Con đường khởi nghiệp chính thức trở lại tại Đại học Ngân hàng vào 18g00 ngày 8/11/2016 (thứ Ba) tại Hội trường Thủ Đức với một vị khách mời vô cùng đặc biệt

Khách mời đặc biệt sẽ là CEO Trần Hữu Đoàn – Phó TGĐ công ty cổ phần Gia Cát; CEO Chìa khóa Thành công – VTV1; người đã đồng hành cùng TS. Lê Thẩm Dương của ĐH Ngân hàng trong hầu hết các số ghi hình và có lẽ là người xuất hiện còn nhiều hơn thầy Dương trong show truyền hình này.

Từng là cán bộ Đoàn xuất sắc của tỉnh Đồng Tháp, học sinh giỏi cấp quốc gia, một trong những Đảng viên học sinh đầu tiên của cả nước, rồi đến Phó Bí thư thường trực Đoàn trường Đại học Ngoại Thương TP.HCM, CEO Trần Hữu Đoàn đã có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sôi nổi. Giờ đây, anh đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc kinh doanh của Gia Cát, một trong những công ty lớn nhất về dịch vụ Kế toán – Thuế tại Việt Nam. Anh tự nhận mình là người đam mê học hỏi để hoàn thiện bản thân. Những người từng biết đến anh đều cho rằng anh là con người của các hoạt động xã hội, con người của công việc, rất đa năng và đa tài. Mong muốn lớn nhất của anh là trở thành một CEO chuyên nghiệp.

CEO chuyên nghiệp được hiểu như thế nào thưa anh?

Nếu CEO là một chức vụ dành cho bất kỳ ai được bổ nhiệm thì CEO chuyên nghiệp không chỉ là một chức vụ mà còn là “Người hành nghề chuyên nghiệp”. Ở Việt Nam hiện nay, CEO thường được xem nặng về chức hơn về nghề, trong khi trên thế giới thì ngược lại.

Theo anh, để trở thành một CEO chuyên nghiệp cần những yếu tố nào ?

Trước hết, CEO cần phải có 3 chữ “T”: Tâm – Tầm – Tài. Đồng thời, còn phải có những tố chất cần thiết (chỉ số IQ, EQ, óc phán đoán, tư duy chiến lược…), có kiến thức nền tảng vững chắc về Quản trị (tài chính, nhân sự, rủi ro… ), trải nghiệm nhiều thứ (ngành, nghề, việc, môi trường và hoàn cảnh khác nhau) và phải có sức khoẻ tốt nữa.

Được biết, hiện nay anh đang điều hành công việc ở 3 công ty lớn với 3 ngành nghề hoàn toàn khác nhau và chẳng có vẻ gì liên quan gì đến ngành Ngoại Thương của anh. Tại sao vậy?

Chỉ có một chữ: DUYÊN. Cũng như ngày xưa, khi được tuyển thẳng vào ngành CNTT của Đại học Bách khoa, ai cũng nghĩ rằng tôi học ngành đó nhưng duyên số đưa đẩy cuối cùng tôi lại chọn học ĐH Ngoại Thương đấy thôi.

Còn làm việc ở 3 lĩnh vực khác nhau là do tôi muốn được trải nghiệm, được thử thách và được trui rèn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. “Ngọc bất trác bất thành khí” mà! (cười lớn)

Vừa rồi, anh đã đạt giải trong cuộc thi CEO – Chìa Khoá Thành Công 2013 trên VTV1, anh có thể chia sẻ thêm về cuộc thi này?

Đây là cuộc thi rất uy tín và đẳng cấp trong giới doanh nhân, quy tụ các CEO giỏi từ mọi miền đất nước. Cuộc thi là nơi để các doanh nhân chia sẻ những kiến thức về quản trị và cách điều hành doanh nghiệp cho hiệu quả. Tôi tham dự cuộc thi này cũng với mục đích được học hỏi và tích luỹ thêm kinh nghiệm từ các vị CEO tiền bối nhưng không ngờ vô tình lại đạt giải (cười).

Trước đây, anh từng được trường Ngoại Thương giữ lại, vậy sao anh lại từ chối và chọn con đường trở thành CEO chuyên nghiệp? Anh không thích công việc giảng dạy?

Đâu có. Rất thích nữa là khác! Nhưng chắc có “Duyên” nhưng không có “Nợ” rồi (cười). Hiện giờ tôi vẫn tham gia giảng dạy ở một số trường như: ĐH Nguyễn Tất Thành, Học viện Hàng không… Và tôi nghĩ nếu đi làm kinh doanh bên ngoài thì sẽ có nhiều kinh nghiệm thực tế phục vụ cho việc giảng dạy được tốt hơn. Tôi không thích giảng lý thuyết suông!

Công việc chính của anh là ở Công ty Kiểm toán Gia Cát. Ngoài ra, Anh còn là PGĐ Công ty Tuổi Trẻ 24 và đặc biệt giữ vị trí Phó TGĐ Công ty Ý Nhân với gần 3000 nhân viên. Vậy thời gian đâu để anh có thể thu xếp cho công việc và nghỉ ngơi?

Người CEO giỏi là người phải biết thu xếp, quản lý và sử dụng thời gian sao cho có hiệu quả nhất. Hiện giờ tôi vẫn còn thời gian để chơi đá bóng, tennis… mà. (cười lớn)

Anh có lời khuyên nào với các bạn trẻ không?

“Hãy sống có trách nhiệm với bản thân, với từng lời hứa, từng câu nói và hành động của chính mình. Hãy tạo dựng ước mơ và đừng bao giờ bỏ cuộc”.

Hãy luôn luôn học hỏi để hoàn thiện bản thân. “Nhận thức đúng + Định hướng đúng + Quyết định đúng = Thành công”.

Nguồn: http://thegioidanong.net/