Bài giải Nhất:

HAI MƯƠI TUỔI XUÂN

Những ngày đầu tháng ba năm nay đến cũng là lúc tôi vừa tròn hai mươi tuổi. Tuổi hai mươi- cái tuổi vừa mở ra cho tôi một chân trời mới đầy khao khát và ước vọng, vừa gợi lại trong tôi về một thời đã qua, về những gì mình đã làm được cho quãng đời thanh xuân đầy sôi nổi. Tuổi hai mươi- lòng tôi rạo rực bao cảm xúc thật khó tả, một chút tự hào, một chút tiếc nuối và cả một chút hy vọng…Những gì đã qua là hành trang để tôi bước tiếp vào cuộc đời đầy chông gai phía trước.

Tuổi hai mươi- tôi giờ đây đã là một sinh viên năm ba của trường Đại Học Ngân Hàng Tp.HCM. Cảm nhận dường như mình lớn hơn, trưởng thành hơn và không còn là cô bé học cấp ba nhút nhát như ngày nào nữa. Là một sinh viên ngoại ngữ, tôi đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi mới bước vào trường. Nhưng rồi tôi đã vượt qua được chính bản thân mình để trở nên dạn dĩ hơn, hòa đồng hơn với môi trường học tập đầy mới mẻ và cuộc sống xa nhà. Cũng chính tại nơi đây, khi mà không còn được ở bên tổ ấm gia đình yêu thương, tôi thực sự được rèn luyện trở thành con người mới, và được trải nghiệm niềm đam mê, niềm vui cống hiến sức trẻ của mình cho đất nước.

Tuổi hai mươi- Tôi vẫn lưu giữ trong tâm trí những cảm xúc nguyên vẹn về buổi xuất quân chiến dịch Xuân Tình Nguyện 2010. Tôi nhớ chuyến xe từ Đại Học Ngân Hàng xuôi về vùng đất Củ Chi xa lạ. Tôi nhớ 5 ngày ngắn ngủi mà 14 thành viên đội chúng tôi bên nhau trong những ngày tiết xuân đang đến thật gần. Tôi nhớ những bữa cơm, dù đạm bạc nhưng đầy tình đoàn kết chan hòa trong đội. Tôi nhớ những buổi tối tập văn nghệ cùng nhau để chuẩn bị cho buổi biểu diễn cuối năm . Và tôi nhớ cả những đêm giao lưu cùng với thanh niên địa phương đầy tiếng cười đùa không ngớt…Để rồi từ đó, tôi cảm nhận được những tình cảm thân ái, lòng yêu thương nhau chân thành giữa những con người đầy xa lạ…Chúng tôi vẫn giữ lại cho nhau bao kỉ niệm khó quên về một mùa xuân tình nguyện và hơn hết là một tình bạn còn thắm chặt đến tận bây giờ.

Tuổi hai mươi- Lần thứ hai tôi được khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện xông pha ra mặt trận Tây Ninh trong chiến dịch Mùa hè xanh 2010. Một tháng làm tình nguyện tại đây, tôi lại cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình đồng đội, tình bạn bè gần gũi thân thiết. Vùng đất Tây Ninh, còn nhớ với cái nắng như thiêu như đốt, những cơn mưa bất chợt làm bao con đường làng thêm lầy lội. Nhưng tất cả cảm giác lạ lẫm, tất cả những khó khăn trước mắt đó qua nhanh khi chúng tôi bắt gặp bao khuôn mặt em thơ đầy hồn nhiên, trong sáng. Cổng trường im ắng ngày hè, giờ lại được rộng mở đón chào các anh chị chiến sỹ tình nguyện, lại ê a tiếng đọc bài buổi trưa hè, lại rộn ràng tiếng cười nói những giờ ra chơi…Bao kỉ niệm cứ ùa về trong tâm trí tôi, bồi hồi mà day dứt. Trong bao nụ cười đó, tôi thấy hình ảnh mình, thấy quê hương mình, sao còn bao cảnh nghèo khó, sao còn bao niềm vui nho nhỏ cần được sẻ chia. Những gì chúng tôi đã làm chỉ là một phần nào, chỉ là một làn gió tươi mới thoảng qua nơi vùng quê tẻ nhạt, yên ắng ngày hè. Những gì chúng tôi đã làm không nhiều, nhưng quan trọng hơn cả đó là tình cảm gắn bó, tình yêu quê hương đất nước dạt dào trong tôi, cùng một lời hứa hẹn rằng chúng tôi phải còn cố gắng hơn nhiều để góp công xây dựng Tổ quốc.

Tuổi hai mươi- Tôi đã biết sống là cần phải sẻ chia. Bởi khi cho là nhận, mà khi nhận cũng là cho. Hạnh phúc chỉ đến thực sự khi mình làm được việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Hai mươi tuổi xuân của tôi qua đi, để một phút lắng lại, nhìn lại mình, nhìn lại những gì đã qua, tự hào vì một chút chín chắn, nhưng nuối tiếc vì mình đã không nổ lực được nhiều hơn. Tuổi trẻ chính là cống hiến, sống không chỉ cho mình mà là vì niềm vui của người khác nữa. Tuổi trẻ chính là niềm tin vào lí tưởng đã chọn, để không sa ngã vào lối sống mù mờ đầy cám dỗ trong dòng xoáy cuộc đời phức tạp, xô bồ. Giờ đây, tôi có thể viết tiếp tuổi hai mươi, bằng nhiệt huyết của tuổi hai mươi, bằng niềm tin, niềm đam mê, vô tư mà không chút đòi hỏi đền đáp. Còn nhớ câu hát “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”- câu hát như lời trái tim thổn thức, ươm mầm một hy vọng, một quyết tâm cần phải hy sinh và hành động nhiều hơn nữa cho quê hương yêu dấu.

Ơi tuổi hai mươi – tôi sẽ còn bước tiếp…

Lê Trần Diễm – ĐH24AV04

Bài giải Nhì:

KHOẢNH KHẮC

Là con một trong gia đình, từ nhỏ đã được cha mẹ dành cho những thứ tốt nhất, đẹp nhất và chưa bao giờ biết chia sẻ những thứ mình có cho bất kì ai, chưa bao giờ nghĩ đến những thứ mình nói hay làm sẽ làm tổn thương người khác như thế nào. Tôi, hai năm về trước: Ích kỉ, khép kín và tự cao. Sẽ cứ là như thế nếu tôi không tham gia vào hoạt động xã hội của Đoàn trường Ngân Hàng Thành phố Hồ Chí Minh – mái trường đại học mà tôi thầm nhớ mãi vì đã thay đổi con người tôi, định hướng cho tôi một cách nghĩ, một lẽ sống cho bản thân. Đó là chuyến đi Vui Trung thu cùng các em ở một trường khiếm thị ở huyện Bình Chánh.

Chúng tôi tập trung trước cổng trường dưới cái nắng oi bức của một buổi trưa mùa hè. Mồ hôi nhễ nhại, tôi của ngày ấy – người duy nhất không tự nguyện tham gia trong chuyến đi này, cau có tìm cách thoái lui nhưng cuối cùng vẫn phải cùng cả lớp xuất phát.

Đến nơi, vì là lần đầu tiên tham gia hoạt động như thế này, nên bạn nào cũng lóng nga lóng ngóng trước cửa cho đến lúc các Sơ bước ra dẫn vào thì chúng tôi mới e dè nối đuôi nhau bước vào phòng sinh hoạt của các em. Điều bất ngờ, các em đón chào với nụ cười thật tươi trên môi và tràng pháo tay tưởng như không muốn dứt sau lời giới thiệu của Sơ Chi. Mọi bỡ ngỡ như tan biến, hoà vào niềm vui, chúng tôi cùng hát vang “Bài ca sinh viên Ngân Hàng” trong tiếng vỗ tay phụ hoạ của các em. Em Hiền, 7 tuổi – đã làm chúng tôi tròn mắt “tâm phục, khẩu phục” khi hát đáp lại bằng hai bài hát: “Tự nguyện” và bài hát tiếng Anh “Alphabet” trong tiếng đệm đàn Organ của Tuấn và Guitar của Hùng cũng chỉ mới 12 tuổi. Không khí buổi giao lưu như sôi động hẳn lên, sự tự tin và vui tươi của các em khiến chúng tôi không có một khoảng cách nào. Một tiếng động lạ kèm theo một tiếng “úi”- tất cả cùng nhìn về một hướng, thì ra bé Oanh, 5 tuổi – mới được gia đình gửi vào vài ngày trước, do chưa quen không gian nên bị ngã. Các em lớn kịp thời đỡ bé, nhiều tiếng xuýt xoa như thương cảm và cái vỗ nhẹ của Sơ làm bé không khóc, cố nhoẽn miệng cười gượng gạo vì đau. Sau hoạt động hát giao lưu, chúng tôi đan xen với các em, nắm tay nhau thành một vòng tròn lớn với cuộc chơi do thầy chủ nhiệm quản trò. Thầy giáo nghiêm nghị trên giảng đường nhưng giờ đây lại rất hoà đồng và cũng… “xì tin” nữa. Chúng tôi và các em la hét, cười đùa thoả sức với trò chơi “Muỗi đốt” làm vang vọng cả một sân trường vốn thường tĩnh lặng.

Đến giờ vệ sinh trường vào cuối tuần, do đã quen với công việc quét dọn vật dụng ở các phòng trong tiếng cười nói, hỏi han nhau. Chúng tôi cùng giúp nhưng không hiệu quả, vì luôn làm vướng chân và sắp xếp không đúng nơi để các vật dụng. Trong lòng tôi lúc ấy như có cảm xúc lạ: Các em tự tin, vẫn vui vẻ, quan tâm đến nhau với ý chí vượt khó để sống cùng mọi người. Sơ Huyền mời chúng tôi sang nơi khác để các em tự làm, sẽ dễ hơn.

Chúng tôi đến thăm Sơ Giám đốc nhà trường bệnh đang nằm điều trị tại phòng riêng. Đón chúng tôi là Thuyên và Cảnh, mời chúng tôi vào ghế ngồi, hai em tự pha trà và đáp lời về bệnh tình của Sơ Thảo rất tỉ mỉ, chứng tỏ Sơ đã được chăm sóc bằng cả tấm lòng của các em, điều mà các Sơ không buộc phải đáp đền, tôi nghĩ, trước mắt các Sơ đã được báo đáp một cách tự nguyện trong tràn đầy tình thương yêu của các em. Sự quan tâm cho nhau của mọi người nơi đây đã tạo nên tình yêu con người chân thành. Hôm ấy, cô bé năm nhất rụt rè và ích kỉ ngày nào dường như đã bắt đầu có những thay đổi rất lớn cách nghĩ.

Chúng tôi được hướng dẫn sang khu vực học tập của trường, là ngày nghỉ không có các em đang sinh hoạt bên trong, nhưng chúng tôi vẫn có thể tưởng tượng ra một số hoạt động qua các vật dụng trong phòng thật ngăn nắp. Các em luôn cố vươn lên trong cái bất hạnh mình đang gánh chịu để được làm người bình thường. Đáng nể phục!

Thư viện của các em đầy những quyển sách bằng chữ Braille, đó là những sản phẩm “Made in school”, là những nỗ lực bằng tình thương vô bờ bến của các Sơ nơi đây gây dựng nên. Nói là sách, thực sự chỉ là những tờ lịch cũ được làm bằng một dụng cụ đặc biệt. Dùng ngón tay sờ lên những kí hiệu nổi, tôi cảm nhận được tình cảm không thể quy ra vật chất của các Sơ nơi đây dành cho các em và cảm nhận được cả một tương lai luôn đòi hỏi các em không ngừng cố gắng, vượt lên trên những thiệt thòi mà tạo hoá đã vô tình lãng quên không ban ánh sáng cho đôi mắt của các em.

Phòng ngủ của các em gây ấn tượng nhiều nhất cho tôi. Ở phía trái đầu giường hai tầng được dán một tờ giấy viết tên mỗi em bằng chữ Braille. Xung quanh chỉ có những vật thiết yếu, không hình ảnh màu sắc trang trí, dường như cái đẹp về hình thức là không cần thiết ở nơi đây. Thương cho các em không được tận hưởng thật trọn vẹn cuộc sống.

Trở lại cùng các em với một tiệc liên hoan nho nhỏ. Chúng tôi chia thành những nhóm nhỏ, cùng ăn bánh và trò chuyện. Đó chỉ là những mẩu chuyện rời rạc chia sẻ về tên, tuổi, về gia đình hay đơn giản chỉ là những trò đùa cho các em vui, nhưng qua đó tin chắc rằng không riêng gì bản thân tôi, mà cả những bạn tham gia chuyến đi ấy đã mang đến những kỉ niệm không dễ lãng quên. Chúng tôi mong ước trong những giấc mơ hằng đêm với một điều kì diệu sẽ giúp các em có một tương lai tươi sáng …

Từ những giây phút đó, thật sự là khoảnh khắc thay đổi cách nghĩ, thay đổi quan điểm sống trong tôi. Tôi đã không nhìn thấy những thứ mình được ưu đãi, đã từng không sống cho người khác, không nhìn thấy xung quanh mình còn biết bao người gặp nhiều khó khăn, từng ngày trôi qua đối với họ là những nỗ lực, những cố gắng vượt lên số phận. Họ cần biết bao những bàn tay nhân ái giúp đỡ về vật chất hay đơn giản chỉ là một sự động viên, một sự chia sẻ về tinh thần…

Giờ đây, tôi đã nhìn cuộc sống bằng cách khác, không còn “cái tôi” quá lớn như ngày nào. Tôi đã hiểu ra cuộc đời được ghép từ hàng ngàn, hàng triệu những mảnh ghép, mỗi mảnh ghép là một hoàn cảnh, một mảnh đời khác nhau làm nên một cuộc đời muôn màu. Những mảnh ghép đó được liên kết với nhau bằng tình cảm giữa người với người. Tôi đã nhận ra trách nhiệm của bản thân nói riêng, của thanh niên nói chung đối với tình nhân loại. Nếu không có chuyến đi ấy, sẽ không có tôi ngày hôm nay: phấn đấu trong học tập và tích cực tham gia công tác xã hội.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ: “Hãy tham gia công tác xã hội nếu bạn có thể, để tự nhận thức: chính chúng ta mới là người nhận nhiều hơn là cho”. Ta cho đi rất ít, nhưng nhận lại là cả một con người mới, một cách sống mới với sự tự tin, hoà đồng, trưởng thành hơn.

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Võ Thanh Trà – ĐH24A02

Bài giải Ba:

GIA ĐÌNH TRONG TRÁI TIM TÔI

“Xuân tình nguyện” – ba tiếng ấy đối với tôi giờ đây sao thân thương đến lạ. Thân thương vì tôi đã cùng với nó trải qua cả một mùa chiến dịch, nhờ nó mà học được biết bao nhiêu điều bổ ích và qua nó tôi đã có một “gia đình”. Gia đình của tôi không có những thành viên cùng chung dòng máu, anh em chúng tôi đến từ khắp mọi miền: thành phố ,tây nguyên và cả vùng sông nước. Chúng tôi cũng không cùng độ tuổi và đến từ các khoa khác nhau… Nhưng chúng tôi có chung một tấm lòng – đó là mong muốn được góp sức mình giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn được hưởng một cái tết vui vẻ và trọn vẹn. Và thật sự chúng tôi đã có một mùa chiến dịch thật ý nghĩa.

Tôi nhớ nhất là cái ngày mà chúng tôi tổ chức sân chơi cho thiếu nhi ở Phú Hữu (nơi tôi đóng quân thuộc địa bàn phường Phú Hữu, quận 9). Đó là một buổi chiều trời nắng như lửa đốt, chúng tôi rời ngôi nhà của mình tập trung tại Uỷ ban phường để chuẩn bị dụng cụ. Đi cùng nhau trên con đường từ nhà tới ủy ban vốn đã quen thuộc với mỗi chiến sĩ mà sao lòng chúng tôi cảm thấy thật bồi hồi. Có lẽ là bởi vì chỉ còn một ngày nữa thôi chiến dịch sẽ kết thúc và anh em chúng tôi sẽ phải xa nhau. Nhưng ngay giây phút này, mỗi người đều dốc hết sức mình tập trung vào công việc để đêm trò chơi được thành công tốt đẹp. Đứng giữa sân ủy ban, vài tán lá bàng không thể che hết được cái nắng đầu xuân chói chang và oi bức nhưng chúng tôi cứ say mê làm việc. Đứa thì chuẩn bị bao bố, đứa thì lấy nước đổ đầy chai làm chướng ngại vật, đứa thì xếp những lon bia thành một chồng thật cao để làm đích ném… Chỉ những trò chơi dân gian hết sức đơn giản nhưng tụi tôi lại cố nghĩ nát óc để ra những cái tên thật độc đáo. Nào là “nhất bóng hạ tam lon”, “rồng chuyển ngọc”, “đường đua khốc liệt”… Đối với mấy cái tên trò chơi này, tôi dám chắc là chỉ chúng tôi biết và tự hào về tên do mình đặt ra chứ lũ trẻ thì chẳng thèm quan tâm đến và người lớn – ba mẹ của bọn trẻ thì sẽ chẳng đọc được vì sân chơi sẽ bắt đâù vào lúc 7 giờ tối mà. Vậy mà chúng tôi vẫn cứ ngồi trang trí bảng tên cho thật đẹp, vẽ các hình hoa văn con vật để làm nổi bật bảng tên của mình. Rồi chúng tôi đeo bảng tên trò chơi lên vai, xếp thành hàng dài để chụp hình. Đứa nào cũng chen chúc để giơ bảng tên của mình lên thật cao. Không khí lúc ấy thật vui không thể tả. Mỗi người chúng tôi như hòa mình vào sân chơi ấy, tưởng như mình đang bé lại. Những món quà chúng tôi chuẩn bị cũng chỉ đơn giản là những bịch snack, những cây kẹo mút hay những thanh sô cô la, nhưng chúng lại được trang trí hết sức ấn tượng. Thế mới biết tấm lòng của các chiến sĩ dành cho sân chơi này như thế nào. Mãi cho đến lúc ủy ban phát lên thông báo về sân chơi của chúng tôi thì không khí mới thực sự thay đổi hẳn. Lũ trẻ ùa tới thật không khác gì ong vỡ tổ khiến chúng tôi trở tay không kịp. Ban đầu là chơi trò chơi tập thể để chúng tôi dành thời gian làm quen với bọn trẻ. Chúng thích nghi rất nhanh và chơi trò chơi cũng rất giỏi. Sau màn làm quen ấy thì tụi trẻ đã không còn rụt rè sợ sệt như trước nữa. Chúng cứ ríu ra ríu rít cười đùa như thể đã thân quen với chúng tôi từ rất lâu. Hai em nhỏ đứng cạnh tôi: Hằng và Thảo cứ luôn miệng hỏi “Chị ơi chị ở gian hàng nào thế?”, “Chơi có khó hông chị? Có quà đúng hông chị?”… Hàng loạt câu hỏi cứ dồn dập thoát ra từ miệng bọn trẻ, tôi cứ liên tục trả lời như một cái máy. Tuy vậy, trong lòng tôi lại cảm thấy rất vui. Nhìn ánh mắt hồn nhiên và nét ngây thơ của lũ trẻ, thấy chúng tung tăng chạy từ gian hàng này qua gian hàng nọ, chúng tôi như quên đi mệt mỏi. Tôi hào hứng hét thật to để cổ vũ, hướng dẫn cách chơi và cũng chạy đua cùng lũ trẻ. Sân chơi ấy không chỉ có chúng tôi mà chính trẻ em trong phường đã tạo động lực để tụi tôi cố gắng và chúng góp phần làm nên thành công cho đêm hội này. “Lâu rồi ủy ban mới vui như vầy nhỉ.” Câu nói ấy là lời nhận xét mà tôi vô tình nghe được. Câu nói đơn giản như vậy thôi nhưng lại làm cho cả đội vui mừng khôn xiết. Ai bảo tham gia chiến dịch tình nguyện là bạn chỉ cho đi? Chúng tôi nhận được rất nhiều ấy chứ, đó là nụ cười của các em nhỏ, là niềm cảm kích của người dân địa phương, là lời khen từ các ba má phong trào cũng đã một thời xông pha chinh chiến, và còn nhiều lắm những kỉ niệm mà tôi không thể nào quên.

Chỉ còn một ngày nữa thôi là chúng tôi phải xa nhau, cái giây phút ngồi quây quần ăn mừng thành công của đêm hội cho thiếu nhi, những bài hát quen thuộc đã được cất vang và những giọt nước mắt đã chảy xuống trên má người chiến sĩ. Giọt nước mắt ấy lưu luyến trong giây phút sắp phải chia xa và đó cũng là giọt nước mắt hạnh phúc vì chúng tôi nhận ra chúng tôi là một gia đình thật sự. Tôi sẽ rất nhớ những bữa cơm cùng nhau quây quần đầy ắp tiếng cười, nhớ cái món chè nha đam được đội hậu cần bỏ bịch chu đáo đem ra sân ủy ban lúc chúng tôi đang đói cồn cào, nhớ con đường quen thuộc ngày ngày tôi đi cùng các đồng đội của mình, nhớ những đêm nằm sát nhau nghe kể chuyện rồi cùng phá lên cười, nhớ cả những “sự cố” nho nhỏ mà chúng tôi gặp phải… Một tuần, sao quá ngắn ngủi đối với chúng tôi. Nhưng chỉ một tuần thôi chúng tôi đã thành anh em một nhà, quan tâm đến nhau từng miếng ăn giấc ngủ, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn… Tôi sẽ lưu giữ những kí ức đẹp đẽ của một mùa xuân tình nguyện mãi trong kí ức, và đặc biệt là lưu giữ những tình cảm của mọi người dành cho nhau. Chiến dịch kết thúc, tạm biệt Phú Hữu thân yêu, nhưng vẫn còn đây một “gia đình Phú Hữu” trong tim tôi…

Vũ Thị Mai Hương – DH24AV01

Đính kèm: