“VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Thực hiện: Linh Thư)

Hình: Cơ sở 56 – Hoàng Diệu 2 – Thủ Đức của Trường ĐH Ngân hàng Tp. HCM

Với bề dày gần 40 năm hình thành và phát triển, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM là một trong những ngôi trường đào tạo và cung cấp nhiều thế hệ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực cho ngành ngân hàng nói riêng và các lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung. Những trang sử của Trường đã được nhiều thế hệ thầy và trò viết nên bằng trí tuệ, tâm đức, sự chắt chiu, ươm mầm từ những gì giản dị nhất, thân thương nhất bắt nguồn từ văn hóa mang “thương hiệu”: ĐH Ngân hàng. Những ngày này, khi dư âm của mùa Tết nhà giáo vẫn đong đầy, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với PGS, TS. Lý Hoàng Ánh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường – Người đã có gần 30 năm học tập, công tác tại trường và hiện đang lãnh đạo thực hiện kế tục sự nghiệp vẻ vang của Trường.

–         Xin chào Thầy! Dù ngày Hiến chương các nhà giáo đã qua nhưng chúng em vẫn chúc thầy thật nhiều niềm vui và sức khỏe.

–         Xin chân thành cảm ơn! Những ngày vừa qua, thầy, cô giáo của Trường đã được đón nhận những tình cảm thân tình, đầm ấm của các thế hệ học trò. Điều đó khiến những người làm thầy như chúng tôi vô cùng xúc động.

–         Đó là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, một nét đẹp cần được nâng niu, gìn giữ và phát huy tại trường ta, thưa thầy!

–         Chính xác, đó cũng là “văn hóa học đường” đấy!

–         Hẳn thầy luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến “văn hóa học đường” trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường. Thầy có thể cho chúng em hiểu “văn hóa học đường” tại trường ta được định hướng như thế nào không ạ?

–         Rất sẵn lòng!. Ngày nay, người ta thường hay nhắc đến cụm từ này trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng. Chắc các bạn cũng hiểu được một cách khái quát về nội hàm của vấn đề này rồi. Nó là hệ thống các chuẩn mực, giá trị để những người sống, làm việc và học tập trong môi trường này tự hình thành những cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động có ích, đẹp đẽ.

–         Vậy ở trường ta, “văn hóa học đường” được cụ thể hóa ra sao ạ?

–         Các nội dung cụ thể thì rất phong phú, đa dạng. Tôi chỉ xin khái quát thế này:

+ Một là, hệ thống cơ sở vật chất của Trường khang trang, hiện đại. Từ Hội trường lớn đến các giảng đường, thư viện, ký túc xá, căng – tin, nhà nghỉ giảng viên,…đều được xây dựng với qui mô và chất lượng đảm bảo, trang bị hệ thống công cụ hỗ trợ việc dạy và học đẩy đủ. Diện tích cây xanh che phủ trong khuôn viên Trường đủ đảm bảo góp phần lầm nên một môi trường “xanh” đúng nghĩa.

+ Hai là, môi trường giáo dục tại trường mang tính mô phạm cao. Nghĩa là chúng tôi đề cao văn hóa ứng xử trong nhà trường. Thầy, cô luôn là tấm  gương sáng cho sinh viên. Ở đây, sinh viên không chỉ lĩnh hội kiến thức mà còn được tự rèn luyện phẩm chất, nhân cách trong quá trình học tập và tham gia các phong trào.

–         Những vấn đề thầy vừa nêu cũng là mục tiêu hướng tới của nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Vậy để làm được những điều tốt đẹp nói trên, hẳn Thầy cũng như các thầy, cô giáo và sinh viên trong nhà trường đã phải nỗ lực rất nhiều. Thầy có thể cho biết thời gian vừa qua Trường đã thực hiện những nội dung gì để chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp học đường?

–         Nề nếp, kỷ cương của nhà trường không phải một sớm một chiều có thể chấn chỉnh được ngay. Chúng tôi cũng ý thức rằng, xét cho cùng, việc này phải được thực hiện trên tinh thần tự giác của mỗi sinh viên. Chúng tôi chỉ thực hiện các động thái nhằm định hướng cho sinh viên tự thực hiện với một thái độ tích cực, tự nguyện. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

–         Ví như chuyện nhà trường chủ trương mở cổng chính theo giờ qui định hay việc thống nhất về trang phục học đường,  thưa thầy?

–         Đúng như vậy. về việc mở, đóng cổng trường theo giờ quy định có 03 lý do cơ bản sau đây:

–         Thứ nhất, do các quán xá, hàng rong nhan nhản trước cổng trường với đủ thứ rác thải, tạo nên khung cảnh lộn xộn, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và trật tự mĩ quan trước cổng trường nói riêng cũng như đô thị nói chung trong nhiều năm qua. Thứ hai, việc làm này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn người ra, vào Trường, hạn chế tình trạng kẻ gian trà trộn để vào Trường hoạt động. Thứ 3, giúp hạn chế tình trạng đi dạy, đi học muộn của cả thầy và trò Nhà trường. Chúng tôi chủ trương chỉ mở cổng chính theo các khung thời gian qui định. Ngoài thời gian trên, sinh viên có thể di chuyển theo cổng phụ. Tuy nhiên, việc đóng – mở cổng hoàn toàn không cứng nhắc mà thực hiện linh hoạt. Ví dụ, buổi sáng có thể mở cổng trễ hơn 5 – 7 phút để những thầy, cô và sinh viên không may bị trễ xe buýt không cần phải đi cổng phụ, buổi trưa có thể mở cổng thêm 15 phút cho sinh viên ra, vào. Đồng thời, trường đã phối hợp với chính quyền địa phương lắp đèn chiếu sáng trên đường đi và tăng cường tuần tra, kiểm soát anh ninh để đảm bảo an toàn cho sinh viên đi lại vào buổi tối khi cổng chính đóng. Hiện nay, nhà xe ở cổng 16 sắp hoàn thành và bàn giao cho trường vào cuối tháng 11. Sinh viên sẽ được gửi xe ở nhà xe thuận tiện, khang trang và vào trường thuận lợi hơn. Vấn đề nào cũng có hai mặt. Mặt có lợi cho Nhà trường và sinh viên nhiều hơn sẽ được ưu tiên. Hiện tại, Nhà trường đã lắp các bình nước lọc trong các khu giảng đường để phục vụ sinh viên miễn phí và tăng cường khả năng cung cấp sản phẩm sạch, an toàn của các đơn vị cung cấp đồ ăn trong khuôn viên trường, hạn chế việc các em phải ra ngoài, ảnh hưởng đến giờ giấc học tập và mất thời gian đi lại. Đối vơi việc đón xe buýt 53 của sinh viên ngay cổng chính ở các khung giờ ngoài qui định, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có phương án tốt nhất cho sinh viên. Do đó, chúng tôi cũng rất cần thu nhận những ý kiến đóng góp chân thành và mang tính xây dựng từ sinh viên để phục vụ các em tốt hơn.

Về việc quy định trang phục học đường tại Trường, được áp dụng với cả thầy, cô giáo và sinh viên. Những bộ áo dài xanh nền nã có in logo trường hay nhưng bộ áo, váy lịch sự, nhã nhặn, phù hợp với khí hậu và điều kiện kinh tế của sinh viên là những sắc thái riêng của sinh viên Trường nhiều thế hệ. Chúng tôi mong muốn định hướng cho sinh viên của mình lộ trình bước vào một môi trường làm việc mang tính chuyên nghiệp cao sau này. Do đó, trang phục không đúng qui định hoặc phản cảm khi vào lớp là điều hết sức tối kỵ. Sắp tới, trường sẽ bố trí Phòng thay đồ để sinh viên ngoại trú thay hoặc chỉnh trang trang phục trước khi vào lớp học.

–         Vậy sinh viên của Trường đã tiếp nhận những chủ trương này với thái độ như thế nào ạ?

–          Thời gian đầu do chưa quen nên sinh viên cũng có ý kiến phản ánh. Cái gì cũng cần có thời gian, tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên, cho đến giờ này, mọi thứ theo tôi là khá ổn. Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, trên 80% sinh viên được hỏi đồng thuận việc mặc đồng phục vào 02 ngày trong 1 tuần để quen dần với nề nếp theo hướng công sở khi đi làm và đa số vẫn đề nghị giữ nguyên mẫu đồng phục truyền thống để tạo nét riêng cho sinh viên Trường. Một số ý kiến góp ý về mẫu mã, chất liệu và kiểu dáng,… Tỉ lệ sinh viên hoàn toàn không đồng thuận việc mặc đồng phục rất thấp. Như vậy, vấn đề của nhà trường bây giờ là khảo sát diện rộng ý kiến của sinh viên để có cách thức điều chỉnh theo hướng vừa đảm bảo mĩ quan, vừa tiện lợi, phù hợp với sinh viên.

–         Em tâm đắc nhất với ý kiến:  Việc gì cũng cần có thời gian và lộ trình của thầy. Vấn đề là nhà trường và sinh viên cùng đồng thuận. Chúc thầy và Nhà trường sẽ luôn gặt hái nhiều thành công trong chiến lược trồng người cao quý. Cảm ơn Thầy đã chia sẻ!