngăn được nước mắt khi thầy giáo mù Nguyễn Phước Thiện lên sân khấu chia sẻ chuyện chăm sóc mẹ già.
Anh nói: “Tôi chăm sóc được gì cho mẹ đâu. Ngày tôi còn bé lại mù lòa mẹ khổ cực vì tôi biết bao nhiêu. Tiếc là đôi mắt tôi không lành lặn, đôi lúc muốn lo cho mẹ nhiều mà cứ quờ quạng. Có lần giữa đêm mẹ bị ngộ độc thực phẩm, nghe tiếng mẹ rên la mà tôi rối lên như gà mắc tóc. Lấy hết bình tĩnh, tôi gọi taxi rồi cõng mẹ từ lầu hai của chung cư ra xe. Quá lo lắng tôi không biết nên dừng lại lúc nào, đến lúc đầu tôi sưng lên một cục vì tông vào cửa xe”, nói đoạn Phước Thiện xoa tay lên trán như chỉ vào cục u trên đầu ngày nào…
Anh Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành đoàn TP.HCM, trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân đạt danh hiệu “Người con hiếu thảo” năm 2010 tại lễ tuyên dương – Ảnh: M.Đức
Với chị Phùng Thị Ngọc (Q.Tân Bình, TP.HCM), chuyện một mình chị phải làm lụng để nuôi đứa con bị chứng tự kỷ, mẹ ruột già yếu ở tuổi 85, mẹ chồng đau ốm nằm liệt giường và thêm chị chồng mắc hội chứng Down trong khi người chồng bỏ đi biền biệt là điều bình thường.
Chị bộc bạch: “Tôi nghĩ chẳng có gì là phi thường cả. Tôi yêu thương mẹ ruột, mẹ chồng, con và chị chồng thì tôi phải dốc hết lòng. Bổn phận dâu con của một người phụ nữ sao tôi quên được. Nhiều lúc tưởng gục ngã, nhưng nhìn lại sợ mọi người bơ vơ nên tôi phải cố đứng dậy”.
Nhiều câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của những người con trong phần giao lưu tại lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo” khiến nhiều người không cầm được nước mắt – Ảnh: M.ĐỨC
Trong câu chuyện kể của Trần Thị Hồng Linh – cô sinh viên năm 3, khoa ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – liên tục có tiếng xuýt xoa của người nghe về hình ảnh cô gái trẻ dìu mẹ từng bước mỗi tháng đi chạy thận. Mỗi sáng Linh lại tất tả đi xe buýt gần 3 giờ vượt 60 km từ Củ Chi xuống Thủ Đức để học. Tan học cô lại vội vã chạy về nhà chăm sóc người mẹ bị suy thận đã năm năm.
Là sinh viên ĐHQG TP.HCM Hồng Linh có thể nội trú tại KTX để tiện việc học hành nhưng cô không làm thế vì: “Không có em bên cạnh mẹ em không yên tâm. Đêm nào về đến nhà cũng 9g tối nhưng em vẫn phải về”. Có đêm mệt quá, Hồng Linh ngủ nhờ nhà bà con để sáng mai đi học tiếp mà ngủ cũng không yên. “Đầu óc em để ở Củ Chi rồi” – Hồng Linh cười nói. Không ít người đã nghẹn ngào khi nghe câu trả lời mộc mạc của Hồng Linh về gánh nặng gia đình: “Em thấy cũng nặng thật, nhưng em hạnh phúc mỗi khi đỡ đần được chút gì cho gia đình mình. Bố em mất sớm, còn ba mẹ con phải đùm bọc lấy nhau. Nặng nhất là lứa heo sắp tới không lớn kịp để bán đưa mẹ đi chạy thận”.
341 gương hiếu thảo điển hình của TP.HCM được tuyên dương đại diện cho hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện cảm động khác về tình thân. Định nghĩa từ hiếu thảo với họ rất đơn sơ: là câu chuyện vui để mẹ thêm nụ cười mỗi ngày, là hằng đêm đấm bóp cho người mẹ bị bệnh tiểu đường nặng; hay với một nữ doanh nhân không thiếu tiền để thuê người giúp việc, chị vẫn gác lại công việc để về nhà tự tay xay cháo, đút cho người mẹ bị liệt giường đã 17 năm.
Với tất cả họ, hiếu thảo có cội nguồn từ tình thương yêu, cũng là cội nguồn cốt lõi để họ thành người.
MAI VINH