Hội thảo chuyên đề ” Bí quyết phỏng vấn thành công và chinh phục nhà tuyển dụng”
BÍ QUYẾT PHỎNG VẤN THÀNH CÔNG VÀ CHINH PHỤC NHÀ TUYỂN DỤNG
[DHNH_BTTTT] Ngày hội việc làm sinh viên Ngân Hàng qua nhiều lần tổ chức đã tạo được lòng tin và sự yêu mến của đông đảo các bạn sinh viên. Tiếp nối thành công đó, 13h30 ngày 10/5/2014, tại giảng đường A006, ban tổ chức ngày hội việc làm sinh viên ngân hàng lần VII – năm 2014 phối hợp với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank tổ chức chuyên đề kỹ năng nghề nghiệp mang tên “Bí quyết phỏng vấn thành công và chinh phục nhà tuyển dụng”.
Với rất nhiều sinh viên mới ra trường, phỏng vấn xin việc luôn là một thử thách nhiều áp lực bởi sự non nớt về kinh nghiệm và sự thiếu tự tin về một mặt nào đó. Với mong muốn tạo cơ hội cho các bạn sinh viên năm 3, 4 nói riêng và toàn thể sinh viên nói chung có cơ hội được tiếp xúc và gặp gỡ, trao đổi với các nhà tuyển dụng đến từ các ngân hàng lớn; từ đó học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn và có cơ hội được tham gia phỏng vấn trực tiếp, chương trfnh được tổ chức nhằm giúp các bạn sinh viên định hướng các kiến thức kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai và đặc biệt là kích thích sự tự rèn luyện trong sinh viên, định hình cái tôi cá nhân, qua đó giúp tạo dấu ấn riêng trong buổi phỏng vấn.
Đến tham dự buổi thảo, về phía đơn vị tài trợ có sự hiện diện của anh Phạm Phú Công – Giám đốc tuyển dụng Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam; anh Lê Thanh – Giảng viên cơ hữu Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam; về phía ban tổ chức có sự hiện diện của thạc sĩ Lâm Thị Kim Lên – Trưởng Phòng Công tác chính trị sinh viên , thành viên Ban chỉ đạo, trưởng ban tổ chức ngày hội.
Nói về ấn tượng của mình về sinh viên Ngân Hàng, anh Phạm Chí Công chia sẻ: “Năm ngoái, trong ngày hội sinh viên Ngân Hàng, chúng tô đã tổ chức một buổi hội thảo và có phản hồi rất tốt từ các bạn sinh viên. Tỷ lệ sinh viên Ngân Hàng chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng nhân viên Techcombank ở khu vực phía Nam. Cho đến hiện tại, tôi rất hài lòng về sinh viên Ngân Hàng”.
Buổi hội thảo chia ra thành 2 phần là bí quyết phỏng vấn do anh Lê Thanh – Giảng viên cơ hữu của ngân hàng Techcombank đồng thời cũng là cựu sinh viên Ngân Hàng diễn thuyết và phần 2 là cách thức chinh phục nhà tuyển dụng do anh Phạm Chí Công diễn thuyết.
Theo bạn, thế nào là bí quyết chuẩn bị trước cho phỏng vấn thành công? Anh Lê Thanh chia sẻ: “Phỏng vấn cũng giống như đánh giặc, biết giặc biết ta tram trận tram thắng. Nghĩa là chúng ta chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn thì xác suất thắng lợi cao hơn. Nghê thuât của chiến tranh là chuẩn bị. Thành công trong chuẩn bị là chuẩn bị để thành công. Nếu không chuẩn bi thì chúng ta chuẩn bị cho sự thất bại”.
Tại buổi hội thảo, anh cũng chia sẻ các cách thức gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Với nhà tuyển dụng, họ sẽ cảm nhận các ứng cử viên thông qua: How we look? What we say? What we do?
Để trả lời cho câu hỏi “How we look?”, anh Thanh đưa ra lời khuyên về cách chọn trang phục phù hợp cho một cuộc phỏng vấn: Quần tây (váy)/áo sơ mi/vest; giầy tây/giầy cao gót; tóc cắt cao, gọn/cột tóc cao; móng tay cắt ngắn/không sơn móng tay; trang điểm nhẹ và các ứng cử viên nên mặc trang phục giống người trong tổ chức đang tuyển dụng để tạo sự gần gũi, thân thiện.
“What we say?” Nhà tuyển dụng sẽ có thiện cảm hơn với những ứng cử viên thành thật. Các ứng cử viên không nên viết “một cuốn tiểu thuyết” về mình, phải biết lựa chọn những thông tin thích hợp nhất để nói và “không điều gì thuyết phục người khác bằng sự chân thành”
Và kết thúc phần trình bày của mình, anh Lê Thanh giúp các bạn sinh viên trả lời câu hỏi “What we do?”. Anh Thanh chia sẻ: “Trong một cuộc phỏng vấn ngắn như thế, các bạn sẽ hỏi làm thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng, “Làm thế nào để nhà tuyển dụng biết khả năng cũng như kinh nghiệm của mình?” thì anh xin nói rằng, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng cử viên thông qua ngôn ngữ hình thể”. Anh đưa ra cho các bạn sinh viên những tư thế cần tránh khi đi xin việc như: liên tục xem đồng hồ, vội vàng vì sợ trễ giờ; đến muộn; tám chuyện cùng các ứng cử viên khác; làm việc cá nhân; ngáp và anh cũng khuyên nên phát huy những tư thế như cầm theo quyển sổ và cây bút, ghi nhận lại những câu hỏi do nhà tuyển dụng đặt ra; chú ý chào hỏi, bắt tay, giao tiếp bằng mắt và nói năng lễ phép, đúng mực.
Đại diện Ban tổ chức, cô Lâm Thị Kim Liên và đại diện đơn vị tài trợ Techcombank anh Phạm Phú Công trao tặng hoa cho nhau.
Phát biểu tại hội thảo, cô Lâm Thị Kim Liên chia sẻ: “Tôi rất vui và hào hứng khi đông đảo các bạn sinh viên tham gia chuyên đề. Điều này chứng tỏ sức hút của ngân hàng, tầm vóc của ngân hàn và sự thành công của ngày hội. Kỹ năng của con người cần phải hội nhập và hoàn thiện từng ngày. Trong công cuộc đổi mới đất nước cần có kiến thức cứng lẫn kỹ năng mềm. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng cử viên thông qua các kiến thức cứng và kỹ năng mềm sinh viên được trang bị. Vây nên, Nhà trường đã tổ chức ngày hội sinh viên Ngân Hàng nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Chúc buổi hội thảo thành công tốt đẹp. Chúc nhà tuyển dụng tuyển được sinh viên có chất lượng, gặp nhau ở một điểm đến nào đó chất lượng và tầm vóc, chất lương của sinh viên và tầm vóc của nhà tuyển dụng. Thay mặt nhà trường, tôi xin chúc ngày hội thành công, chúc nhà tuyển dụng và sinh viên đạt được nhiều sức khỏe”.
Phần chuyên đề của mình, anh Phạm Phú Công đã đổi không khí buổi hội thảo chuyên đề thành chuyên mục hỏi đáp khiến các bạn sinh viên rất phấn khởi và vui vẻ. Khá nhiều câu hỏi được đặt ra và anh Công lần lượt giải đáp các câu hỏi cho các bạn sinh viên.
Anh Phạm Phú Công giải đáp câu hỏi cho các bạn sinh viên.
Hỏi: Các nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng cử viên giới thiệu về bản thân mình. Vậy theo anh, mình nên giới thiệu như thế nào?
Đáp: Theo tôi, bạn nên trả lời đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nghĩa là giới thiệu đúng về bản thân mình. Ví dụ như là “Xin chào các anh, chị, anh chị có thể gọi em là Công. Em là sinh viên ĐH Ngân Hàng vừa tốt nghiệp năm rồi loại xuất sắc. Trong thời gian học tập, em đã làm nhân viên bán thời gian. Em xin tuyển vào vị trí nhân viên tín dụng và em tin rằng em sẽ làm tốt công việc này”.
Hỏi: Theo anh, thời gian bao lâu cho một câu trả lời là hợp lý?
Đáp: Không có công thức chung cho việc trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Hãy luôn nói về những điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe, tránh nói miên man, dài dòng và không có ý nghĩa.
Hỏi: Thông thường, các nhà tuyển dung thường hỏi các ứng viên về điểm mạnh, điểm yếu. Tuy nhiên, điểm mạnh thì dễ nói nhưng điểm yếu thì khó vì có thể làm mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Theo anh, chúng ta nên trả lời như thế nào và có nên nói là mình không muốn trả lời câu hỏi này không?
Đáp: Không nên nói rằng mình không muốn trả lời câu hỏi này. Theo tôi, bạn có thể nói những điểm yếu mà nhà tuyển dụng đã biết như bạn chưa có kinh nghiệm, nói những điểm yếu bạn có thể khắc phục trong thời gian tới hoặc những điểm yếu có thể là những điểm tốt ở phương diện nào đó. Tránh nói rằng bạn không có điểm yếu nào. Điều đó chứng tỏ bạn không thành thật hoặc quá tự cao.
Hỏi: Theo anh, mình nên trả lời như thế nào cho câu hỏi: “Tại sao tôi phải chọn bạn?”
Đáp: Đây là cơ hội cho bạn một lần nữa chứng minh lại năng lực bản thân cho nhà tuyển dụng biết. Bạn phải nắm rõ yêu cầu của vị trí tuyển dụng, nắm rõ điểm nào cá nhân có thể đáp ứng được yêu cầu và nói cho nhà tuyển dụng.
Hỏi: Em muốn hỏi cách trả lời cho câu hỏi “Anh chị muốn lương bao nhiêu?” Theo anh, nên đưa ra con số chính xác không?
Đáp: Nếu bạn biết được con số chính xác, bạn có thể nói ra. Chúng ta chỉ sợ con số không chính xác hoặc là cao quá, hoặc là thấp quá. Trong trường hợp này, bạn có thể trả lời: “Em tin ngân hàng của anh chị có hệ thống lương nhất định. Và mong thời gian đầu em sẽ nhận đúng mức lương theo quy định. Điều em quan tâm hơn là bao lâu thì em có thể tăng lương?”
Hỏi: Cuối buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ hỏi: “Em có điều gì muốn hỏi các anh, chị ở đây không?” Theo anh, mình nên đặt câu hỏi như thế nào để nhà tuyển dụng đánh giá cao?
Đáp: Nếu bạn có câu hỏi phù hợp thì cứ đặt, đừng đặt những câu hỏi vô nghĩa, điều đó chẳng những không ghi được điểm mà còn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Hỏi: Làm thế nào để thắng vòng phỏng vấn nhóm?
Đáp: 4 tiêu chí nhà tuyển dụng nhận xét là bạn làm việc nhóm như thế nào, cách bạn xử lý tình huống ra sao, bạn lắng nghe ý kiến của người khác như thế nào và cuối cùng là tính chủ động của bạn khi phỏng vấn nhóm.
Hỏi: Yêu cầu về chiều cao, ngoại hình có phải là tiêu chuẩn nhất định cho các ngân hàng?
Đáp: Các vị trí giao dịch viên luôn yêu cầu về ngoại hình. Nếu bạn không có ngoại hình, ban có thể ứng cử vào vị trí văn phòng. Tuy vậy, tiêu chí ngoại hình không phải là đẹp mà là chất duyên, phong cách trang phục, giao tiếp.
Hỏi: Theo anh, sau khi phỏng vấn có nên gửi thư cảm ơn đến người phỏng vấn không?
Đáp: Chúng ta nên gửi thư phỏng vấn đến người phỏng vấn nhưng phải viết phù hợp, đây cũng là cơ hội cho bạn khẳng định lại mình rất muốn vào làm ở ngân hàng và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Buổi hội thảo kết thúc một cách tốt đẹp với sự tiếc nuối của các bạn sinh viên. Hy vọng rằng, nhà trường sẽ tạo điều kiện tổ chức them nhiều hoạt động bổ ích và thiết thực, trang bị kỹ năng mềm để các bạn sinh viên Ngân Hàng có một hành trang vững chắc bước vào đời và chinh phục thành công mọi nhà tuyển dụng.
Nội dung: B4T_Phương Anh