Trên quả đất có một ngôi nhà như thế…

Nơi chúng tôi ở là một căn nhà cấp 4 bình thường…
Nó chỉ là một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa mênh mông rừng núi.
Nó chỉ là một căn nhà xanh đọt chuối với một phòng lớn, một phòng nhỏ, một giá sách màu hồng cỏn con…
Nó chỉ là một căn nhà như bao căn nhà khác ở cái ấp Pa Pếch này..
Nhưng nó lại là căn nhà đặc biệt nhất, độc đáo nhất, quái lạ nhất. Dám cá là cả cái ấp Pa Pếch này chẳng có căn nhà nào như căn nhà này cả!
Độc đáo ở chỗ nó là nơi có nhiều “nhân khẩu” nhất. Là trụ sở chính của “biệt đội thanh niên tình nguyện” gồm 16 đội viên mà tất cả đều tự nhận đội mình kiêm luôn cả giải ăn nhiều, nghịch ngợm và ở dơ nhất xóm.

Căn nhà ấy là nơi “tấp nập” bậc nhất ở ấp Pa Pếch này. Từ sáng đến tối phải gọi là nườm nượp lũ trẻ đến học, chơi, mượn sách. Người lớn đến thăm hỏi, chính quyền đến động viên, cho quà.Vì thế cho nên các chiến sĩ luôn phải hoạt động không ngớt, căn nhà cứ ê a tiếng đánh vần, tiếng cười nói. Đêm đêm về thì lại rì rầm tiếng chút than thật nhẹ vì bị đau cổ, mỏi miệng, nhức lưng, mỏi chân.
Ngôi nhà đó còn chiếm lĩnh cả chức “đệ nhất ồn ào” của xóm. Sáng tinh mơ đã nghe tiếng gọi dậy thật rõ của đội trưởng, bè sau là chút phàn nàn“ Sao mà dậy sớm vậy hở, biết vậy tối qua ngủ sớm cho rồi”. Hay tiếc nuối bảo hồi tối mình mơ kho được nồi cá ngon bá cháy nghen luôn, vừa gắp được miếng cá vào chén thì bị kêu dậy. Đến trưa thì tụi con nít đi cạo mủ cao su về, thế là căn nhà ầm ĩ tiếng la hét chơi đùa, chiều thì ê a tiếng đọc, tiếng cười đùa của chúng, đôi khi có thêm cả tiếng nói cười của người lớn vừa học vừa chăm con. Tối tối lại có những buổi liên hoan văn nghệ, múa lân, ca múa náo nhiệt.
Ngoài sự ầm ĩ trên thì căn nhà còn tồn tại thường trực những sự rộn ràng khác nữa. Tiếng la hét, trêu chọc, cười đùa của “biệt đội” cứ đến đúng khung giờ lại thi nhau vang lên.
Náo nhiệt nhất là những buổi nấu ăn, có nấu ăn thì cần phải có thực phẩm, mà muốn có thực phẩm thì phải đi chợ. Chợ cách nhà 2km, lại phải đi bộ, cho nên cái công đoạn này nó chiếm nhiều thời gian vô cùng. Người đi chợ mà cứ phân vân chọn món làm kẻ ở nhà phải nói là đói rêm người. Thực phẩm đến thì cuộc vui nó cũng bắt đầu, “cho củi vô”, “nhóm củi kiểu gì thế hả?”, “rút ra đi, nồi cơm nó khét rồi kìa”, “cơm chưa chín mà, sao lại đem vô đây?”, “ai nấu cơm mà nhão vậy?”, “đem mấy cái quạt ra coi, cay mắt quá!”, “bịch muối đâu rồi?”, ” nghe có mùi khét khét rồi nha. Có biến!”, ” Đem nồi cơm ra mấy đứa ơi”, “Nhóc này làm đổ bịch đường rồi. Tối nay ăn muối không nha!”

Căn nhà ấy cũng là nơi hội tụ nhiều “thần thánh” nhất xóm, nếu không muốn nói là nhất quả đất. Từ thần lửa, thần chặt củi, chị em thần nước, thần đi chợ… cho đến cả thần vệ sinh toa-lét! Cứ nổi trội ở lĩnh vực nào là được “phong thánh” hết cả! Tuỳ theo sự thăng trầm của tay nghề mà việc “phế truất” hay “trúng tuyển” của các “thần” cũng liên miên diễn ra. Giả dụ như mấy ngày cuối cùng đồ bơm nước bị hư, cho nên chị em thần nước cứ thế mà phi nhau “hạ giới” hết thảy..

Ngoài sự đa dạng về “thần thánh” thì ngôi nhà còn phong phú về các ban, hội. Từ ban xây dựng, ban ý tưởng, ban nấu ăn, hội những người chả bao giờ nhóm bếp được… cho đến ban nô tì với số thành viên lên đến chín người. Công việc thì cứ nhìn vào tên mà suy ra, ban nấu ăn thì tất nhiên là… làm bếp, ban xây dựng thì thầu khoán hết mấy việc xây lắp. Còn hội những người chả bao giờ nhóm bếp được thì sinh ra để đối đầu với ban nấu ăn, vì thành viên của hội mà ló đầu vào bếp thì y như rằng sau đó phải hì hục nhóm bếp lại… Mạnh mẽ nhất phải gọi là ban nô tì, để xứng với số lượng thành viên tầm cỡ như vậy thì sứ mệnh cũng thật là cao cả: rửa chén, giặt đồ, phơi đồ, nấu ăn, dọn dẹp…. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng ban nô tì tự hào là ban có thế lực nhất (vì chiếm hơn nửa thành viên của đội), có phương hướng rõ ràng nhất (đàn áp hết các ban, hội khác), mục đích chân chính nhất (nhà sạch, cơm ngon, quần áo thơm tho), ban ca hay nhất (“ban nô tì tiến lên”)…

Căn nhà ấy là nơi sinh hoạt văn nghệ rộn ràng nhất. Không thiếu những đêm mà tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát xập xình vang lên. Có những đêm hát sinh hoạt với thanh niên của ấp, có những đêm hát để vui chơi giải trí, có những đêm hát để “cho có việc làm” và cũng chả thiếu những đêm “hát cho đỡ sợ”…

Trên quả đất có một căn nhà như thế
Chẳng bề thế
Chả khang trang
Lại ồn ào
Nhưng lại là nơi vui nhất
Tình cảm nhất
Yêu thương nhất
Đoàn kết nhất

Tôi về rồi nhưng câu hát vẫn cứ mãi âm vang trong tâm trí. Tạm biệt rừng núi, tạm biệt ngôi nhà thân thương. Rồi sẽ có ngày gặp lại mà thôi, Bình Phước nhé !

B4T_Anh Kiệt