Tri ân người nhạc sĩ 10 năm không còn trên dương thế….

Người ta tìm thấy ở ông hình bóng của một kẻ du ca, một tâm hồn bay lạc, một con người mang lại cho nhân gian bao ”Đóa hoa vô thường”, ”Như cánh vạc bay”, rồi ẩn khuất trong đó là dáng hình của một người con gái, tinh tế, uyển chuyển, ”mình hạc xương mai”, hay ”đôi môi em là đốm lửa hồng”, như muốn vỡ tan dưới cái sự luân chuyển cảm xúc trong dòng máu của người nghệ sĩ….Vâng, đó là Trịnh Công Sơn, người được nhân gian mệnh danh là kẻ du ca của tình yêu và cuộc đời….

Hình ảnh thấp thoáng trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn, là phố. Tại sao lại là phố? Phố hoang vu, phố trầm mặc, phố đìu hiu hay phố quạnh quẽ. Phố là không gian chỉ có hai người, ”thôi chào em, về giữa phố xá thênh thang” hay ”nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà, từ những phố kia tôi về…”…Lúc cái cô đơn như phủ chặt cái định mệnh, đối với ông, người ta sẽ nghĩ đến hy vọng, hy vọng giống như dòng thác đổ, hy vọng cái cô đơn không còn, để rồi chỉ thấy được còn mình ta tồn tại trong kỷ niệm. Trịnh Công Sơn đã từng ngậm ngùi, từng khóc, từng thương nhớ, từng oán trách. Khi cuộc tình đã xa, khi cuộc tình đã mất, khi ta thương nhớ một cuộc tình và khi ta thương nhớ một con người, nhạc của ông hiện ra, là những gì còn sót lại sau một nỗi đau buồn còn tiếp nối. Người ta đến với nhạc Trịnh không vì nó không ủy mị, nó vẽ ra một viễn cảnh về cuộc đời, nó mang âm hưởng của bao nỗi buồn vui hòa lẫn….

Nếu chữ tình của cố nữ ca sĩ Ngọc Lan là tình yêu và tình đời, thì chữ tình của Trịnh Công Sơn chỉ là tình, mọi tình tự trên cuộc đời đều chỉ là tình. ”Tình xa”, ”Tình nhớ”, ”Tình sầu” hay ”Tình xót xa vừa”, các chữ tình tồn vĩnh trong một không thời gian khác nhau. Vâng, đây là sự tình cờ làm nên cái bất diệt. Có lẽ chữ tình đã nằm trong dòng máu của Trịnh, ông viết về tình mẹ, viết những câu tuy đơn giản, những ý niệm thật tuyệt vời. ”Lời mẹ ru con đến những khu vườn” và cuối cùng là ”Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, để ru mẹ ngủ”. Mẹ cũng đã ngủ rồi. Đấy, ai bảo nhạc Trịnh chỉ là tình yêu? Chữ tình của Trịnh Công Sơn đã là một chủ đề gây bàng hoàng bao con tim đang đập của nhân gian, và đến bây giờ, điều ấy vẫn tồn vĩnh…

Trịnh Công Sơn có nhiều bài hát ru, ông có lẽ thích sự nhẹ nhàng, sự trầm lặng. Ông ru cả một cuộc đời, ru chính cái định mệnh, lời ru của ông đã bay rất xa, bay một chặng đường hơn nữa thế kỷ. ”Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng, bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son….”. Không chỉ là cảm xúc dâng cho cuộc đời này, mà còn là sự suy ngẫm một chặng đời đã trôi qua. Khi cái nhân gian toàn tủi hờn, là ”Ru em”, khi cuộc đời là số phận, lại là ”Ru ta ngậm ngùi”…”Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm…” Máu cuồng điên chính là chiến tranh, con chim là hòa bình, đang đứng chết lặng, đang u uất với cái chiến tranh vô nghĩa. Nên ông đã ru, ru những tâm hồn chưa được mở, ru để người lại trở về với người…Ru để mọi người lại yêu thương nhau.

Hơn 200 tuyệt phẩm Trịnh Công Sơn cống hiến cho đời, mỗi ca khúc là một câu chuyện, mỗi câu chuyện là một nơi chốn, mỗi nơi chốn lại là một cuộc đời… Có đôi khi, giữa dòng đời tấp nập này, giữa những nỗi lo về học tập, sự nghiệp, ganh đua… ta tìm thấy ta trong chính những giai điệu ấy – tình ca người họ Trịnh!

Ban Thông tin – Truyền thông_ TRẦN PHƯƠNG