Hình

Tôi đã e ngại với đôi tay ấy! Đôi bàn tay nhăn nhúm của tuổi già, đôi bàn tay vượt thời gian và bám đầy đất bẩn – thứ lẽ ra không nên có ở một người bán hàng ăn uống. Đang tần ngần trước đôi quang gánh để suy nghĩ có nên mua gì không, tôi đã giật mình vì tên đứng bên cạnh. Hắn ta để đầu ba phân, vắt hẳn 2 điếu thuốc lên tai, cái quần bò như đã lâu chưa giặt được xắn lên tới gối và đôi dép lê mòn gót để lộ đôi bàn chân đen ngòm bụi đường.

“Ê bà già cân cho nhánh chuối coi” cái cách sỗ sàng đáng ghét làm mọi người xung quanh giật mình, chán nản. Có lẽ “đồ đầu đinh – dây thần kinh – thắt bính” mà người ta vẫn nói vui với nhau là có thật. Bà cụ hình như nghe chẳng được mấy rõ ràng, vừa run lại líu ríu, cười cười hỏi lại. Ngay khoảnh khắc ấy, tim tôi đã chệch một nhịp – có lẽ, vì nụ cười đó. Nụ cười đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn thấy, nụ cười móm mém như của ngoại ngày xưa, nụ cười hiền từ theo tôi suốt những ngày hè thơ bé. Trong phút chốc, cảm giác được nằm trọn trong vòng tay ngoại như ùa về, như ngưng đọng trong kí ức. Phải rồi, tay ngoại cũng nhăn nheo, cũng tảo tần sớm tối. Và chao ôi, tất cả những gì tốt đẹp vừa hình thành đã biến mất khi cái giọng ồm ồm của hắn ta lại một lần nữa cất lên. Bạn biết gì không? Hắn mua chuối nhưng chưa trả tiền thì 2 quả chuối đã nằm gọn trong miệng, trợn đôi mắt trắng dã, hắn ăn ngon lành rồi thả vỏ đánh bẹp xuống đất. Bất giác, hình ảnh Chí Phèo đâu đó thấp thoáng trong suy nghĩ làm tôi rùng mình. Tôi nán lại, không phải vì hứng thú, cũng chẳng vì hiếu kỳ, nán lại chỉ để biết chắc rằng hắn có trả tiền cho bà cụ bán hàng. Mặc kệ bà xua tay, hắn vẫn cứ bóc chuối, dằn tay đưa bà ăn. Thật sự với tôi, hành động này sẽ thân thương biết mấy nếu nó được thực hiện bởi một ai khác không phải tên mặt đen đầu đinh ngay trước mặt. Rồi cũng với cái vẻ mạnh bạo ấy hắn đặt cả nhánh chuối còn lại vào tay bà, gằn giọng ra lệnh cho bà ăn đi. Vừa nói hắn vừa dốc hết mấy cái túi quần, kéo ra những tờ tiền nhàu nát “để tui ba ngàn mua thuốc hút, còn cho bà hết”. Nét mặt bà cụ tần ngần như vẫn chưa hiểu gì thì hắn nói nho nhỏ, như nói với chính bản thân mình “mà bà giống má tui ở nhà, bả chết rồi, tui sai với bả nhiều quá…” câu nói như nhỏ dần rồi nghẹn lại. Lúc này, tôi vô cùng bất ngờ với những việc đang diễn ra trước mắt, có lẽ quá đột ngột cho sự thay đổi ấy. Cái mặt đăm đăm hung dữ vừa nãy biến dạng, méo xệch đi chất chứa điều gì đó vô hình nhưng buồn rười rượi. Tôi đang đợi, có thể là đôi mắt đỏ hoe, có thể là sự dịu dàng gượng ép từ trái tim đang vỡ vụn của đứa con trai lỡ vụt mất thương yêu của mẹ. Nhưng không! Xoay lưng, cái dáng vẻ cô đơn ấy lầm lũi bước đi, gánh gồng cả thanh xuân cằn cỗi, muộn phiền.

Nét ngạc nhiên vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, bà cụ với theo: “Con trai, mày đưa dư tiền rồi đây nè !” Có lẽ bà chẳng nghe được hết câu chuyện đâu, và cũng có lẽ tôi là người nghe rõ nhất và nhận nhiều nhất trong buổi sáng hôm ấy. Nhận lại nụ cười ngỡ đã bị thời gian vùi lấp, nhận giùm yêu thương đã muộn của một đứa con chưa ngoan, nhận ra bài học nhân ái của lòng người. Rằng là, cái vẻ bề ngoài nhiều khi chẳng nói lên điều gì cả. Sẽ thật khó để hiểu phía sau lớp vỏ bọc hằn học, cà chớn kia là đôi tay mỏi mệt cố gắng bấu víu hạnh phúc. Rằng là sự hối hận dù có đến muộn vẫn sẽ có giá trị nhất định nếu nó được xuất phát từ trái tim chân thành. Vâng, hạnh phúc giữa đời thường lắm lúc là câu chuyện mang tên phép thử. Nếu không thử chậm lại nhìn mọi thứ xung quanh, không thử lắng nghe thanh âm từ người khác, hóa ra cuộc sống vội vàng. Nếu cứ hời hợt giữa bộn bề, chối bỏ hạnh phúc gia đình hoặc cứ mãi mang trong mình những tổn thương, mất mát đã qua thì sẽ thật khó để viết lên câu chuyện khác cho cuộc đời. Bên đôi quang gánh cũ kỹ sáng hôm ấy, dù nét vẽ có đôi chút nguệch ngoạc nhưng bức tranh tình người vẫn hiện lên rực rỡ màu yêu thương ấm áp.

B4T_Bún