Nhưng có lẽ điều mà chúng tôi, những chiến sĩ tình nguyện sẽ không bao giờ quên được, đó chính là những tình cảm mà chúng tôi cảm nhận được từ chính mành đất này, mảnh đất biên giới Châu Thành – Tây Ninh.

CHỮ “TÌNH” NƠI VÙNG BIÊN

(Trích nhật ký MHX 2010)

Vậy là cũng gần nửa tháng chúng tôi gắn bó mảnh đất này, mảnh đất Tây Ninh anh hùng và hiếu khách. Đã quen với nắng gắt, mưa dầm và cả những con đường lầy lội, vốn dĩ đã từng là một nỗi ám ảnh lớn khi lần đầu chúng tôi đặt chân đến nơi này. Nhưng có lẽ điều mà chúng tôi, những chiến sĩ tình nguyện sẽ không bao giờ quên được, đó chính là những tình cảm mà chúng tôi cảm nhận được từ chính mành đất này, mảnh đất biên giới Châu Thành – Tây Ninh.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến với mảnh đất anh hùng này để làm công tác tình nguyện. Và hơn nữa đối với tôi, nơi này lại càng không xa lạ bởi tôi cũng chính là người Tây Ninh. Vẫn thường nghe nói người Tây Ninh chân thành và hiếu khách nhưng có trực tiếp cảm nhận và trải nghiệm thứ tình cảm đó trên chính mảnh đất này thì mới hiểu rõ nó đẹp và ý nghĩa đến dường nào. Chữ “tình” đầu tiên mà tôi muốn nói đến đó chính là tình cảm của những con người nơi đây dành cho các chiến sĩ MHX. Chính sự quan tâm ân cần và chu đáo của họ đã làm cho chúng tôi có cảm giác nơi đây chính là nhà của mình. Tôi còn nhớ ngày đầu ra quân, cơn mưa nặng hạt và kéo dài đã khiến cho những con đường đất đỏ dẫn về các điểm đóng quân trở nên lầy lội, trơn trượt, khó đi hơn bao giờ hết. Tôi thoáng đọc được đâu đó trên những khuôn mặt trẻ sự lo lắng, chán nản và kể cả nỗi thất vọng. Chính sự nhiệt tình của lãnh đạo xã và thanh niên địa phương đã nhanh chóng làm xóa tan đi cái cảm giác đó. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh anh Trung, anh Hiếu, anh Hải, anh Quyền, thân người ướt đẫm nước mưa cùng với các anh thanh niên khác trong xã lần lượt đưa gần ba mươi chiến sĩ về các điểm nuôi quân để ổn định chỗ ở. Đường về Tân Long, Rạch Tre, Tân Định lầy lội, chia cắt và nhiều hiểm trở lại trở nên đầy ắp tiếng cười và hứa hẹn một mùa hè xanh đầy ý nghĩa và thành công. Ngày đầu ra quân, ấm áp là thế, thân tình là thế, vẫn tiếp tục theo chân chúng tôi trong suốt những ngày vừa qua. Từ việc hỗ trợ nơi ăn chốn ở tươm tất, hướng dẫn cách làm quen với lối sinh hoạt mới, hỗ trợ phương tiện đi lại trong những ngày sinh hoạt tập trung, cho đến những bó rau, con cá góp phần cải thiện bữa ăn cho các chiến sĩ và thậm chí là đồng hành cùng các chiến sĩ trong các hoạt động tình nguyện…đâu đâu cũng có bóng dáng của những con người này. Thiết nghĩ, nếu như không có chữ “tình” này, chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Một trong những nét khó khăn nhất ở nơi đây đó chính là sự hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục phổ thông. Kinh tế nghèo nàn, cơ sở vật chất thiếu thốn, địa bàn xa xôi cách trở (đây thực chất chính là vùng đệm của biên giới Việt Nam – Campuchia) có lẽ là nguyên nhân chính làm cho phần lớn các em thiếu nhi nơi đây đang phải hứng chịu một sự thiệt thòi to lớn. Các em không có điều kiện hưởng thụ một nền giáo dục trọn vẹn như bao trẻ em khác. Và cái vòng lẫn quẫn ‘nghèo-thất học” vẫn như còn đang hiện diện ngày ngày nơi vùng biên. Chính vì vậy, một trong những hoạt động chính của chúng tôi trong chiến dịch này đó là mở các lớp ôn tập hè cho các em học sinh. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ nô nức đi học, nhỏ có, lớn có, tôi không khỏi cảm thấy xúc động và hạnh phúc. Và dường như những chiến sĩ trẻ của tôi mới chính là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, không chỉ vì họ được các em gọi là “thầy”, là “cô”, được nhận những bó hoa dại từ tay các em trao tặng mà hơn hết các bạn đã cảm thấy mình đã có những đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước. Ngày ngày, hình ảnh những “người thầy”, “người cô” trong màu áo xanh tình nguyện bên cạnh đàn trẻ ríu rít đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mùa hè nơi vùng biên khắc khổ này. Những nét viết chính tả, những phép toán, những trò chơi, những bài hát đều chan chứa tình cảm nhiệt huyết của những thanh niên trẻ tuổi. Tình cảm thầy trò, chữ “tình” thứ hai mà tôi muốn nói đến, cũng vì thế đã trở thành thứ tình cảm không thể nào quên trong lòng mỗi chúng tôi.


Chữ “tình” thứ ba mà tôi muốn nói đến ở đây đó chính là tình đồng chí, đồng đội. Thứ tình cảm vô hình đã biến chúng tôi từ những người xa lạ trở thành những người anh em ruột thịt, luôn sát cánh bên nhau vượt qua bao khó khăn và thử thách. Nếu như trước khi xuất quân, điều tôi lo lắng nhất đó chính là liệu những con người trẻ tuổi này có vượt qua được những khó khăn vất vả phía trước hay không, thì giờ này khi tận mắt chứng kiến ngày ngày các bạn dần dần trưởng thành, đoàn kết, gắn bó, chia sẻ cho nhau, tôi hoàn toàn tin tưởng họ sẽ làm được. Những bữa cơm đầm ấm thân tình, những sẻ chia trong công việc, sự bảo bọc, đoàn kết, chung sức sáng tạo đã trở thành nếp sống hàng ngày của những bạn trẻ sinh viên xa nhà lần đầu tham gia công tác tình nguyện. Hẳn tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đồng đội chăm sóc nhau mỗi khi đổ bệnh, từng viên thuốc, chén cháo, những câu an ủi, động viên, chia sẻ mỗi lúc nhớ nhà, những ngày đèo nhau dưới mưa trên những con đường vắng lầy lội, hay những lúc đồng thanh trong những lời ca hay với những slogan đầy nhiệt huyết của sức trẻ và cả cái thủ tục “so đũa” trước mỗi lúc dùng cơm đầy thú vị nhưng cũng ý nghĩa biết bao. “Đi để rèn luyện, đi để cống hiến”, trong mắt tôi các em đang dần dần trưởng thành, hãy biến tình cảm đó, tinh thần đó thành sức mạnh, thành những kỳ tích các em nhé.

Có lẽ tôi là người may mắn nhất khi có nhiều điều kiện để trực tiếp tiếp xúc với tất cả những con người này, cảm nhận được những chữ “tình” ấy một cách sâu sắc và trọn vẹn nhất. Xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến những con người trên mảnh đất này, và một lần nữa xin được tôn vinh những chiến sĩ trẻ tình nguyện. Mùa Hè nơi biên giới đang Xanh màu và chuyển mình từng ngày từ những chữ “tình” này.

Thông tin về tác giả:

Nguyễn Trần Phước Bảo – Bí Thư Đoàn trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM

Thường trực Ban Chỉ Đạo Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” năm 2010