Tôi có một tình yêu mang tên Trường Sa
Từ ngày 05/05/2011 đến ngày 17/05/2011, tôi tham gia đoàn “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2011 do TW Đoàn tổ chức đến với 12 điểm đảo và nhà dàn DK tại Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ Quốc.
“Chưa đi chưa biết Trường Sa
Đi rồi mới biết họ già hơn ta”.
Không phải những người lính ấy già về bề ngoài và thật sự họ rất “già” về ý chí và sự can đảm. Chỉ nhìn cuộc sống của họ thôi cũng đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cuộc sống tôi và mọi người đang có ở đất liền.
Trong 12 điểm đảo và nhà dàn tôi đã đi qua thì chỉ có 2 đảo có dân sinh sống: Sinh Tử Tây và Trường Sa. Còn lại các đảo nổi, đảo chìm cũng như nhà dàn thì chỉ có lính hải quân. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống của lính đảo đã được cải thiện nhiều. Tuy không thể bằng với đất liền nhưng trong bữa ăn vẫn có rau xanh các anh tự trồng, lâu lâu vẫn có cá tươi các anh bắt được nhưng khẩu phần chính trong các bữa ăn vẫn là đồ hộp: cá hộp, thịt hộp, dưa leo hộp, măng hộp… cứ như vậy mà các anh sống quanh năm suốt tháng.
Về mặt sinh hoạt cũng tương đối tốt, các anh có sân bóng đá, bóng chuyền để giải trí, có nước ngọt để sinh hoạt tuy vẫn còn hạn chế nhưng đó cũng là một cố gắng rất lớn của Nhà nước, toàn quân và toàn dân trên đảo.
Tuy sống ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy để làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền của Tổ Quốc, cuộc sống của các anh không thiếu thốn gì cả nhưng thiếu thốn nhất là tình cảm đất liền. Ở nơi đó, rất khó nhận được thư của đất liền, chỉ là thư của chiến sĩ viết cho nhau, rồi làm thơ tặng nhau, hay hát cho nhau nghe để vơi đi nổi nhớ nhà.
Mỗi lần có tàu từ đất liền ra thăm là các anh mừng lắm, mừng như được gặp người thân. Ở biển chăng có gì làm quà, các anh bắt từng con ốc, nhặt từng cành san hô để dành, khi nào có đoàn ra thăm đẩo thì lại tặng, xem như là một phần của Trường Sa được về với đất liền. Có một chiến sĩ tâm sự với tôi rằng:” Mỗi lần có đoàn ra thăm thì em lại muốn về đất liền, em nhớ nhà lắm, nhưng mà nghĩ lại em lại muốn ở đây vì nếu em về thì có bạn khác lại ra, dù sao em cũng quen rồi, em cũng thích cuộc sống ấm áp tình đồng đội ở đây”. Tôi thật sự không biết phải nói gì với lời tâm sự của em nữa, em cao cả và can đảm hơn tôi nghĩ, nơi ấy không chỉ có em mà còn có nhiều người như em cũng nghĩ như vậy, họ chính là những người lính hải quân Việt Nam.
Trên hành trình của chúng tôi, qua vùng biển Len Đao và Phúc Tần chúng tôi tham gia hai lễ viếng các chiến sĩ hải quân đã hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 và các chiến sĩ nhà dàn đã hi sinh trong cơn bảo 1994 và 1998. Các anh ra đi mãi trên vùng biển của quê hương mà cúng chỉ kịp nói câu: Vĩnh biệt đất liền! rồi chìm sâu vào lòng biển. Điếu văn của Tư lệnh hải quân để tưởng niệm phút giây ấy đã làm chúng rất xúc động.
Quá khứ là quá khứ, tương lai còn ở phía trước. Chúng ta, mổi người cùng góp một phần nhỏ để xấy dựng Trường Sa: một lá thư cho chiến sĩ, một lời động viên cho người ở đảo xa, hay mang một nắm đất từ đất liền ra đảo như bạn Ngô Phan Hà Châu thì thật vô cùng ý nghĩa.
12 ngày là số ngày tôi lênh đênh trên biển, cũng là số ngày tôi suy nghĩ rất nhiều về mọi thứ. Các anh lính đảo đã dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. Ký ức những ngày đó còn mãi, nó dần lớn lên và hình thành trong tôi một tình yêu tha thiết về Trường Sa, về vùng biển bao la của Tổ Quốc có máu và nước mắt của các anh.
Thân gửi các anh lời chúc sức khỏe và bình yên.
Nhớ, Trường Sa!
Tp.HCM, ngày 20/5/2011
Lưu Ngọc Trang – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM