[MHX-2015] Biệt đội xe ôm Củ Chi
BIỆT ĐỘI XE ÔM CỦ CHI
Tôi viết cho họ – những người bạn, người đồng đội, người anh em mặt trận Củ Chi của tôi với những tình cảm chân thành và lòng yêu thương tràn đầy.
Mặt trân Củ Chi của chúng tôi gồm 5 nhà và 3 chiếc xe máy. Với việc xe máy “hẻo” như vậy thì việc di chuyển giữa các nhà hay ra nơi làm việc cũng gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy chúng tôi có “Biệt đội xe ôm” gồm 4 chàng trai duy nhất làm xế.
Tôi nhớ những buổi sáng sớm các chàng trai phải ghé từng nhà để “rước” ba, bốn cô gái đến nơi làm việc. Và tinh thần tuân thủ luật pháp nghiệm ngặt, mỗi lần các “xế” sẽ phải chở khoảng ba, bốn lần.
Tôi nhớ những buổi trưa chói chang hay chiều mưa gió, sau khi đi làm về người đầy mệt mỏi và khó chịu thì những chàng trai này thay vì được về nghỉ ngơi thì “tình nguyện” và “trách nhiệm” chở mọi người về nhà.
Tôi nhớ những bữa cơm thiếu đồ ăn hay bất kì thứ gì thì các chàng trai này lại bị điều động đi mua dù đó là trưa hè oi bức hay tối khuya đêm muộn.
Tôi nhớ những ngày làm đường vất vả, đôi lúc chỉ muốn buông xẻng và về nhà nghỉ ngơi thì họ – những thành viên biệt đội xe ôm lại vẫn phải tiếp tục công việc của mình
Tôi nhớ sự nguy hiểm khi di chuyển trên con đường tỉnh lộ 8, trong vòng 5 phút bạn có thể gặp ít nhất 3 chiếc xe tải đi song song mình cũng tiếng còi khiến bạn phải giật mình.
Anh Hiệp, Anh Thịnh, Khôi Kuro và Tuấn cá mập ( từ trái sang phải )
Tôi nhớ anh Hiệp – người chuyên gia “được” nhờ vả chở đi mua đồ hay đi đây đi đó vì anh rất hiền lành và vui tính. Có lần tối muộn anh cùng Nhàn – cô bé nhỏ con của nhà 3 đã phải chạy đi bưng nồi chè to bự nóng hổi ngay giữa tối khuya về cho đội. Dù bị nhờ vả đi đâu vào thời gian nào thì anh cũng sẵn sàng cùng với nụ cười trên môi.
Tôi nhớ Tuấn “cá mập” – chàng trai to con nhất đội kiêm Hội trưởng hội bim bim lúc nào cũng ngược xuôi để chở các thành viên trong nhà 4 về cũng như chở các thành viên nhà khác. Chở cô gái nhà 5 đi sửa điện thoại cách nhà 5, 6km hay chở cô gái nhà 1 đi mua bim bim cho thoả mãn sở thích ăn vặt của cô ấy là những điều hết sức bình thường với Tuấn. Có trưa chàng trai ấy bị bệnh nhưng vì đội lại “lết ra khỏi giường” và tiếp tục công việc của mình. Thương lắm chàng trai !
Tôi nhớ đội phó Khôi Kuro – chàng trai “lười ăn sáng” nhất đội. Những ngày đầu tiên, lịch làm việc còn lộn xộn và mọi người chưa vào nề nếp, chàng trai ấy đã phải dậy từ sáng sớm chạy đi chạy lại làm những việc không tên đến nỗi không kịp ăn ổ bánh mì lúc sáng mới mua. Lúc nào hắn cũng là người chạy những chuyến cuối cùng chở mọi người về nhà và là người trở về “hang” của mình trễ nhất đội.
Tôi nhớ anh đội trưởng Quốc Thịnh – người đàn ông duy nhất của nhà tôi. Vì nhiều lý do mà nhà tôi chỉ có 2 chiếc xe đạp cho 4 người. Vì vậy không như những chàng xe ôm khác của đội, phương tiện “ôm” của anh là xe đạp. Những ngày nắng nóng anh hì hụi chở tôi hay 2 đứa cùng nhà đi một đoạn đường xa đến nơi tập kết mà miệng không ngừng cười đùa, những chiều tà sau một ngày làm việc vất vả a hì hụi chở thành viên trong nhà về trên chiếc xe đạp cà tàng, vừa đi vừa sợ sút sên. Hay có những công việc đột xuất vào tối muộn thì anh lại phải xách xe đi dù chưa kịp có miếng cơm vào bụng. Đôi khi chúng tôi thèm ăn gì hay phải đi đâu vào tối thì anh lại tình nguyện chở đi vì sợ chúng tôi gặp nguy hiểm. Không chỉ vậy, khi thấy các nhà khác xe bị hỏng thì anh lại “lên đường” và làm công việc ” xe đạp ôm” dù bất kể thời gian nào. Anh vậy đấy, hỏi sao đội chúng tôi không thương.
Anh “xe ôm” Quốc Thịnh trong một tối “hành nghề”
Còn nhiều điều lắm mà tôi không thể kể hết được, những gian khó và sự vất vả của các thành viên biệt đội này không thể diễn tả bằng câu chữ. Hình ảnh những giọt mồ hôi rơi dài trên lưng thấm đẫm qua lớp áo khoác trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Cảm ơn các bạn, các chàng trai, các thành viên của “biệt đội xe ôm”. Xin tặng các bạn bài viết này thay cho lời cảm ơn của toàn bộ thành viên nữ trong đội. <3
Thường trực mặt trận Củ Chi _ Gấu