MỘT TIẾNG THỞ DÀI…

Nhật  ký,

Bình Phước, ngày…tháng…năm

Hôm nay đã là ngày thứ 6 chúng tôi ở đây. Mọi người dường như đã quen dần với những cơn mưa rừng xối xả, những con đường lầy lội đầy đất đỏ badan, những ngày mặt trời quên lên khiến điện không đủ để thắp sáng, những cuộc gọi và tin nhắn dở dang với gia đình bởi sóng mạng chập chờn. Và hơn hết, dường như tất cả đã quen cuộc sống với vai trò là những người cô, người thầy – những người truyền lửa ước mơ, truyền tia hi vọng cho những đứa trẻ và tất cả người dân nơi đây.

Mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, chúng tôi đến đây để hết mình vì đồng bào, vì tuổi trẻ. Vất vả có là gì đâu khi tất cả chỉ sống chung gần nửa tháng với nó trong khi người dân và những đứa trẻ nơi đây ngụp lặn cả cuộc đời mình trong muôn vàn khó khăn. Cuộc sống mưu sinh chỉ gắn với những cánh rừng cao su cao ngất, con đường thường nhật chỉ là từ nhà đến rừng rồi lại từ rừng về nhà. Những đứa trẻ ham học nhưng lại không đủ điều kiện để được đi học, để biết lấy vài cái chữ.

Rồi cuộc sống của chúng cũng sẽ lại như cha mẹ chúng, như một guồng quay không thể nào thoát ra. Sẽ có bao nhiêu gia đình có thể lo cho con cái mình tiếp tục đến trường, có bao nhiêu đứa trẻ đủ can đảm để bay lên bầu trời và thỏa mình với thế giới đa sắc màu kia? Tôi không biết, cả những chiến sĩ tình nguyện kia cũng không biết. Nhưng chúng tôi thấy buồn, buồn vì trong lòng có điều khó giãi bày, hay có một điều đứa nào cũng biết, cũng dự đoán được nhưng lại không ai dám nói ra.

1 (1)

Dạy học cho mấy đứa đã được mấy ngày rồi. Buổi đầu tiên đến chúng nghịch như quỷ sứ, la hét, cười đùa ầm ĩ cả một góc nhà, hỏi đến mấy con chữ thì đứa nào cũng lặng thinh. Thấy như thế chúng tôi cứ nghĩ rằng, ừ, rồi sẽ vất vả lắm đây. Nhưng rồi, mỗi ngày đi học chúng lại có những thay đổi, thay đổi cả vẻ bề ngoài cũng như ý nghĩ bên trong khiến chúng tôi ngạc nhiên hết sức. Quần áo đã gọn gàng, bớt lem luốc và thơm tho hơn, chúng lễ phép hơn, có ý tứ hơn. Và quan trọng nhất là mấy đứa ham học hơn chúng tôi tưởng. Ham học đến mức dù đã qui định giờ học và lịch học nhưng chúng suốt ngày đến nhà văn hóa hỏi thăm: “Cô ơi học chưa cô ơi”,” cô ơi chấm bài cho con đi cô”, “Cô ơi cô cho con tô màu được không cô”,…Chúng tôi thấy mừng vì cuộc sống nơi đây tuy ngăn bước con đường đến trường của các em nhưng không ngăn được sự ham học và ý chí của mỗi đứa trẻ.

Trò chuyện với gia đình các em cũng như những người dân nơi đây, chúng tôi ngạc nhiên vì họ thân thiện và hiếu khách đến kì lạ. Họ chia sẻ nhiều về cuộc sống, về miếng cơm manh áo, về công cuộc mưu sinh và tất nhiên cả về việc học của con cái mình. Thật ra bố mẹ nào sinh con ra chẳng mong muốn nuôi được con ăn học tử tế, có một cuộc đời sung sướng an nhàn nhưng rồi mọi sự không như ý. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm sao có thể lo đến việc học. Có nhiều em chia sẻ lý do không được đến trường làm chúng tôi nghẹn lời. Đứa thì do bà ngoại ốm, mẹ phải lo tiền thuốc cho bà nên không lo được tiền học cho em, đứa thì ba mẹ bảo học làm gì tốn tiền, chỉ cần mấy hecta cao su cũng có thể sống cả đời, đứa thì bảo do trường xa quá nên thôi… Dù bất kì lí do gì đi nữa thì việc không được đi học cũng vẫn là một điều quá thiệt thòi đối với các em, việc này những chiến sĩ tình nguyện như chúng tôi đều biết nhưng bây giờ chúng tôi không thể làm gì hơn, chỉ biết trong thời gian ngắn ngủi này nỗ lực truyền lại cho các em cái chữ để các em đỡ tủi, đỡ buồn, đỡ khổ tâm.

Sáu ngày đã nhanh chóng trôi qua, tự nhận thấy mình chưa làm được gì nhiều. Thời gian ngày càng ngắn lại còn nỗi buồn lo ngày càng dài thêm. Những cái chữ, những con số đã được truyền đi trong sự nhiệt huyết của những sinh viên trẻ nhưng rồi những ánh mắt mong chờ, những nụ cười hồn nhiên, sự ham học của những đứa trẻ kia sẽ gìn giữ được trong bao lâu hay chỉ vài ngày nữa chúng lại trở về cái guồng quay xưa cũ, nơi có cao su, nơi có mủ, nơi những đêm đen thức dậy từ 3h sáng để vào rừng như một lẽ đương nhiên…

Dành cho tất cả một tiếng thở dài…

Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi đi, tuổi thơ của những đứa trẻ ngày càng ngắn lại, còn khó khăn, vất vả ở nơi này thì lúc nào cũng thế.

2

BP, ngày 22/07/2014

Trịnh Hạnh