Đi tìm phong cách cán bộ Đoàn (Kỳ 1: Băn khoăn nhận diện thủ lĩnh)
TT – Cho rằng việc xây dựng phong cách cán bộ Đoàn là cần thiết, song nhiều cán bộ Đoàn chủ chốt của TP.HCM lại tỏ rõ băn khoăn về việc chọn lựa tiêu chí và làm sao để cuộc vận động không hình thức.
Đâu sẽ là hình ảnh thủ lĩnh thanh niên, phẩm chất nào cần có cho một cán bộ Đoàn của một TP năng động như TP.HCM?
Những dấu hỏi lớn này được đặt ra trong cuộc vận động xây dựng phong cách cán bộ Đoàn do Thành đoàn TP.HCM chính thức triển khai mới đây.
“Thành đoàn nên có đợt khảo sát về thực trạng cán bộ Đoàn TP hiện tại để xem cái gì được, điểm nào chưa đảm bảo. Từ đó mới có thể định ra bộ tiêu chí cũng như giải pháp cần có cho cuộc vận động này” – anh Nguyễn Trường Giang (Đoàn khối Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phát biểu tại hội nghị cán bộ Đoàn chủ chốt của TP.HCM được Thành đoàn tổ chức mới đây tại Cần Giờ.
Đâu là phong cách?
Theo anh Giang, song song cuộc khảo sát đó còn phải lấy ý kiến thăm dò cán bộ Đoàn, đoàn viên tại cơ sở để biết các bạn đánh giá cán bộ Đoàn cơ sở ra sao, vì nếu chỉ có cán bộ Đoàn tự xác định e sẽ khó sát thực tế. Theo anh Lê Thanh Điền (Công ty dược Sài Gòn), hình ảnh cán bộ Đoàn hiện nay có phần phai nhạt, không thật sự hấp dẫn thanh niên là do đầu vào của cán bộ còn yếu, bị động nhiều mặt.
Giáo viên Trường Đoàn Lý Tự Trọng Bùi Quan Mảnh cho rằng mỗi cán bộ Đoàn trước khi tham gia cuộc vận động cần tự kiểm điểm mình một cách trung thực, có vậy mới tìm ra giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế để dần hình thành phong cách.
Dựa trên tám nhóm tiêu chí tạm được xác định, chị Vũ Yến Oanh (Quận đoàn 8 ) đề nghị phải xác định rõ không chỉ gương mẫu trong công việc, cán bộ Đoàn cần phải gương mẫu ngay cả trong cuộc sống hằng ngày mới mong trở thành tấm gương, có sức hút với những bạn trẻ khác.
Trong khi đó, anh Trần Nguyễn Quang Hiển (Quận đoàn Phú Nhuận) nhấn mạnh phải quan tâm đến vấn đề tư tưởng, suy nghĩ và chuyện phát ngôn của cán bộ Đoàn trên Internet vì đây cũng là kênh giao tiếp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Hay đề xuất rất cụ thể của nhiều anh chị trong các tiêu chí nhất thiết phải có việc cấm cán bộ Đoàn dùng bia rượu trong quá trình làm việc, giờ hành chính.
Nhìn từ góc khác, anh Nguyễn Đoàn Thế Hùng (Quận đoàn 2) nêu ý kiến: “Cần phải đưa trình độ chuyên môn thành một trong những tiêu chí khi xây dựng phong cách cán bộ Đoàn của một TP lớn với những chuyển động nhanh của xã hội, trong mặt bằng chung của trình độ thanh niên như TP.HCM”.
Còn anh Đinh Hồng Vân (Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM) lưu ý nên tính toán hợp lý để có sự tương đồng giữa các tiêu chí cuộc vận động với những quy định về chuẩn đối với một cán bộ Đoàn (đã được quy định trong quy chế cán bộ Đoàn do Thành ủy TP.HCM mới ban hành).
Đánh giá thực chất
Khá nhiều phát biểu đặt vấn đề sẽ đánh giá cán bộ tham gia cuộc vận động thế nào, và nếu có trường hợp nào đó không đạt yêu cầu sẽ xử lý ra sao. “Biện pháp chế tài là gì nếu cán bộ Đoàn thực hiện không đạt, thậm chí vi phạm tiêu chí nào đó của cuộc vận động?” – anh Thế Hùng (Quận đoàn 2) đặt vấn đề. Cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Trường Sơn (Quận đoàn 10) nêu câu hỏi: “Ngoài các biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm thì cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện của cán bộ Đoàn sẽ như thế nào, do ai làm?”.
Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cùng gặp nhau ở suy nghĩ không nên quá nặng nề việc đánh giá đạt hay không đạt, mà nên thấy rằng cuộc vận động là cơ hội để mỗi cán bộ Đoàn TP tự nhìn nhận lại mình trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nên xem cuộc vận động như một cách để chỉnh đốn những biểu hiện chưa đẹp, xây dựng chuẩn để nâng cao hình ảnh người cán bộ Đoàn TP. Do vậy nên khuyến khích và để mỗi cán bộ Đoàn tham gia một cách tự nguyện, thậm chí còn có đề nghị không nên thiết lập chế tài với những trường hợp chưa đạt.
Chị Vũ Yến Oanh (Quận đoàn 8 ) hiến kế: “Tôi thấy mỗi năm nên tổ chức 1-2 đợt kiểm tra năng lực cán bộ Đoàn, kiểm điểm vai trò của tập thể lãnh đạo các cấp bộ Đoàn để đánh giá đúng năng lực cán bộ, cũng là để kịp thời khắc phục những phát sinh nếu có”.
Anh Lê Hoàng Minh (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đề nghị tổ chức tuyên dương và nếu được có thể tặng huy hiệu “cán bộ Đoàn đích thực” cho những cán bộ Đoàn có tác phong đẹp. “Để làm gương, mỗi cán bộ cơ quan chuyên trách Thành đoàn phải là người đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện cuộc vận động này” – anh Trường Sơn (Quận đoàn 10) đề đạt.
Tác phong nhanh nhẹn, hiện đại để tương thích với sự phát triển của thanh niên đang trở thành yêu cầu trong phong cách cần có của cán bộ Đoàn TP hiện nay. Trong ảnh: cán bộ Đoàn – Hội TP.HCM trong một hội thi nghi thức – Ảnh: Q.Nguyên
Quốc Nguyên – Theo TTO
Tám nhóm tiêu chí
Gương mẫu, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ – biết làm, gần gũi – gắn bó mật thiết với thanh niên, ham học hỏi và có kỹ năng phù hợp là tám nhóm tiêu chí được Thành đoàn TP.HCM xác định trong kế hoạch xây dựng phong cách cán bộ Đoàn TP. Cán bộ Đoàn từ cấp chi đoàn trở lên là đối tượng tham gia cuộc vận động. Mỗi cán bộ sẽ đăng ký rèn luyện theo các tiêu chuẩn nêu trên, đối chiếu với những hạn chế, khiếm khuyết của bản thân để xác định nội dung cần khắc phục, phấn đấu thực hiện sao cho qua cuộc vận động này sẽ xây dựng được hình ảnh đẹp của người thủ lĩnh trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của TP. |