[ĐHNH_B4T]

CHÚT TÌNH XUÂN – ẤM LÒNG SON

Hôm nay, 22/01/2014 – một ngày mà chắc chắn suốt cuộc đời này tôi sẽ không quên bởi những thứ mà tôi nhận được hôm nay nhiều hơn rất nhiều thứ mà tôi đã có trong đời! Từ ngày tham gia chiến dịch Xuân Tình Nguyện, tôi quen với tiếng đồng hồ báo thức vào mỗi sớm mai, không kì kèo thêm năm mười phút nữa, không nhăn nhó khó chịu với cái lạnh cuối năm tái da tái thịt, tôi bật ngay dậy với những tiếng gọi đầu tiên của ngày mới, bởi trong tôi hai chữ Tình nguyện đã ý nghĩa lắm rồi!

Ba ngày đã trôi qua, nhưng phải đến hôm nay, cảm xúc trong tôi mới dâng lên dữ dội đến thế, ào ào như con thác đổ.

7h sáng có mặt tại cổng trường, hòa vào màu áo vàng tươi của cả 29 con người trong Tam Phú Gia, tôi luôn thấy dâng lên trong tim niềm tự hào và trách nhiệm, chẳng biết vì lý do gì! Hôm nay, chúng tôi cùng nhau làm công việc “huyền thoại” của chiến dịch, đó là thu gom ve chai và xóa biển quảng cáo trên cột điện, cảm giác háo hức như ngày đầu ra quân vậy!

Quả là việc gì cũng vậy, lúc nào trên lý thuyết cũng dễ dàng hơn khi thực hiện, lúc mới bắt đầu ai cũng phăng phăng đi hăm hở, giành giật với nhau từng cây cột điện: “đi đi, chỗ này của tụi tui rùiiii!!!”, “lên cây trên kia đi, ở đây đủ người òyyy!!!”, “nhanh lên anh em, nhóm kia sắp xong ùi kìaaa!!!”… nhưng khi nắng bắt đầu bỏng rát trên vai, tóc bắt đầu bết vào từng túm vì mồ hôi quện dính, chân bắt đầu mỏi, mắt bắt đầu mờ, bụng dạ kêu ọt ẹt vì đói… thì mọi người lại trở nên “nhường nhịn” nhau đến lạ: “ê, zô đây đi, cây này nhiều quá nèè!!!”, “ê, bạn làm ở đây nè, tui qua kia trước nhaa!”, … Phải công nhận, xóa biển quảng cáo không phải là công việc dễ dàng, những lớp keo dán cứng đầu cứng cổ cứ dính chặt với cái thân cây cột mặt cho chúng tôi có làm đủ cách chà xát, cạy mở… có những biển quảng cáo còn dán tít trên cao, chồng chéo lên nhau, đoàn kết bám dính vào nhau… mặt cho tất cả mọi nỗ lực của đám sinh viên tình nguyện.


Chúng tôi kết hợp hai việc thu gom ve chai và xóa biển quảng cáo làm cùng lúc, cứ đi xóa biển quảng cáo hết một con đường thì sẽ quay lại con đường đó xin ve chai từ hai bên nhà dân với chiến thuật: “làm trước cho người ta thương…”. Buồn cười nhất là lúc mới vào những nhà đầu tiên xin, cả đám đứng ngoài đường lấp ló, tập nói trước với nhau, đại loại như là: “Dạ con chào cô chú, tụi con đến từ đội Xuân Tình Nguyện…”, “tụi con xin quyên góp ve chai để gây quỹ giúp đỡ…”, … chẳng có đứa nào dám hùng hổ bước vào như khi bàn công việc ở nhà, lũ con trai thì giả lơ kiểu như tụi-tui-chỉ-có-trách-nhiệm-đi-vác-bao-nha, còn lũ con gái thì nhao nhao nhìn nhau lo lắng không biết thế nào!

Nhưng tất cả những điều đó chỉ diễn ra vào lúc đầu thôi, sau khi quen công việc thì tất cả mọi người đều muốn được tự giới thiệu về đội của mình, bởi những người dân sống ở phường Tam Phú thực sự rất cởi mở và thân thiện! Bạn có tin không, khi mà chúng tôi đang hí húi cào cào xóa xóa cột điện thì các cô chú nơi đây lần lượt ra xem, hỏi thăm rồi còn cho quà bánh, có người còn chạy ra làm phụ, kể chuyện các biển quảng cáo này toàn bị dán lên vào ban đêm, cứ bóc đi là lại có cái mới thế vào, nên người dân ở đây không ai còn muốn bóc nữa! Có một cô sống ở Khu phố 3, lần đầu chúng tôi vào xin thì đã vô cùng niềm nở, hăng hái thu gom giấy vụn, bìa cạc-tông, chai nhựa,… mang ra cho, vậy mà khi chúng tôi quay lại để đi sang tuyến đường khác thì cô đã chạy vội theo cho thêm quà bồi dưỡng cho cả đội! Bản thân tôi cùng bốn bạn nữa lập thành nhóm nhỏ đi trên một con đường ở khu phố 4, khi ghé lại hàng của một bác bán nước để xin ve chai, chẳng cần chúng tôi giới thiệu lâu, bác đã mang ra từ trong nhà hai bị đựng giấy báo thật to và kèm thêm hai chai nước trà thơm lừng: “Nắng quá, uống nước cho mát đi các con, bác thấy mấy đứa đi làm tình nguyện là bác thích lắm!”, dường như còn thấy chưa đủ, bác chạy nhanh vào trong bưng ra năm ly đá phát cho năm đứa rồi cười toe: “có cái này uống mới đã nè!”… thật tình lúc đó, chúng tôi đứa nào mắt cũng sáng long lanh, mọi mệt nhọc dường như chạy trốn mất!

Tất cả những gì thu gom được chúng tôi đem về tập kết tại trước ủy ban phường, thực sự rất nhiều và rất nặng, cả đám đang lê lết kéo về thì có một chú chạy “siêu xe” ba gác đến cho quá giang cả người lẫn hàng, chú này cực kì xì-tin và vui tính, còn cùng cả đội chụp mấy tấm hình lưu niệm, nói cười rôm rả!

Thành quả của cả ngày lao động không chỉ là 357 kg giấy, 606 cái lon, 31 kg nhựa cứng, 12 kg sắt và 43kg chai nhựa mà còn là nghĩa tình đùm bọc yêu thương giữa những con người vốn xa lạ với nhau, không chỉ là 6 con đường dài hơn 10 km với hơn 200 trụ điện lớn nhỏ mà còn là những giọt mồ hôi tình nguyện muốn góp sức mình làm đẹp một mùa xuân, không chỉ 29 người con đến từ những vùng miền khác nhau của đất nước mà còn là 29 tinh thần sục sôi sức trẻ hành động vì cái chung đến từ một mái nhà Tam Phú Gia…

Riêng tôi, tất cả những gì tôi đã nhận được không còn dừng lại ở niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hân hoan trong tâm hồn nữa mà đó là cả một sự thay đổi lớn trong cách làm và cách nghĩ. Nếu như trước đây nguyên tắc “cho đi là nhận lại” chỉ có trên những điều được học, được nghe thì bây giờ tôi trở thành một trong những nhân vật chính viết nên câu chuyện ấy, thấm đượm tính nhân văn cao cả và tuyệt vời. Nếu ai đó nói với tôi những câu đại loại như là: “Xã hội bây giờ có nhiều điều thay đổi, con người không còn sống thực với nhau” thì xin một lần hãy đến với chiến dịch Xuân Tình nguyện nói chung và đến với đội Tam Phú Gia nói riêng để được một lần cảm nhận cái nồng ấm của tình người, cái đoàn kết keo sơn của tình anh em đồng đội, và sự thương quý chân thành của nghĩa tình làng xóm bà con!

Chúng tôi là những người trẻ tuổi – đại diện cho sự hiện đại và tiến bộ không ngừng của xã hội, chúng tôi cũng là lớp người kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình… vì vậy mà chúng tôi càng phải dấn thân, cho đi nhiều hơn để thu về những trải nghiệm, những tình cảm và những thay đổi mới mẻ tích cực trong suy nghĩ và hành động, để thấy rằng cuộc đời này còn nhiều điều tốt đẹp, còn nhiều người tốt đẹp, và còn nhiều giá trị nhân văn cao cả: “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, …

Vì cuộc đời là những chuyến đi…

[B4T_Thanh Thảo Phạm]