HƯỚNG DẪN
Thực hiện công trình thanh niên năm học 2014 – 2015

Căn cứ hướng dẫn số 55-HD/TĐTN-BKT ngày 15/12/2014 của Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh về hướng dẫn thực hiện công trình thanh niên. Căn cứ chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh năm học 2014 – 2015;
Ban Thường vụ Đoàn trường xây dựng hướng dẫn việc triển khai, đăng ký thực hiện, kiểm tra, giám sát và công nhận công trình thanh niên các cấp năm học 2014 – 2015 như sau:

I. CHỈ TIÊU:
1. 100% Đoàn khoa và chi Đoàn thực hiện ít nhất 01 công trình thanh niên trong năm học 2014 – 2015 và hoàn thành trước tháng 15/04/2015.
2. 100% Đoàn khoa, CLB, đội, nhóm cấp trường có ít nhất 01 công trình thanh niên cấp nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ đối với các Đoàn khoa là 5 năm 2 lần Đại hội, với các CLB, đội, nhóm cấp trường là 1 năm 1 lần.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN:
1. Công trình thanh niên (CTTN): do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện (nội dung công trình thanh niên do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện sẽ do tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn) nhằm tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên tham gia những việc làm thiết thực góp phần cùng địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị, khẳng định vai trò xung kích tình nguyện của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; qua đó giúp đoàn viên, thanh niên rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, ý thức vì tập thể, cộng đồng. Công trình thanh niên phải do tập thể đoàn viên, thanh niên của đơn vị thực hiện và phải có sản phẩm cụ thể.

2. Phân loại công trình thanh niên:
2.1. Theo cấp quản lý:
– CTTN có thể chia thành các cấp: CTTN cấp chi đoàn, CTTN cấp Đoàn cơ sở, CTTN cấp quận – huyện Đoàn và tương đương, CTTN cấp Thành phố. CTTN có thể được thực hiện với sự phối hợp của nhiều cơ sở Đoàn.
– Đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm duyệt kế hoạch thực hiện CTTN của cơ sở nhằm xác định tính chất, mức độ khả thi, mục tiêu công trình trước khi cơ sở triển khai thực hiện. Cấp bộ Đoàn nào duyệt kế hoạch thực hiện CTTN của cấp trực thuộc thì có trách nhiệm giám sát, đánh giá, công nhận kết quả thực hiện các CTTN đó. Đoàn cấp trên có quyền kiểm tra việc tổ chức thực hiện CTTN của Đoàn cấp dưới.

2.2. Theo tiến độ thời gian thực hiện:
– Công trình thanh niên của nhiệm kỳ: Là công trình thanh niên được Đại hội hoặc Hội nghị Đại biểu của các cấp bộ Đoàn đăng ký thực hiện trong nhiệm kỳ. Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn, các cấp bộ Đoàn xác lập thực hiện công trình thanh niên của nhiệm kỳ.

– Công trình thanh niên theo chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên của năm: Là công trình thanh niên được triển khai thực hiện hằng năm trên cơ sở định hướng theo chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn cấp trên và tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
* Lưu ý: Các cơ sở Đoàn có thể lựa chọn đăng ký tiếp tục thực hiện công trình thanh niên của năm trước đó trên cơ sở duy trì và bổ sung thực hiện những nội dung mới nhằm nâng cao giá trị, tính hiệu quả của công trình thanh niên.

– Công trình thanh niên ngắn hạn: Là công trình thanh niên được triển khai thực hiện trong thời gian từ 01 đến 03 tháng vào các đợt hoạt động cao điểm nhằm phát động phong trào thi đua trong đoàn viên, thanh niên ra sức hoàn thành nhiệm vụ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị

2.3. Theo nội dung công trình (đối với riêng khu vực Trường học)
* Nhóm công trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường, địa phương, đơn vị:
– Đăng ký thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu nhằm đổi mới phương pháp dạy học; nghiên cứu xây dựng các giáo cụ, thiết bị dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong học tập; trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thực hành xã hội; triển khai các công trình xây dựng văn hóa học đường.
– Đăng ký thực hiện các công trình thi đua học tốt, xây dựng động cơ học tập trong sáng và môi trường học tập chủ động, thân thiện, sáng tạo; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trước cổng trường; phòng, tránh, ngăn chặn bạo lực học đường; tăng mảng xanh trong lớp học, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp trong khuôn viên nhà trường.

* Nhóm công trình xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị:
– Tập trung các công trình xây dựng lớp học sạch đẹp, văn minh hiện đại, không nói tục chửi thề, xây dựng nếp sống văn minh học đường, các công trình tạo cảnh quan môi trường sư phạm sạch đẹp, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên… Đặc biệt là hỗ trợ cải tạo những phòng sinh hoạt CLB, đội, nhóm đang được Đoàn – Hội quản lý.

* Nhóm công trình thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: Tập trung các công trình truyền thông, nâng cao nhận thức góp phần làm thay đổi hành vi ứng xử của đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân thành phố về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công trình tái chế, phân loại rác thải, công trình cải tạo các tuyến kênh ô nhiễm, khơi thông dòng chảy, vệ sinh kênh rạch, giải tỏa các tụ điểm rác ô nhiễm, phát sinh. Công trình xây dựng tuyến đường, tuyến hẻm xanh – sạch – đẹp – an toàn, công trình xây dựng công viên không rác. Công trình tiết kiệm điện, nước, xây dựng không gian xanh, mảng xanh tại nơi làm việc, học tập.

* Nhóm công trình thực hiện an sinh xã hội:
– Đảm nhận, thực hiện các CTTN tham gia xây dựng nông thôn mới, như: nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ sản xuất, tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn; các giải pháp bảo vệ môi trường, trồng thêm cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các thiết chế văn hóa cho thanh thiếu nhi; phổ cập kiến thức cho thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa; bổ túc kiến thức ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu nhi, xây dựng nhà tình bạn tại địa phương; các công trình góp phần bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, dân tộc.
– Các hoạt động đi thăm, tặng quà đơn thuần, không để lại công trình có giá trị sử dụng hoặc hiệu quả lâu dài không được tính là công trình thanh niên.

* Nhóm công trình đồng hành cùng thanh niên trên đường mưu sinh lập nghiệp: Tập trung các công trình trợ vốn cho thanh niên tự thân lập nghiệp, xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ đoàn viên, thanh niên; các công trình tái tạo sức lao động cho công nhân, giúp đỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn; đầu tư các công trình hỗ trợ học nghề, nâng cao tay nghề cho thanh niên công nhân; các công trình hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, học bổng, nhà trọ, việc làm thêm cho học sinh, sinh viên.

* Nhóm công trình xây dựng Đoàn – Hội vững mạnh:
– Nghiên cứu chọn lựa những vấn đề còn hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng Đoàn – Hội để xây dựng công trình như: Công tác tập hợp thanh niên; đổi mới trong sinh hoạt chi đoàn, xây dựng chi đoàn kiểu mẫu, nâng cao năng lực cán bộ Đoàn – Hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng đoàn về chính trị tư tưởng…
– Ngoài các nhóm nội dung trên, tùy theo điều kiện đặc thù của từng đơn vị, các cơ sở Đoàn có thể chủ động xác lập các nội dung khác phù hợp, đảm bảo tính chất và các yêu cầu cần thiết của CTTN. Các công trình, phần việc làm theo lời Bác phải đảm bảo tiêu chí tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, góp phần giúp Đoàn viên, Hội viên, thanh niên tại đơn vị đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

3. Đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai thực hiện công trình thanh niên ở tất cả các cấp:
3.1. Được việc: Thể hiện được vai trò xung kích của lực lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên tại đơn vị góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn của nhà trường.
3.2. Được người: Mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên có thể phát huy năng lực cá nhân, khả năng sáng tạo; rèn luyện nhận thức chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức và khả năng làm việc tập thể, từ đó nâng cao chất lượng chung của các thành viên trong đơn vị.
3.3. Được tổ chức: Tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên, thanh niên cùng tham gia thực hiện công trình. Qua đó có thể phát hiện những nhân tố tích cực để xây dựng đội ngũ kế thừa, lực lượng đoàn viên ưu tú, thanh niên tiên tiến tại đơn vị. Đồng thời qua đó rèn luyện khả năng tổ chức, quản lý cho đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn – Hội vững mạnh, đồng thời tạo uy tín và thể hiện vai trò xung kích của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với xã hội.
3.4. Hiệu quả về kinh tế (nếu có): Kinh phí làm lợi từ CTTN có thể sử dụng để bổ sung cho hoạt động Đoàn tại cơ sở, kinh phí khen thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong quá trình thực hiện công trình thanh niên.

III. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH THANH NIÊN:
* Bước 1: Nghiên cứu chọn công trình và xây dựng kế hoạch thực hiện
– Căn cứ tình hình của địa phương, đơn vị trong năm, cơ sở Đoàn nghiên cứu khả năng thực hiện của lực lượng tham gia, các điều kiện đảm bảo để thực hiện công trình.
– Tiến hành thảo luận trong tập thể đoàn viên, thanh niên của đơn vị về nội dung, ý nghĩa của công trình.
– Trao đổi thống nhất cùng lãnh đạo đơn vị và các bộ phận có liên quan về yêu cầu, mục tiêu và điều kiện hỗ trợ thực hiện công trình.
– Bàn bạc và thống nhất nội dung cùng lực lượng tham gia.
– Phân công các cá nhân, bộ phận chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu để xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế.
– Hoàn thành kế hoạch tổ chức thực hiện.

* Bước 2: Ký kết hợp đồng trách nhiệm và đăng ký thực hiện
– Tổ chức ký kết cùng lãnh đạo đơn vị các nội dung:
+ Trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị là đảm bảo các điều kiện thực hiện công trình; có quy định về chế độ khen thưởng, động viên, cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng khi có sáng kiến, hiến kế mang lại hiệu quả tốt.
+ Trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN, Hội sinh viên là tuyên truyền cổ động, thực hiện và hoàn thành mục tiêu của công trình; đôn đốc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời và hiệu quả.
+ Việc ký kết hợp đồng trách nhiệm chỉ thực hiện khi công trình thanh niên trực tiếp gắn với sự phát triển của đơn vị, kết quả công trình do đơn vị thụ hưởng; các công trình có nội dung khác có thể không thực hiện ký kết hợp đồng trách nhiệm.
– Thành lập bộ máy điều hành: căn cứ vào quy mô tính chất của công trình để thành lập các bộ phận như ban chỉ đạo, ban chủ nhiệm, ban giám sát công trình… Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết như vật tư, vốn, phương tiện, thiết bị và cơ chế thực hiện…
– Tổ chức đăng ký thực hiện với Đoàn cấp trên trực tiếp, hồ sơ gồm: bản đăng ký công trình thanh niên, kế hoạch tổ chức thực hiện, quyết định hoặc bảng phân công trách nhiệm, văn bản đề nghị hỗ trợ (nếu có).

* Bước 3: Tổ chức thực hiện công trình
– Phát động phong trào thi đua, tạo động lực phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra. Công bố các định mức chỉ tiêu phấn đấu từng chặng, các hạng mục của công trình, vận động các bộ phận, lực lượng đăng ký thực hiện chỉ tiêu.
– Ban hành quy trình và áp dụng hình thức khen thưởng khi bộ phận hoặc cá nhân hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, có giải pháp tích cực cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc mang lại năng suất, hiệu quả cao.
– Theo dõi tiến độ thực hiện và cung ứng các điều kiện đảm bảo yêu cầu theo chặng, huy động ý kiến góp ý của các chuyên gia khi có vấn đề khó khăn phát sinh. Đánh giá, nhân rộng các kinh nghiệm, mô hình giải pháp tốt.

* Bước 4: Giám sát và kiểm tra quy trình thực hiện Công trình thanh niên (thực hiện song song cùng bước 2 và 3)
– Đối tượng thực hiện bước công tác này là Đoàn cấp trên trực tiếp cùng Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường. Tổ chức giám sát, kiểm tra rõ các nội dung cơ bản: lý do chọn công trình thanh niên, công tác triển khai, đăng ký thực hiện công trình thanh niên, hình thức tổ chức đăng ký, số lượng từng loại công trình thanh niên; phương thức tổ chức thực hiện; xác định hiệu quả công trình thanh niên; nhận xét đánh giá của lãnh đạo đơn vị hoặc các đơn vị thụ hưởng kết quả về công trình thanh niên của cơ sở Đoàn.
– Lưu ý: Nếu phát hiện việc tổ chức đăng ký thực hiện không đảm bảo tiêu chuẩn là công trình thanh niên thì Đoàn cấp trên trực tiếp không chấp thuận công trình thanh niên và yêu cầu thực hiện lại các nội dung đảm bảo theo tiêu chuẩn đã đề ra.
– Đoàn cấp trên trực tiếp sau khi kiểm tra mục đích, tính khả thi của công trình phải xác nhận các công trình thanh niên thực hiện trong năm học 2014 – 2015 của cơ sở Đoàn và chỉ đánh giá công nhận những công trình thanh niên được xác nhận.

* Bước 5: Tổ chức nghiệm thu, công nhận và tổng kết bàn giao
– Sau khi hoàn thành công trình theo tiến độ, cơ sở Đoàn báo cáo với lãnh đạo đơn vị và các bộ phận có liên quan kết quả thực hiện công trình, đề nghị nghiệm thu. Tiêu chí thẩm định, đánh giá và công nhận công trình thanh niên cần chú ý đến các yếu tố: hiệu quả về kinh tế, chuyên môn, xã hội, giáo dục, cơ chế. Tổ chức phân phối các nguồn lợi từ công trình, tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm.
– Đơn vị thực hiện CTTN phải báo cáo kết quả gửi về Đoàn cấp trên theo mẫu đính kèm (có gửi kèm hình ảnh minh chứng) thì mới được thẩm định và công nhận hoàn thành công trình. – Căn cứ vào báo cáo của cơ sở Đoàn, Đoàn trường chỉ thực hiện đánh giá, khen thưởng và bàn giao công trình đối với những công trình đảm bảo thực hiện đúng theo mẫu hướng dẫn và gửi đúng tiến độ về Đoàn trường.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Đối với các cơ sở Đoàn:
– Căn cứ hướng dẫn này, các Đoàn khoa triển khai cơ sở, tổ chức đăng ký và thực hiện CTTN theo chủ đề năm học 2014 – 2015. Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường tiến hành việc giám sát, kiểm tra việc triển khai, đăng ký thực hiện, tham gia trong quá trình thẩm định kết quả và đánh giá đề xuất CTTN đạt hiệu quả.
– Các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn trường gửi bảng tổng hợp đăng ký tất cả CTTN năm học 2014 – 2015 của đơn vị (Mẫu 01) về Văn phòng Đoàn trường chậm nhất ngày 15/01/2015.
– Báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất thẩm định công nhận CTTN năm học 2014 – 2015 (Mẫu 02) chậm nhất là ngày 15/04/2014.
2. Đối với cấp trường:
– Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ có trách nhiệm tham gia định hướng, góp ý việc triển khai thực hiện CTTN năm học 2014 – 2015 cho cơ sở; tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá và thẩm định CTTN tại cơ sở theo danh sách phân công.
– Phân công Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường là bộ phận thường trực trong việc tổng hợp số lượng CTTN cấp cơ sở đăng ký trong năm học; tham mưu kế hoạch tổ chức giám sát, kiểm tra, thẩm định và công nhận CTTN các cấp trong năm học 2014 – 2015.
3. Tiến độ thực hiện:

+ Tháng 12/2014 : Hướng dẫn việc triển khai thực hiện, các đơn vị cơ sở Đoàn xác định CTTN tại đơn vị và xây dựng kế hoạch tổ chức.
+ Ngày 15/01/2015 : Hạn chót nộp hồ sơ đăng ký thực hiện CTTN
+ Ngày 31/03/2015 : Hạn chót thực hiện và nộp báo cáo kết quả thực hiện CTTN năm học 2014 – 2015
+ Ngày 15/04/2015 : Hạn chót thực hiện và nộp báo cáo kết quả thực hiện công trình, phần việc làm theo lời Bác năm học 2014 – 2015
+ Tháng 04/2015 : Kiểm tra, thẩm định công trình và đề xuất công nhận.
+ Tháng 05/2014 : Đoàn trường tổ chức thẩm định và ra quyết định công nhận CTTN năm học 2014 – 2015

TM. BAN THƯỜNG VỤ ĐOÀN TRƯỜNG
PHÓ BÍ THƯ

Phạm Thanh Tân