banh-chung-tet-nguyen-dan

Những nôn nao trong lòng tôi khi ngày Tết cận kề không phải vì đó là dịp tụ tập vui chơi. Đi học xa nhà cả năm, tôi chỉ mong Tết như một kỳ nghỉ vài ngày, không công việc, không stress, không có những áp lực căng thẳng thường ngày…

Không chỉ là những hương sắc mùa xuân như cỏ cây, hoa lá và cả khí trời lành lạnh khiến tôi luôn cảm thấy yêu Tết, mà còn có cả hương xuân vô cùng đặc biệt – hương của tuổi mới. Tôi vẫn còn nguyên vẹn tình yêu dành cho mùa xuân, cho dù ai đó có than thở với tôi rằng họ đã già thêm tuổi nữa, hay Tết làm họ mệt mỏi với sự bận rộn chuẩn bị. Đối với tôi, Tết luôn chiếm lấy một bậc cảm xúc khó tả, đến nỗi lần nào qua đến mùng chín, mùng mười, tôi vẫn tiếc lắm: “Ước gì hôm nay là 30 tết nhỉ!”.

Một kỳ nghỉ ở ngay chính căn nhà thơ ấu của mình, bên gia đình, để thấy lòng thật bình yên, dù là một kỳ nghỉ không dài. Từ lúc đi học xa nhà, tết của tôi bao giờ cũng đi kèm với những vội vã, những ngày qua quá nhanh và những dự định chưa bao giờ làm kịp… Tôi thèm được sống trong bầu không khí của những ngày giáp Tết, khi mọi người lục tục dọn dẹp nhà cửa, sơn cửa, khoác cho căn nhà thường ngày của mình một màu áo mới. Tôi thích đi chợ hoa, đi sắm đồ mới, đi làm đẹp cùng mẹ nữa! Tôi thích căn nhà đầy màu vàng của hoa mai, hoa cúc, màu cam của những trái quất trên cành sai trĩu, hay màu hồng tươi của hoa đào và màu đỏ của phong bao lì xì… Làm sao thiếu được những đêm nấu bánh chưng, mẹ thức cả đêm canh bánh, tôi lại ngủ từ lúc nào không hay, khi tỉnh dậy đã thấy bánh được treo lên rồi… Từ bé đến lớn, năm nào cũng vậy.

Tết đối với mỗi người là một màu sắc riêng, là những cảm nhận và những kỉ niệm khác nhau. Có lẽ, cái Tết năm hai mươi tuổi, năm thứ hai học xa nhà đã mang đến cho tôi thêm cảm xúc. Bầu trời Sài Gòn trước tết nguyên đán hơn một tháng có lúc nắng đến nóng nực, nhưng cũng có khi trời trở lạnh se se. Ngoài đường, người ta vẫn vậy, vẫn vội vàng như đang mải mê tìm thứ gì đó để quên, dòng xe vẫn tấp nập, tiếng còi kêu inh ỏi. Nhưng… trong chuyển động nhanh và liên tục ấy, không biết có mấy ai nhìn thấy những em bé đang đi trên vỉa hè, có em đi bán lạc, có em đi bán vé số, có em nằm trong lòng những người đang chìa mũ về phía người đi đường xin từng đồng bạc lẻ. Các em cũng là một trang giấy trắng nhưng vô tình vì lí do nào đó bị bứt khỏi cuốn tập, các em cũng là những thiên thần bé nhỏ đáng yêu đang ẩn mình sau những gương mặt lem luốc, tay chân lấm lem, người đầy bụi đường… Có những lúc, một em nhỏ tầm năm, sáu tuổi mời mua vài tờ vé số, mắt rưng rưng làm tôi nghẹn lòng lắm! Tôi lại chợt nghĩ: “ Không biết Tết đến các em sẽ thế nào ?”.

5874ae5f-5349962c5e

(Ảnh: James Quang)

Quả thực, khi còn bé tôi luôn thấy mình thua thiệt bạn bè, nhưng thật ra, tôi còn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Khi chúng ta quá no căng vì bánh mứt ê hề, bánh tét đầy mâm, có bao giờ bạn nhìn thấy những trẻ em nghèo lượm từng cái lon, cái hộp giấy để tự làm bánh Tét cho thỏa niềm khao khát? Có những điều quá đỗi bình dị, đời thường như được ăn cái bánh chưng, bánh tét, được ăn dưa hấu, hạt dưa nhưng những điều đó lại trở thành mơ ước của trẻ em nghèo.

Giá như cuộc sống công bằng, cho các em tình yêu thương và niềm hạnh phúc giản đơn, để các em không phải thiếu ăn, thiếu mặc… Cho các em được đến trường, được cùng bạn bè vui chơi và học tập.

Giá như tôi có đôi bàn tay đủ lớn, che chở cho em những ngày nắng mưa khắc nghiệt!

Tết đối với chúng ta là điều gì đó rất ý nghĩa, mang đến sự sum vầy hạn phúc. Nhưng đâu đó sau cái bóng hạnh phúc ấy, vẫn còn những ánh mắt thơ ngây đang nhìn vào đó, với sự thèm thuồng vị Tết. Mong cho cuộc sống của các em sẽ tốt đẹp hơn, để cái Tết trở thành niềm vui trọn vẹn và ấm áp.

“Em như chim non chưa kịp biết bay.

Phải kiếm sống đêm ngày nơi phố vắng.

Bữa đói bữa no cuộc đời cay đắng.

Nuốt lệ vào lòng em chẳng oán than….”

 

Video: Tết của trẻ em nghèo.

Nguồn : Gấu Đỏ – ganketyeuthuong

B4T_Minh Hiền