Buổi đối thoại giữa nhà trường và sinh viên
BUỔI ĐỐI THOẠI GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ SINH VIÊN
[B4T_ĐHNH] Thực hiện qui chế dân chủ trong nhà trường, các qui định của BGD&ĐT về công tác sinh viên, tạo kênh thông tin trực tiếp giúp Lãnh Đạo nhà trường hiểu được tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến đề xuất, đồng thời giải đáp thắc mắc kịp thời cho sinh viên, vừa qua ngày 10/6/2014, trường ĐHNH TPHCM tổ chức buổi đối thoại giữa nhà trường với sinh viên năm học 2013 – 2014. Buổi tọa đàm thực sự đã thu hút được sự quan tâm và đóng góp của đông đảo các bạn sinh viên.
Đến tham dự buổi đối thoại, về phía Đảng Ủy BGH nhà trường gồm có: PGS.TS Lý Hoàng Ánh – Bí thư Đảng Ủy, Hiệu Trưởng nhà trường; TS. Lê Sĩ Đồng – phó Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu Trưởng; Th.Sĩ Lê Tấn Phát – Phó Hiệu Trưởng nhà trường; PGS.TS Đoàn Thanh Hà – Thường Vụ Đảng Ủy và cùng đại diện các thầy cô là lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung Tâm, Tạp Chí và các đơn vị khác thuộc nhà trường.
Nội dung của buổi đối thoại gồm 3 phần: thứ nhất, chủ tọa đàm giới thiệu và thông qua nội quy và cách thức tổ chức buổi đối thoại; thứ hai là phần giải đáp trực tiếp thắc mắc của các bạn sinh viên mà nhà trường đã tiếp nhận được thông qua các kên online, các lớp, các CLB đội, nhóm; cuối cùng là những chia sẻ, đối thoại giữa nhà trường và sinh viên.
Bắt đầu cho buổi tọa đàm, thầy Lý Hoàng Ánh (Hiệu trưởng nhà trường) lên phát biểu lí do của chương trình. Tiếp theo, TS. Trần Mai Ước tổng hợp những nội dung chính mà các bạn sinh viên đã kiến nghị lên các kênh thông tin chính thông trong nhà trường. Theo thầy, có 43 ý kiến lớn và cơ bản đều được phân phối và liên quan đến các Phòng, Ban chức năng trực tiếp trong nhà trường. Một số câu hỏi nổi bật được đưa ra:
Liên quan đến phòng Đào Tạo có một số ý kiến như sau: “Nhà trường nên bố trí, sắp xếp trình tự các môn học hợp lí hơn bởi những môn liên quan đến anh văn chuyên ngành thì nên để sinh viên tiếp cận các môn chuyên ngành trước khi học môn này, nhà trường cũng nên thay đổi giáo trình anh văn để có sự cập nhật mới hơn”, “những môn chuyên ngành nên giảng bằng tiếng việt để sinh viên nắm bắt rõ hơn”, “sắp xếp lại lịch bố trí cho những môn học và việc thay đổi giảng viên cho cùng 1 môn học gây ra những khó khăn trong việc tiếp thu của sinh viên”…..
Liên quan đến phòng Khảo Thí thì đa số các bạn sinh viên chỉ có một yêu cầu duy nhất là xin bỏ ngân hàng đề thi.
Đối với phòng Tài Chính – Kế Toán, nổi bật là 2 vấn đề lớn: “Phòng Tài Chính – Kế Toán nên kiểm tra lại hệ thống trong trường hợp sinh viên mất biên lai nhưng mà vẫn đóng tiền học phí”, “vì sao học phí học lại, học vượt, học cải thiện lại cao hơn học chính thức?”.
Về phía phòng Công Tác Chính Trị Sinh Viên gồm có 2 nội dung chính: “Nhà trường cần đề ra phương pháp và giải pháp cụ thể để bắt sinh viên thực hiện nghiêm túc đồng phục trong nhà trường”, “điểm rèn luyện của sinh viên nên cập nhật trên website cho tất cả học kì để sinh viên kịp nắm bắt và cặp nhật”.
Đối với phòng Quản Trị Tài Sản có những câu hỏi quan trọng như: “Nên có cơ chế quản lí xe của các công nhân ra vào trong trường để đảm bảo an toàn cho tính mạng sinh viên”, “bãi giữ xe ở cổng số 16 không đủ chỗ, để xe tràn ra ngoài, không có mái che, dễ làm hư hỏng xe”, “KTX hay cúp điện và cúp nước, đề nghị BQL KTX cần hạn chế tình trạng này vì nhu cầu điện nước rất cần thiết đối với các bạn sinh viên”.
Liên quan đến Hội Sinh Viên – Đoàn trường: “Việc mất sổ Đoàn có ảnh hưởng gì đến việc ra trường của sinh viên không?”.
Vấn đề liên quan đến Thư viện nhà trường, gồm có câu hỏi quan trọng như: “đầu sách của nhà trường nên phong phú và đa dạng hơn”. “hệ thống wifi trong nhà trường còn yếu” – đó là một câu hỏi duy nhất liên quan đến phòng quản lí Công Nghệ Thông Tin trong nhà trường.
Liên quan đến khoa Lí Luận Chính Trị, đa phần các bạn sinh viên đề có một yêu cầu chung là: “cần có sự thay đổi về cách thức và hình thức thi, nên chuyển từ đề đóng sang đề mở, từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm”….
Trước khi các phòng, ban trả lời thông tin, giải đáp thắc mắc cho các bạn sinh viên là phần trao đổi trực tiếp giữa sinh viên và Ban Lãnh Đạo nhà trường. Nổi bật là những câu hỏi như: “Một số bạn thắc mắc tại sao buổi tối công trình không thi công nhưng tại sao nhà trường lại không mở cổng số 17” (đại diện KTX khu M5); “HKI vừa rồi em có học môn Marketing nghiệp vụ tài chính nhưng không hiểu sao phòng đào tạo lại xóa điểm thi môn này trên trang cá nhân, mong PĐT xác nhận lại điều này” (một bạn nam lớp D9H27KT03); “Thời gian qua, đội văn nghệ xung kích tập ở sảnh A rồi qua khu K và hiện tại là tập ở sảnh GĐC (ảnh hưởng đến giờ nghỉ trưa của mọi người), thưa thầy có thể hỗ trợ cho tụi em một phòng để có thể an tâm hoạt động?” (đại diện đội văn nghệ xung kích).
Tiếp tục buổi tọa đàm, thầy Phan Ngọc Minh lên trả lời những giải đáp thắc mắc cho sinh viên, nổi bật một số câu trả lời như: “Liên quan đến khoa anh văn, dưới góc độ bảng điểm học vụ có 2 vấn đề đó là việc liên quan đến giáo trình anh văn và những giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành bằng tiếng anh thì nên giảng bằng tiếng việt, trong cuộc họp liên quan đến vấn đề xây dựng và đổi mới trong nhà trường thì nhà trường cũng có buổi làm việc với khoa và có hướng điều chỉnh dưới góc độ chuyên môn. Việc quy đổi điểm TOEIC cho phần av1, av2, av3, av4, BGH đã có quyết định cụ thể của nó, theo đó thì từ khóa 27 trở đi, việc sử dụng chứng chỉ TOEIC chỉ mang ý nghĩa để xét điều kiện công nhận tốt nghiệp, sắp tới, nhà trường có bước cải tiến là từ khóa 30 trở đi, không còn tổ chức giảng dạy Av1, av2, av3, av4 nữa, mà chỉ còn tiếng anh chuyên ngành để đưa vào chương trình đào tạo chính thức, còn tất cả kĩ năng ngoại ngữ, tin học là do sinh viên tự tích lũy bên ngoài hoặc thông qua trung tâm ngoại ngữ, tin học trong trường”, “Vấn đề quy đổi điểm tiếng anh thì đã có trường hợp sử dụng chứng chỉ TOEIC giả nên nhà trường sẽ tổ chức kiểm định lại từng chứng chỉ TOEIC gửi lên PĐT để công nhận tốt nghiệp”, “liên quan đến việc huy động sinh viên thực hiện công tác coi thi tuyển sinh, trước hết, quan đểm của nhà trường là chỉ sử dụng cán bộ, công nhân viên chức của nhà trường để đáp ứng nhu cầu coi thi trong kì thi tuyển sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng năm, do số lượng thí sinh tăng lên, nên nhà trường huy động thêm các sinh viên năm cuối, một số trường hợp đặc biệt thì sử dụng sinh viên năm 3 là những cán bộ Đoàn, Hội”…
Để tiếp tục cho buổi tọa đàm, Th.S Lâm Thị Kim Liên giải đáp thắc mắc cho sinh viên về những vấn đề lớn như: thứ nhất, về vấn đề đồng phục thì mỗi cá nhân nên nêu cao tinh thần tự giác, ý thức và trách nhiệm của cá nhân, và đấy là điều quan trọng nhất; thứ hai, về vấn đề điểm rèn luyện, các bạn sinh viên nên cần tích cự tham gia hoạt động phong trào trên cơ sở tự nguyện, tích cực phát huy tính năng động của sinh viên Ngân Hàng, bên cạnh đó, liên quan đến điểm rèn luyện của sinh viên, chỉ cần vào trang “tín chỉ khóa 27”, vào mục “xem điểm” là đã hiện lên kết quả học tập, điểm rèn luyện và xếp loại học lực của sinh viên. Liên quan đến vấn đề ở KTX, đại diện Ban Quan Lí KTX đã trả lời những thắc mắc do các bạn sinh viên nêu ra, đồng thời, thầy cũng giải thích thêm là tất cả những sự cố về nước trong thời gian qua là do thiết bị máy móc bị hư nên rất mong nhận được sự thông cảm của sinh viên. Cuối cùng, đại diện phòng Tài Chính – Kế Toán lên trả lời các thắc mắc của sinh viên như sau: “Trường ĐHNH là một trường công lập, học phí tính theo múc quy định của Nhà nước, tuy nhiên, học phí học lại, học cải thiện, học vượt thì tính theo cơ chế tự thu chi của nhà trường. Khi học vượt thì học phí được bảo lưu và sang học kì sau sẽ trừ lại học phí mà bạn đã đóng trong hè”.
Buổi tọa đàm khép lại sau hơn 2 giờ hoạt động nhưng ý nghĩa của nó là rất lớn đối với các bạn sinh viên. Thay mặt cho tất cả sinh viên nhà trường, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám Hiệu nhà trường, quí thầy cô đã dành chút thời gian quí báu đề lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp thắc mắc kịp thời cho sinh viên, xin chúc sức khỏa và thành công đến thầy cô cùng toàn thể mọi người. Xin trân trọng cảm ơn!
B4T_HỒ NGỌC MINH THƯ