Khi “Tôi” là sinh viên là lúc tôi…

Đối mặt với lắm nỗi lo toan

Niềm vui sướng trúng tuyển đại học chưa trọn vẹn là bao lo toan cho cuộc sống mới phía trước. Nhất là với các tân sinh viên gia đình khó khăn.

Niềm vui chóng đi qua để lại nỗi lo cơm áo gạo tiền và các khoản phải nộp khi vào Đại học. Chị Thanh-một phụ huynh quê Gia Lai bày tỏ “Vợ chồng làm nông chỉ với 3 sào ruộng, nhưng lại phải lo cho 2 đứa con đang học Đại học. Khổ lắm! Nhưng phải cố gắng cho con học hành để con sau này đỡ khổ”. Và các khoản chi phí này ắt hẳn là không nhỏ khi lên thành phố học tập.


Tân sinh viên trường ĐHNH và bố trong ngày nhập học [Ảnh: Blue]

Cũng có một nỗi lo khác mang tên nhà trọ. Ở chốn thành thị mấy ai có người quen, kí túc xá thì chỉ đáp ứng lượng sinh viên nhất định, thế là nỗi lo tìm nhà trọ lại thường trực. Để tìm một nhà trọ ưng ý, nhiều gia đình đã phải lên sớm 2-3 tuần hoặc từ khi biết con đậu đại học. Nhưng nhiều bạn vẫn mãi tìm không được đành chấp nhận ở ghép thông qua các mẩu giấy “Tìm người ở ghép” bên đường gần trường hoặc ở nhờ nhà bạn để kiếm nhà trọ.

Tự chủ trong cuộc sống

Không còn cha mẹ quan tâm chăm sóc bên cạnh, mỗi cái “tôi” lại bắt đầu ở điểm xuất phát mới. Môi trường hoàn toàn mới mở ra trước mắt, bạn phải tập thích ứng với nó, bắt đầu với những công việc cơ bản nhất. Ngơ ngác những lần tìm đường với tấm bản đồ trên tay, tự làm lấy tất cả các công việc sinh hoạt hằng ngày, tính toán chi tiêu hợp lí nhất có thể và gây dựng những mối quan hệ mới.


Hình 2: Tân sinh viên- một chặng đường dài chờ đón phía trước [Ảnh sưu tầm]

Thêm đó, là những bối rối, hoang mang, không phân định rõ giữa cái tốt và xấu trong môi trường đông người xa lạ và phức tạp của chốn thành thị. Những trò lừa đảo vây bủa lấy bạn dưới đủ mọi hình thức, mà chỉ cần một chút bất cẩn hay một chút “thiếu bản lĩnh” thì bạn bị sa chân ngay. Bạn Trang- sinh viên ĐH Sài Gòn cho biết ” Mới ngày đầu quen được một chị cùng quê, chị bảo giới thiệu làm ở một công ty bán mỹ phẩm, lương cao 2-3 triệu. Sau một ngày đi dự hội thảo với chị về, mình mới biết đấy là công ty bán hàng đa cấp trái phép”.

Nhưng bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà đâu nhé!. Nhất là những ngày đầu nhập học hay những lần bạn vấp ngã. “Nhớ ngày đầu, chiều nào mình cũng gọi về cho ba mẹ, tối nằm là nước mắt cứ tràn ra” Khánh- sinh viên khóa 09 khoa tài chính ngân hàng của Đại học Mở- tâm sự. Xa quê, xa gia đình, chia xa bạn bè, cảm giác xa lạ sẽ bao trùm lấy, đôi khi ngột ngạt đến khó thở.

Tiếp tục công việc học tập

“Lúc đầu mình thật sự khó khăn trong việc tiếp cận cách học, nó khác với thói quen học cấp 3 của mình. Nhưng giờ thì ổn” Cẩn Giang- sinh viên K26 Đại học Ngân Hàng tp HCM chia sẻ. Và âu đó cũng là tâm lí chung của các tân sinh viên.

Lên Đại học, là bước vào một môi trường học tập và theo đó là những khác biệt lớn với thời học sinh. Khác trong cách giảng dạy và cả trong phương pháp học, chúng đòi hỏi ở sinh viên nhiều kĩ năng hơn như kĩ năng nghe giảng, kĩ năng làm việc hiệu quả, làm việc nhóm và hơn hết là kĩ năng tự học.

Sẽ không còn ai thường xuyên kiểm tra sự có mặt của bạn, lớp học trở nên đông hơn, thời gian trên lớp ít hơn, bạn phải làm bài tập nhiều hơn và đặc biệt là tự do hơn khi hiện nay học theo hình thức tín chỉ được phổ biến rộng rãi. Nhưng nó cũng có nghĩa là nhiều trách nhiệm hơn. Có lẽ vì tự do nên nhiều bạn tỏ ra chủ quan trong học tập: không ghi chép bài, bỏ giờ lên lớp, không hoàn thành bài tập được giao, bắt đầu học khi tới cận ngày kiểm tra… Tất cả những điều ấy sẽ mang đến cho bạn kết quả không tốt trong học tập.

Và “Tôi” ấy, hãy dám ước mơ và quyết định.

“Kỳ thực, trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” – Lỗ Tấn. Không có một con đường nào trải dài chờ đón bạn mà chính bạn phải nỗ lực tạo ra nó. Hãy vạch cho mình một con đường bằng cách đặt ra một mục tiêu và bản kế hoạch chi tiết cho thời gian mà bạn học trên giảng đường. Việc lập kế hoạch sẽ làm bạn hình dung được những khó khăn mà bạn phải trải qua cũng như thách thức và cơ hội đang chờ đón bạn.

Nhưng cũng đừng ngại khó khăn, thất bại bạn nhé. Bởi không một thành công nào mà chưa từng trải qua thất bại. Bởi lẽ, không ai biết trước được tương lai. Đời vốn là sự đào thải những cái không phù hợp để cuộc sống bớt sức mẻ. Và không bao giờ là quá muộn để sửa chữa những sai lầm khi bạn đã bước sai trong quá khứ.

Vì thế mỗi cá nhân hãy cố gắng phấn đấu vì mục đích của mình. Hãy tự tin thực hiện những gì mà bạn mơ ước, đi tới những nơi mà bạn muốn tới, quyết định những việc bạn muốn làm. Bởi lẽ bạn chỉ có một cuộc đời và một lần cơ hội để làm những gì bạn muốn thôi.

Hoàng Giang